Một mình nuôi nấng 11 đứa con, đã có lúc chị Hoàng Thị Loan (43 tuổi – TP.HCM) tưởng mình buông xuôi giữa dòng đời nghiệt ngã…
Giữa trưa nắng, chúng tôi tìm đến nơi ở của 12 mẹ con chị Hoàng Thị Loan (43 tuổi – Gò Vấp, TP.HCM). Bước vào dãy trọ, 6 đứa trẻ sàn sàn nhau đang chơi đồ hàng lễ phép chào hỏi. Rồi một bé trai nhanh nhảu: “Cô vào nhà con chơi. Lát nữa, mẹ con mới đi bán vé số về”.
Trong lúc chờ chị Loan, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với những đứa trẻ để hiểu hơn cuộc sống của các em.
“Con ước được đến trường như các bạn ngoài đầu hẻm…”
Hỏi về các thành viên trong gia đình, bé Hưng (8 tuổi) khoe: “Nhà con có 11 anh chị em, gồm 8 trai và 3 gái. Các anh lớn đã đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Hằng ngày, con và 2 em út cùng mẹ bán vé số nhưng bữa nay chúng con ngủ quên. Còn chị Tư lo nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thi thoảng, chị và các em hay đến lớp học tình thương của cha xứ”.
Thấy một bé gái cầm hộp mỳ gói, bên trong chỉ có cơm trắng. Bé cười tủm rồi quay vào nhà, ngồi gọn một góc. Bé Hưng liền trả lời giúp em: “Nó đói quá nên ăn nốt chỗ cơm nguội với nước mỳ còn thừa từ sáng. Con bảo đợi mẹ về nấu cơm nhưng không chịu”.
Dù còn nhỏ, những đứa con của chị Hoàng Thị Loan luôn biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương lẫn nhau
Hưng vừa dứt lời, bé trai chừng 4 tuổi lao vào ôm và thì thầm: “Em đói!”. Có lẽ, quá quen với cảnh này nên cậu bé liền đánh lạc hướng để em quên đi cơn đói bằng cách mở quyển truyện tranh đọc cho em nghe. Vậy là những đứa trẻ cứ ngồi im, say sưa nghe anh kể chuyện.
Nhắc đến ước mơ sau này, những đứa trẻ giành nhau nói: “Lớn lên, con muốn thành bác sĩ”, “Con ước làm cô giáo”,…Duy nhất mơ ước của Hưng khiến chúng tôi thắt lòng: “Con ước được đến trường như các bạn ngoài đầu hẻm”.
Lúc sau, bé út reo lên: “A! Mẹ về. Mẹ có mua thịt?”. Chị Loan gật đầu, đặt túi đồ ăn xuống chiếc bàn nhựa. Bé út mở ra, chúng tôi thấy chỉ có ít thịt, bọc dưa muối sẵn và một củ dền. Chị vừa nấu cơm vừa kể về cuộc sống của 12 mẹ con những tháng ngày qua.
Số phận hẩm hiu của người đàn bà đông con
Từ nhỏ, chị Loan đã theo mẹ đi bán vé số dạo sống qua ngày. Thời gian trôi, mẹ già yếu, một mình chị cầm sấp vé số bươn trải khắp thành phố kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Trong lần đi bán vé số, chị tình cờ gặp người con trai gốc miền Tây làm thợ hồ. Họ đã kết bạn, nảy sinh tình cảm và dọn về sống chung trong căn phòng đi thuê. Khi ấy, chị Loan mơ ước có một tổ ấm hạnh phúc với những đứa con.
Sau 1 năm kết hôn, ước mơ ấy thành hiện thực. Chị đã sinh đứa con đầu lòng trong niềm vui sướng của hai bên gia đình. Những năm tiếp theo, 10 đứa trẻ lần lượt chào đời. Chia sẻ lý do “mắn đẻ”, chị Loan cười: “Bà Mụ ban cho bao nhiêu thì vợ chồng tôi hưởng từng ấy! Mọi người thấy mang thai nhiều đã khuyên nên bỏ nhưng tôi không lỡ. Dù sao, nó là cũng con của mình, bỏ đi tội nghiệp lắm”.
Khó khăn, vất vả đã khiến người đàn bà 43 tuổi già hơn rất nhiều
Đông con, cuộc sống của vợ chồng chị Loan có vất vả nhưng luôn tràn ngập tiếng nói cười trẻ thơ. Tưởng chừng, gia đình ấy sẽ mãi mãi hạnh phúc. Ngờ đâu, sau sinh bé trai út, chồng chị không chịu nổi cuộc sống nghèo khó bắt đầu sinh nhậu nhẹt, vướng vào cờ bạc và trai gái. Thời gian sau, gã chồng đã phụ bạc, bỏ mặc 12 mẹ con chị chạy theo người đàn bà khác.
“Thằng út được vài tháng, ông ấy đi theo người đàn bà khác, không nhận con để một mình tôi nuôi. Tôi biết sẽ cơ cực, vất vả nhưng đành chịu, có níu kéo cũng vậy! Tôi chỉ sợ bọn trẻ không cha, lớn lên bạn bè coi thường. Vì vậy, tôi quyết tâm nuôi chúng lớn khôn, dạy dỗ ngoan ngoãn”, chị Loan tâm sự.
“Tôi sẽ cố gắng bù đắp những tổn thương cho lũ trẻ…”
Chồng bỏ đi, một mình chị Loan gồng gánh nuôi 11 đứa con thơ. Ngày ngày, chị lam lũ, bán vé số dạo quanh khu vực Gò Vấp. Chị kể, bữa ế hàng, chị phải qua Bình Tân, Bình Thạnh, quận 1,…rao bán. “Có đêm tôi về muộn, nhìn lũ trẻ nheo nhóc mỗi đứa nằm một góc mà xót lòng. Khi ấy, tôi chỉ muốn chết đi cho xong nhưng thấy chúng ngủ ngon lại đành nuốt nước mắt vào trong.
Nhiều lần, người ta ngỏ ý xin mấy đứa nhỏ về nuôi, thậm chí có người còn nói mua nhưng tôi không chịu. Cha tụi nhỏ đã bỏ chúng mà đi, sao tôi lỡ có thể độc ác như vậy! Tôi sẽ cố gắng bù đắp những tổn thương cho lũ trẻ…”, chị Loan nghẹn ngào.
Mỗi trưa, chị Loan lại tranh thủ về nhà nấu thức ăn cho đám con thơ
Từ ngày chồng phụ bạc. bỏ đi, chị chưa nhận được lời hỏi thăm hay chút trợ cấp nào từ gia đình nhà chồng. Mọi chi phí sinh hoạt một mình chị Loan lo liệu. Mỗi ngày đi bán vé số, chị lãi được khoảng hơn 100 nghìn. Số tiền ấy, chị dành để đóng tiền nhà, tiền điện nước. Phần còn lại dành để nuôi nấng lũ trẻ.
“Tự tôi biết mình là một người mẹ không ra gì, sinh bọn trẻ ra mà không thể lo chu đáo cho chúng. Nhiều lúc cũng muốn cho mấy đứa đi học lắm nhưng không có tiền. May còn có các cha xứ thương, mở lớp học cho bọn trẻ, ít ra ngày được 4 tiếng học chữ là vui rồi, cảm ơn lắm rồi”, chị chia sẻ.