Thu thuế từ ô tô cả sản xuất láp ráp trong nước lẫn nhập khẩu nguyên chiếc của Vĩnh Phúc, Quảng Nam đang giảm mạnh. Cùng với đó, định hướng hạn chế phương tiện cá nhân đang dần đươc thực hiện… Tình thế này, buộc các cơ quan quản lý sẽ tính toán nhiều biện pháp kinh tế để điều chỉnh. Vì vậy, giá ô tô dự báo khó giảm mạnh.
Thu thuế từ ô tô giảm mạnh
Thông tin từ Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc mới đây cho biết, năm 2017, tiền thuế của địa phương này sẽ giảm khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là do các DN ngừng sản xuất một số mẫu ô tô và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc về phân phối.
Cụ thể, từ đầu năm 2017, Công ty Toyota Việt Nam đã ngừng lắp ráp mẫu xe Fortuner tại nhà máy ở Vĩnh Phúc, chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về bán. Mẫu xe này mỗi tháng bán được 1.200 xe. Công ty Honda Việt Nam cũng bỏ lắp ráp mẫu xe Civic tại nhà máy Vĩnh Phúc và nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về phân phối. Mỗi năm, mẫu xe này bán được trên 2.000 chiếc.
Thuế chiếm khoảng 50% giá xe bán ra. Hàng chục nghìn chiếc xe chuyển sang nhập khẩu, sẽ làm cho số thuế thu từ sản xuất lắp ráp ô tô, tại Vĩnh Phúc sụt giảm mạnh.
Thuế chiếm khoảng 50% giá xe bán ra. |
Tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, dự kiến thu từ sản xuất lắp ráp ô tô, năm 2017 chỉ được khoảng 6.700 tỷ đồng, giảm 2.084 tỷ đồng so với dự toán, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và kết quả thu ngân sách của tỉnh.
Tổng cục Hải quan mới đây cho hay, 6 tháng đầu năm, ngân sách đã giảm thu 8.090 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, mặt hàng xăng dầu, ô tô,… có mức thuế nhập khẩu giảm mạnh nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu ô tô du lịch nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ khu vực ASEAN đã giảm từ 40% xuống còn 30% từ 1/1/2017 khiến nguồn thu sụt giảm.
Dự báo sang năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm còn 0% thì thu thuế từ ô tô sẽ còn giảm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu đạt 26.600 chiếc, trị giá 449 triệu USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu với 8.900 chiếc, trị giá 171 triệu USD, Thái Lan đứng thứ 2 với 6.600 chiếc, trị giá 105 triệu USD.
Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam ở mức 30%. Với kim ngạch trên, số thuế thu được khi nhập xe từ hai nước trên là hơn 80 triệu USD, ước tính cả năm trên 160 triệu USD. Bước sang năm 2018, con số hụt thu có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Không những thế, để duy trì hoạt động lắp ráp trong nước, thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô hiện ở mức 15% cũng giảm về 0%, nguồn thu từ đây sẽ mất.
Ngoài ra, với ô tô con có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống, từ 2018 sẽ giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng góp phần làm giảm nguồn thu từ ô tô.
Nếu thuế suất được sửa tăng lên sẽ tác động đến giá xe. |
Giá xe khó giảm?
Khi thuế nhập khẩu về 0%, nhiều mẫu xe nhập khẩu có giá rẻ hơn 20% so với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Vì vậy, chỉ có những mẫu xe nào có lợi thế mới được duy trì lắp ráp, còn lại các hãng sẽ chuyển sang nhập khẩu về phân phối.
Dự báo, số lượng xe ngoại nhập còn tăng, lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm xuống và các địa phương có nguồn thu lớn từ ô tô như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương,… còn thất thu thuế lớn hơn nữa. Ước tính chung, con số này có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Khi giá giảm do thuế nhập khẩu giảm có thể cơ quan quản lý sẽ tìm các biện pháp để cân đối. Bên cạnh đó, để ô tô nhập tràn vào với giá rẻ, còn gây áp lực lên cơ sở hạ tầng giao thông. Vì vậy, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ tìm cách để hạn chế ô tô.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), để hạn chế ô tô bằng các biện pháp kinh tế thì chắc chắn Nhà nước sẽ tăng thuế, phí. Ông Thành cho hay, sắp tới cơ quan quản lý sẽ tìm cách tăng các loại phí liên quan đến ô tô nhập khẩu lên rất cao.
Vừa qua, đã có đề xuất từ Bộ Công Thương với dòng xe pick up, nâng thuế phí lên tương đương với xe con. Hiện xe Pick up được hưởng thuế thụ đặc biệt từ 15-25% tùy dung tích xi lanh và lệ phí trước bạ 2%. Nếu nâng lên ngang bằng xe con thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ từ mức 40-90%, còn lệ phí trước bạ từ 10-12%. Như vậy đây là cách để bù đắp cho nguồn thu.
Một số nguồn tin cũng cho biết, Bộ Tài chính đang muốn sửa hàng loạt luật thuế như Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên.
Ô tô chịu ảnh hưởng bởi 3 luật thuế là Thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu thuế suất được sửa tăng lên, sẽ tác động đến giá xe.
Như vậy giá ô tô vào 2018 sẽ khó có cơ hội giảm.
Theo vietnamnet