Sơn “Công chúa” nổi tiếng một thời tự nhận phong độ giảm khoảng 90% so với giai đoạn đỉnh cao. Ngược lại, năng lượng làm việc của anh vẫn còn rất nhiều.
– Không còn ở thời kỳ đỉnh cao, anh chia sẻ cảm xúc như thế nào khi tên của mình vẫn được ưu ái đặt sau cụm từ “danh thủ”?
– Tôi cảm thấy rất vinh dự và hãnh diện. Để đạt được điều này phải nói tôi đã trải qua nhiều thời gian rèn luyện và phấn đấu ở môi trường tốt.
– Tự đánh giá bản thân, hiện phong độ của anh đạt bao nhiêu % so với thời kỳ đỉnh cao?
– Mỗi lứa tuổi có sự thay đổi khác nhau, cứ 10 năm một giai đoạn, chắc chắn sức khỏe cũng sẽ giảm sút. So với thời đỉnh cao, có lẽ đôi chân của tôi chỉ còn 10% phong độ. Để đá, chạy với các cầu thủ trẻ tuổi hơn thì làm sao có thể qua được. Nhưng đúng là để tính toán chính xác điều này rất khó. Ngược lại, năng lượng làm việc của tôi vẫn còn rất nhiều.
– Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm kể từ ngày bắt đầu khoác áo đội tuyển quốc gia, những khoảnh khắc thăng – trầm nào khiến anh nhớ nhất?
– Không đến mức độ thăng trầm, nhưng tôi cũng nếm trải được nhiều vất vả từ khi là cầu thủ nhí, phải đi bộ hoặc đạp xe mỗi ngày đến địa điểm tập, khăn gói quả mướp đi thi đấu hoặc uống nước lã, ăn chung một gói xôi với đồng đội, giày tập không có.
Khi lên đội tuyển trẻ, tôi chịu nhiều áp lực từ khán giả đến những vấn đề trong tập luyện, chấn thương. Nói chung để có được những thành công, tôi phải trải qua một quá trình chứ không thể có được trong ngày một ngày hai.
Hình ảnh Hồng Sơn thời kỳ đỉnh cao in sâu trong lòng hàng triệu người hâm mộ bóng đá. |
– Còn thời điểm dính chấn thương ảnh hưởng đến phong độ thi đấu, điều gì giúp anh vượt qua thay vì chấp nhận chịu thua?
– Chúng tôi chơi bóng đá đỉnh cao nên việc dính chấn thương hoặc phải ngồi dự bị, không được ra sân là điều đáng buồn nhất. Lúc đó, phải để bản thân không nản chí, tự ru ngủ bản thân hoặc xa cách với khán giả, đồng đội. Sau thời gian nghỉ cũng phải nghĩ đến việc làm sao để không giảm sút phong độ và đồng đội vẫn tiếp tục tin tưởng.
Ngoài ra, cầu thủ còn phải hoàn thiện ý chí, sức khỏe, mối quan hệ với đồng đội. Đây là thời điểm khó khăn nhất của những ai chơi thể thao chuyên nghiệp nói chung và bản thân tôi nói riêng. Rất gian khổ và đòi hỏi sự bản lĩnh.
– Tạm gác lại công việc, cuộc sống đời thường của anh diễn ra ra sao?
– Rất cám ơn là gia đình tôi rất hạnh phúc và công việc ổn định.
Những lúc rảnh rỗi, tôi dành thời gian đưa con đi học vào buổi sáng. Về ăn sáng, uống cà phê với bạn bè, dùng bữa với gia đình. Chiều tôi dành thời gian huấn luyện đội trẻ, đến tối ở với gia đình hoặc ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Cuối tuần nếu có thể sắp xếp, tôi đưa cả nhà về quê hoặc đi du lịch gần. Càng về sau, tôi càng cố gắng cân bằng thời gian dành cho bóng đá và vợ con.
– Các con của anh có thừa hưởng năng khiếu chơi bóng đá của bố?
– Tôi được một bé trai đầu và hai bé gái sau. Cậu lớn ngay từ 4,5 tuổi đã cùng bố và đội bóng đến các tỉnh để theo dõi các trận đấu. Tuy nhiên, đam mê quả bóng tròn chưa quá lớn. Hiện, em không theo bóng đá mà chuyển sang sở thích khác về nghệ thuật. Tương tự, hai con gái cũng rất đam mê thể thao nhưng chưa thể hiện được gì nhiều.
Gia đình hạnh phúc của cựu danh thủ Hồng Sơn. |
Nhưng tôi không lấy đó làm lo lắng vì ông bà ta có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, tôi không thể ép niềm đam mê của bản thân để áp đặt cho con. Bản thân ba mẹ tôi cũng làm nghề dịch vụ và cũng không muốn cho tôi và các anh em đi đá bóng. Nhưng số phận đã định thì không ai cãi được.
Nhiều người nghĩ khi con chia sẻ không chọn đam mê bóng đá tôi sẽ rất buồn, nhưng sự thật lại rất bình thản. Tôi nghĩ thời buổi này ai cũng có tư duy khác xưa, phải để con tự do theo đuổi những gì mà chúng thích.
Làm việc với cầu thủ nhí khiến tôi trẻ ra
– Vì sao sau này anh chọn công tác gắn liền với việc huấn luyện lớp trẻ thay vì những công việc khác?
– Tôi được một số câu lạc bộ ở V.League ngỏ lời mời làm huấn luyện viên, nhưng do tính cách và đam mê với các em thiếu nhi nên chọn cách gắn bó với việc đào tạo tài năng trẻ. Ở đây, chúng ta chỉ nghĩ đến phần ngọn nhưng tôi quan niệm phần gốc cũng quan trọng không kém. Đó chính là nền tảng để các em trưởng thành cũng như những viên gạch đầu tiên trên con đường đến tương lai. Hơn nữa, khi tiếp xúc với các em tôi có cảm giác mình được trẻ ra (cười).
– Điều anh chú trọng nhất trong quá trình huấn luyện các cầu thủ trẻ là gì?
– Qua những năm có kinh nghiệm huấn luyện các tài năng trẻ, những ý đồ và mục tiêu ban huấn luyện đặt ra ngoài vấn đề chuyên môn còn có yếu tố kỷ luật. Ở lứa tuổi này, các em rất hiếu động, nghịch ngợm và hay bắt chước nhau, hòa theo số đông. Vì vậy mà các em cũng sẵn sàng khóc, sẵn sàng nghịch và mách nhau.
Huấn luyện các em cũng tương tự khi làm việc ở các đội bóng chuyên nghiệp. Họ đến từ các vùng miền nên tính cách khác nhau, bắt buộc ban huấn luyện phải nắm được tính cách, cá tính của mỗi em. Từ đó, chúng tôi mới có thể điều chỉnh những hành vi chưa đúng ở các cầu thủ một cách nhẹ nhàng nhưng đôi lúc cũng phải nghiêm khắc. Trò chuyện và kỷ luật luôn phải song hành.
Hồng Sơn huấn luyện các cầu thủ nhí trong một chương trình truyền hình thực tế. |
– Làm việc với các chân sút trẻ khiến anh nhớ lại điều gì nhất trong quãng thời gian tập tành đá bóng chuyên nghiệp của mình?
– Có lẽ ở thời chúng tôi còn nghịch hơn các bạn rất nhiều. Những trò tinh nghịch đó có khi bắt chước đàn anh, có khi tự nghĩ ra. Nhưng chúng tôi được những người thầy nắm bắt và điều chỉnh, từ đó tạo nên tâm lý rất sợ huấn luyện viên. Đôi khi họ tuyệt đối tuân thủ các huấn luyện viên hơn cả với bố mẹ, bảo mẫu.
– “Cầu thủ trẻ” Hồng Sơn cũng từng mắc lỗi lầm không, thưa anh?
– Tôi từng nói dối hoặc dùng cách đánh lạc hướng hoặc đổ lỗi cho đồng đội. Có lẽ cũng vì điều này mà sau này chỉ cần nhìn vào ánh mắt các tuyển thủ trẻ, tôi hiểu ngay được tâm trạng các em và giải quyết hợp tình hợp lý. Có thể đứng trước đông người các bạn chưa sợ, nhưng khi gặp riêng hai bạn hoặc mỗi cá nhân để dùng lý lẽ thuyết phục, các bạn sẽ bộc lộ ra tất cả.
– SEA Games 29 chuẩn bị được tổ chức tại Malaysia vào tháng 8 sắp tới. Anh dự đoán đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam sẽ có thể hiện thế nào, nhất là trước đối thủ U22 Thái Lan?
– Tôi phải thừa nhận tuyển Thái Lan có đẳng cấp nhỉnh hơn đội tuyển Việt Nam. Có thể hiện nay trình độ đội tuyển Việt Nam cũng đã tiến một bước khá xa, nhưng theo chiều dài và đầu tư cơ bản thì khó mà để nói rằng Việt Nam sẽ có những trận đấu áp đảo đối thủ này.
Hơn nữa, với những đối thủ đẳng cấp hơn về nền tảng thể lực và tư duy chiến thuật, chúng ta nên biết an phận và tự an ủi mình, cũng như tìm cách tiếp tục cải thiện rồi từng bước tiến lên.