Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không ai có thể nhịn thở. Hơi thở là dấu hiệu của sự sống, nhưng có ai biết “nguồn sống” đang nuôi dưỡng chúng ta lâm vào tình trạng báo động đến thế nào không?
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, một trong các nguyên nhân hàng đầu làm da lão hoá chính là do độc tố trong không khí. Khi ô nhiễm không khí gần như phổ biến ở tất cả các thành phố lớn, thành phố công nghiệp, chúng ta càng phải hiểu rõ hơn về nó.
Khói bụi thực chất là những gì?
Liệu bạn đã thực sự biết những gì mình hít vào hàng ngày bao gồm những gì chưa? Khói bụi ở các khu vực đô thị gồm các hạt trôi nổi trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được gọi là PMs. Chúng được tạo bởi nhiều chất khác nhau, trong đó có khí nitơ và hợp chất kim loại. Các hạt PMs này nhỏ tới mức chỉ bằng khoảng 1/30 đường kính sợi tóc nên không thể được lọc bởi mũi hay phổi, mà vào thẳng máu, gây nên nhiều tác hại khôn lường.
Tác hại cực nguy hiểm mà ai cũng chủ quan
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ
Với ô nhiễm khí độc, sức khoẻ của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng dù ít dù nhiều, nhất là với người già, trẻ nhỏ hay những người mắc bệnh tim, phổi.
Ở mức độ nhiễm độc khói bụi nhẹ, các bạn sẽ cảm thấy mắt, mũi, họng bị kích ứng với các triệu chứng như ho, hen suyễn, thở hụt hơi, tim đập nhanh. Không chỉ thế, các hạt bụi li ti sẽ tích tụ tạo nên mầm bệnh trong cơ thể chúng mình.
Hàng năm, khói bụi gây ra hàng triệu cái chết sớm do bệnh phổi và tim, bệnh tiểu đường và còn ảnh hưởng tới tâm thần.
Tác động cả tới nhan sắc
Nhiều người phải công nhận rằng, tiếp xúc khói bụi nhiều làm họ nổi mụn nhiều hơn khi ở trong nhà. Đó là vì những hạt bụi li ti bám chặt trên bề mặt da, kết hợp với mồ hôi và chất bã nhờn gây tắc lỗ chân lông, làm bùng phát mụn trứng cá, đồng thời sẽ khiến làn da bị thâm xỉn, lão hoá nhanh hơn, xuất hiện các nếp nhăn và đồi mồi.
Mái tóc được buông xoã cũng sẽ thấy bị khô xơ hơn vào cuối ngày so với khi buộc tóc vì đã tiếp xúc nhiều hơn với khói bụi.
Giáo sư Jean Krutmann, giám đốc Viện nghiên cứu Y học môi trường Leibnitz ở Đức cho hay : “Tia UV đã là chủ đề bảo vệ da trong suốt 20 – 30 năm qua. Bây giờ tôi nghĩ rằng ô nhiễm không khí mới khiến chúng tôi phải để tâm trong vài thập kỷ tới”.
Cách hạn chế tác hại của khói bụi
– Khi ra đường, chúng ta phải bảo vệ bản thân bằng khẩu trang lọc không khí và vệ sinh da sạch sẽ khi về tới nhà.
– Cố gắng búi gọn tóc khi đi ra đường hoặc đến những nơi dày đặc khói bụi nhé.
– Quan trọng là, chúng mình cùng cố gắng hạn chế bất cứ hình thức đốt cháy nào tạo nên ô nhiễm như: hút thuốc, đốt rác, đốt củi và giảm thiểu khói thải xe cộ bằng cách đi bộ hoặc xe đạp nhiều hơn nhé.
Nguồn: afsa