Mới vào mùa viêm não Nhật Bản, tình trạng trẻ mắc bệnh đến cấp cứu, điều trị tại bệnh viên đã tăng ở mức đáng báo động.
Sáng sớm, khu vực khoa Nhiễm – Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã có nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Cha mẹ đưa con đi khám đứng, ngồi la liệt ngoài hành lang cộng với tiếng khóc của những đứa trẻ khiến không gian trở lên ồn ào, ngột ngạt.
Phía trong phòng cấp cứu, nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang nằm điều trị, thậm chí có bé nằm bất động phải thở bằng máy.
“Con trai tôi nằm viện đã 10 tháng và không biết ngày nào mới được ra viện”
Chị Nguyễn Thị N.cho hay, con gái chị lên cơn sốt gần 2 ngày. Sau đó, bé có triệu chứng mê sảng và sốt cao. Khi nhập viện, bé vẫn ý thức được mọi chuyện xung quanh nhưng giờ hôn mê, phải thở bằng máy. Hằng ngày, chị nhìn còn nằm trong phòng bệnh mà bất lực.
Tương tự, chị Y.N (quê Bến Tre) xót xa cho biết, cậu con trai 10 tuổi của chị đã điều trị viêm não tại khoa Nhiễm hơn 10 tháng trời. Đến nay, bé vẫn thở bằng máy và ăn uống qua đường tĩnh mạch.
“Cháu đang khỏe mạnh bỗng dưng bị sốt và ói. Vợ chồng tôi đưa cháu đến bệnh viện địa phương khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán thằng bé sốt siêu vi và kê thuốc uống.
Nhưng về nhà, cháu uống thuốc không khỏi sốt và có dấu hiệu co giật. Hoảngsợ, gia đình đã đưa bé lên bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra”, chị N. nhớ lại.
Sau khi tiến hành xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ xác định con trai chị N. mắc viêm não Nhật Bản. Lúc này, chị mới tá hỏa.
“Bác sĩ nói con tôi sẽ không mắc bệnh này nếu đã chích ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản. Nhưng tôi không nhớ rõ cháu đã được chích ngừa hay chưa?
Ở quê, vợ chồng tôi mải làm ăn nên ít quan tâm đến chuyện tiêm phòng hay chích ngừa vắc xin lắm. Giờ, tôi cũng không rõ bao giờ con được xuất viện”, chị N. nghẹn ngào.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay viêm não Nhật Bản đang vào mùa (mùa viêm não bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10) nên số ca bệnh nhiều hơn tháng trước và kéo dài đến tận tháng 10.
Các trường hợp viêm não nằm tại khoa không được tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi chiếm khoảng 80%. Lý do phụ huynh đưa ra luôn là không biết, không hiểu về mức độ nguy hiểm của viêm não Nhật Bản.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay viêm não Nhật Bản đang vào mùa nên số ca bệnh nhiều hơn tháng trước và kéo dài đến tận tháng 10
Trẻ mắc viêm não khi chưa chích ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi sẽ để lại những biến chứng rất nặng nề, có thể phải thở bằng máy, mê sảng lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm mô, bội nhiễm phổi kéo dài khiến tử vong.
“Tỉ lệ tử vong khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 10% (cứ 10 trẻ sẽ có 1 trẻ tử vong); tỉ lệ di chứng có thể lên đến 30%. Có những bé di chứng ở mức thành người thực vật, trí tuệ chậm phát triển,…Trường hợp trẻ tiêmđủ mũi thì bệnh rất nhẹ, không để lại di chứng”, Bs. Khanh cho biết.
Tại miền Bắc, tình hình trẻ mắc viêm não trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 24 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, tháng 6 có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này.
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, trường hợp mắc bệnh gia tăng nhanh trong tháng 6 với 6 ca bệnh.
Trước tình trạng trên, TS Hoàng Đức Hạnh – PGĐ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.
Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định; hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật Bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.
Trào lưu anti vắc xin: Cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều luồng thông tin cho rằng chính việc tiêm vắc xin mới khiến không ít trẻ gặp biến chứng khi bị viêm não. Thậm chí, có phụ huynh còn dịch lại cuốn sách của Tổ chức giải phóng tiêm chủng Hoa Kỳ để tuyên truyền cho những luận điểm này.
Theo Bs.Khanh, suy nghĩ trên cực kỳ sai lầm, có ảnh hưởng to lớn đến cả thế hệ trẻ của dân tộc.
Một bé trai mắc viêm não Nhật Bản nằm điều trị tại khoa Nhiễm
Bs. Khanh cho biết, trào lưu anti – vắc xin xuất hiện từ lâu, ở cả trong và ngoài nước, thường là từ những người khá nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Sở dĩ, gần đây tiếp tục rộ lên là do cộng đồng mạng lôi kéo những người đang còn lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa. Dần dần gây ảnh hưởng đến người chưa bình tĩnh.
“Nhiều gia đình có con bị khiếm khuyết gì đó, thông thường mang tính bẩm sinh. Tuy nhiên do khi còn bé, cái mà cha mẹ trẻ tiếp xúc nhiều nhất là vắc xin nên người ta nghĩ đó là do tiêm ngừa”, Bs. Khanh nói.
Ngoài ra, thực trạng có những loại vắc xinđược phổ biến vì nhóm lợi ích, được tuyên truyền tiêm quá đáng cũng gây hậu quả không mong muốn. Nếu vịn vào cớ có nhóm lợi ích trong sản xuất vắc xin để kêu gọi chống lại là hoàn toàn sai.
Bs. Khanh cảnh báo: “Những người anti đa phần là người mù quáng, cực đoan do trong gia đình họ có vấn đề. Đây là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vắc xin, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại.
Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”.
Bé gái bị viêm não hiện tại đang phải thở bằng máy
Lý giải về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, BS Khanh dẫn chứng, nhiều nước tiên tiến như Mỹ đưa chích ngừa vào yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để trẻ được nhận vào trường học.
Hầu như tất cả các nước đều có lịch tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ. Sở dĩ có chuyện này là bởi nhà nước nhận ra rằng, nếu đại dịch xảy ra thì kinh phí khắc phụ hậu quả phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều lần.
Nhắc đến những phản ứng không mong muốn khi tiêm vắc xin, Bs. Khanh khẳng định, chuyện này mang tính cá thể và cơ địa. Do đó, nhà sản xuất chỉ giảm đến mức thấp nhất tình trạng này chứ không bỏ vắc xin.
Để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả, ảnh huởng đến sức khoẻ con trẻ, Bs. Khanh khuyên các phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh. Phải tìm hiểu kỹ thông tin để tự mình tự chọn thời điểm ưu tiên của vắc xin để chích ngừa cho con, bởi không phải vắc xin nào cũng cần tiêm ngay lập tức.