8 thói quen đơn giản để trở thành chủ doanh nghiệp triệu đô, đến một học sinh 17 tuổi cũng có thể làm được

Thành công không phải ngày một ngày hai là có thể chạm tới, nhưng những chia sẻ của những người đi trước sẽ giúp cho quá trình ấy rút ngắn lại.

 

8 thói quen đơn giản để trở thành chủ doanh nghiệp triệu đô, đến một học sinh 17 tuổi cũng có thể làm được

CEO của HoopSwagg chia sẻ 8 thói quen cần thiết cho những người muốn trở thành ông chủ doanh nghiệp trong tương lai thu được hàng triệu USD mỗi năm mà ngay cả một học sinh 17 tuổi cũng dễ dàng làm được.

1. Quản lý thời gian

Việc quản lý thời gian hợp lí để công việc không chồng chất lên nhau là một vấn đề mà không phải ai cũng biết cách xử lí. Hơn nữa, đối với một ông chủ thì việc điều hành doanh nghiệp đã rất khó khăn, lại thêm việc làm ông chủ khi còn trẻ thì phải dành ra khá nhiều thời gian để học hỏi. Mỗi ngày, sau khi thức dậy, bạn nên dành 5-10 phút để lên kế hoạch cho ngày hôm nay và đặt mục tiêu cho từng việc cần làm.

Tuy nhiên, bạn cần làm chi tiết và cụ thể từng công việc để công việc không bị trì hoãn và hạn chế tối đa những khoảng thời gian rảnh rỗi lãng phí. Tốt hơn hết, bạn nên sắm một cuốn sổ nhỏ và một tập giấy note để nhắc nhở bản thân cần phải làm gì, cần phải ưu tiên việc gì trước nhất. Việc bạn chú tâm vào công việc mình đang làm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và việc quản lý thời gian của bản thân cũng dễ dàng và không lãng phí.

2. Không ngừng học hỏi

Một điều chắc chắn là bạn không thể điều hành tốt doanh nghiệp của mình khi không hiểu rõ về lĩnh vực mình đang hoạt động. Ngoài những kiến thức cơ bản mà ai cũng biết thì những CEO triệu phú, những tỷ phú danh tiếng dành nhiều thời gian vào việc đọc và luôn mang trong mình tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức. Ngoài kiến thức, bạn cần phải trang bị cho mình một bộ những kĩ năng đa dạng để giải quyết tất cả các khía cạnh của một doanh nhiệp.

Học không đơn thuần là đọc hiểu từ sách vở mà còn là từ những buổi gặp gỡ, nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp về những câu chuyện tình huống thực tế trong cuộc sống. Cho dù đó là một cuộc trò chuyện bình thường trong quán cà phê hay buổi gặp gỡ liên kết với đối tác thì bạn sẽ học được rất nhiều những bài học có giá trị cho việc kinh doanh. Vì vậy, công việc là thiết yếu nhưng cuộc sống hằng ngày cũng rất quan trọng.

3. Xây dựng mối quan hệ

Tạo dựng được các mối quan hệ trong công việc rất quan trọng đối với bất kì ai mong muốn thành công trong cuộc sống, đặc biệt là những mối quan hệ kết giao được với những người có tiếng trong một lĩnh vực kinh doanh nhất định. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một cơ chế kinh tế của các mối quan hệ rành buộc với nhau.

Nói cách khác, những gì bạn biết không quan trọng bằng bạn biết ai và quan trọng hơn cả là ai biết bạn. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân từ những mối quan hệ ở thời buổi công nghệ thông tin phát triển như bây giờ rất có ý nghĩa đối với những cá nhân có mong muốn thành công. Tìm kiếm và nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh là điều cơ bản để tạo dựng và duy trì thương hiệu cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thành công hay không là nhờ vào mối quan hệ và giá trị thực sự của những mối quan hệ ấy, vốn đầu tư dồi dào hay công nghệ tiên tiến chỉ là một phần nhỏ.

4. Bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình

Tìm kiếm cơ hội và bứt phá đi theo con đường của chính mình, tuy khó khăn nhưng chính là mấu chốt thành công của nhiều doanh nhân. Tạo ra một thương hiệu với chiến lược khác biệt là cách giúp cho doanh nghiệp phát triển và đứng vững. Muốn trở thành một doanh nhân thành công thì đừng o ép mình trong vùng an toàn của chính mình. Tự tin bước tới những lựa chọn chông gai là khởi đầu cho việc dám đối mặt với thử thách, dám chấp nhận hi sinh để vươn tới thành công.

5. Xác định mục tiêu rõ ràng

Đặt mục tiêu để phấn đấu không chỉ là nguồn động lực thúc đẩy làm việc mà còn giúp cho việc theo dõi sự tiến bộ. Nếu bạn đặt mục tiêu rõ ràng cho công việc mình làm thì dù có khó khăn hay đang gặp khủng hoảng, bản thân cũng không nản lòng và lại càng có động lực để tiến về phía trước. Có tầm nhìn và định hướng chính là chìa khóa thúc đẩy bản thân không ngừng cố gắng.

6. Giúp đỡ người khác

Dù là ủng hộ một cộng đồng địa phương hay quyên góp tổ chức từ thiện trên thế giới thì giúp đỡ người khác đều rất quan trọng. Không ai có thể gây dựng doanh nghiệp vĩ đại nếu người đó chỉ muốn làm hết mọi thứ một mình hoặc nhận về mình mọi phần thưởng và sự ghi nhận. Thành công mà không có sự chia sẻ chẳng khác gì so với thất bại.

7. Sự kiên trì

Xây dựng danh tiếng cho một doanh nghiệp không phải ngày một ngày hai vì bạn còn phải lo lắng đến những đối thủ cạnh tranh, những xoay chuyển của kinh tế, hàng tỉ vấn đề xoay quanh một ông chủ doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm thế nào để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục mỉm cười cố gắng, không nản lòng. Con đường trải đầy hoa hồng chỉ dành cho những kẻ lười biếng và lúc nào cũng muốn ỷ lại người khác.

8. Quyết định

Quyết định là một trong những thách thức hằng ngày mà doanh nhân nào cũng phải chấp nhận. Cách bạn chi tiêu và đầu tư tiền bạc sai lầm có thể là một trong những nguy cơ lớn nhất khiến doanh nghiệp của bạn phá sản. Khả năng lường trước hậu quả không mong muốn và ra quyết định đúng đắn một cách kịp thời là những kỹ năng cực kì quan trọng. Việc bạn nghi ngờ bản thân sau khi đưa ra quyết định chẳng có ý nghĩa gì cả, vì nếu bạn không tin vào bản thân mình thì làm sao nhân viên và khách hàng có thể đặt niềm tin vào ông chủ doanh nghiệp.

Theo Trí Thức Trẻ