Jacki Ng nhâm nhi một tách cà phê, hồi tưởng lại mảng quá khứ tối màu của mình. Khi anh mới vừa 14 tuổi, lúc đó anh đang ngồi tại một cửa hàng thức ăn nhanh, nhìn vào thực đơn để lựa món. Ngẫm nghĩ một hồi, Jacki gọi ngay món cá phi lê hấp dẫn. Thế nhưng anh lại phát âm từ “phi-lê” sai bét, làm những người khách xung quanh và nhân viên đứng đó được một phen cười phá lên.
“Lúc đó tôi thật sự rất ngượng. Đó cũng là khoảnh khắc tôi nhận ra rằng sợi dây liên kết giữa tôi và xã hội ngoài kia bị cắt đứt”, Jacki bộc bạch.
Đó là một khoảng không đen tối. Lúc đó anh ấy thậm chí còn chẳng đến trường khi đã phải bỏ học vài năm về trước. Ng được gắn liền với danh hiệu “trẻ trâu” – một từ lóng của địa phương dùng để chỉ những tên du côn và giang hồ. Anh đã phải lăn lộn ngoài xã hội để kiếm miếng ăn bằng cách bán báo dạo năm 9 tuổi.
Anh còn giao du với đám bạn luôn chực dụ dỗ anh vào những cuộc ăn chơi nghiện ngập, ăn cắp vặt, và thậm chí còn tham gia vào những phi vụ phạm pháp. “Thật ra tôi chưa bị buộc tội hay bị bỏ tù, nhưng tôi đã bị thẩm vấn rất nhiều trong quá trình điều tra”, Ng kể lại. Tình hình càng tồi tệ hơn khi anh trông thấy những người bạn của mình bị bắt giam và bị xử phạt rất nghiêm khắc – có người phải lãnh án tù chung thân hay tử hình.
Một thời gian sau đó, Jacki càng cảm thấy mình phải thay đổi, vì đó không phải là cuộc sống mà anh muốn. Anh đã đi học tiếng Anh, hành động đầu tiên giúp anh kết nối với xã hội một lần nữa. Anh chia sẻ, “đó không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi muốn cải thiện khả năng Anh ngữ của mình để kết bạn với những người bạn mới.”
Những người bạn mới này đã dẫn anh đến một thế giới hoàn toàn mới mẻ: âm nhạc DJ và xe máy. Jacki cảm thấy vô cùng thích thú với những thú vui này, và điều đó đã khiến anh trở nên tự tin hơn rất nhiều. Hơn thế, anh còn muốn quay lại trường học để thay đổi cuộc đời của mình. “Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết, dù tôi đọc cực kì chậm. Nhiều lúc tôi đọc đến trang 20 thì đã quên bẵng đi diễn biến của trang đầu tiên.”, Jacki cười kể lại.
Jacki cảm thấy rằng mình hoàn toàn có thể học một ngôn ngữ mới nếu anh có cố gắng thật sự, và anh đã nhận ra bây giờ mình có khả năng tiếp thu kiến thức ở nhiều lĩnh vực hơn. Anh đã theo học ở một cơ sở dạy nghề để thoả mãn niềm đam mê vốn dĩ của mình đối với cách thức vận hành của xe mô tô và máy vi tính.
Vạn sự khởi đầu nan
Sự cầu tiến của Jacki Ng đã thể hiện như thế nào? Anh đã thành lập một công ty bán xe ô tô và máy điều hoà ở độ tuổi 20. Đáng buồn thay, công việc làm ăn không mấy suôn sẻ, kết quả anh đã thất bại. Tuy vậy, gian nan không hề nản, anh lần lượt làm việc cho hàng loạt công ty để học hỏi những kỹ năng ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong thời điểm đó, anh đã cùng một số người bạn của mình tham gia lặn biển và cảm thấy vô cùng thích thú với bộ môn thể thao này. Năm 2004, tức hai năm sau khi bắt đầu chơi môn thể thao này, anh quyết định chuyên tâm vào bộ môn này. Anh đã trở thành một huấn luyện viên lặn sau đó.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Ngay từ đầu, có vẻ Học viện dạy lặn Châu Á (ADA) đã sai lầm khi thành lập ở Singapore, một thành phố không hề có bất kì rặng san hô nào và chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Tất nhiên, học viện đã gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự quản lí của Jacki, ADA dường như phát triển rất mạnh mẽ. Sự thành công ấy xuất phát từ những ý tưởng táo bạo vượt bậc khi áp dụng công nghệ vào loại hình kinh doanh tương tác cá nhân cao.
“Tôi để ý rằng mình dành khoảng 40-50% để làm việc. Tôi phải giải quyết với phiếu đăng kí tham gia học, điều phối, làm hậu cần, đặt phòng, trả lời email và giao dịch tiền bạc. Tôi cảm thấy loại hình kinh doanh “đậm nét” công nghệ này sẽ trở nên khác biệt ở một thành phố ở Singapore, và càng khát biệt hơn trong khu vực nông thôn, nơi toạ lạc của khu resort này.”
Thế là, Jacki cùng nhóm bạn của mình bắt tay vào việc phát triển một phần mềm để sắp xếp hợp lí hoá các chức năng điều hành và dịch vụ khách hàng của doanh nghiệp. Vì tính năng công nghệ cao, “chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được sở thích của khách hàng, đánh giá mức độ rủi ro, giúp họ lên kế hoạch cho chuyến đi, đồng thời cung cấp các gói dịch vụ và chương trình khuyến mãi cho khách hàng.”
Học viện ADA phục vụ chủ yếu cho người Singapore hoặc người nước ngoài sinh sống ở đây. Ban đầu, các khu nghỉ dưỡng toạ lạc ở Pulau Tioman, Pulau Dayang và Pulau Aur ở Malaysia. Ngày nay, khi hầu hết các khách hàng, chủ yếu là những chuyên gia sống ở thành thị không thể sắp xếp thời gian rảnh quá nhiều và chỉ có thể dành cuối tuần để nghỉ ngơi, thì Pulau Tioman trở thành một điểm đến lí tưởng.
Hành trình nhìn lại
Jacki Ng rất hào hứng khi kể về những khởi đầu gian nan của mình và hết sức kinh ngạc vì những trải nghiệm anh đã từng trải qua. Đúng vậy, những trải nghiệm ấy, dù trơn láng hay gồ ghề, đều đã giúp anh trở thành một doanh nhân thành đạt như bây giờ.
Dưới đây là một số lời khuyên mà anh đã góp nhặt được trên con đường tìm kiếm thành công:
1. Luôn chấp nhận sự đa dạng và khác biệt
“Chúng ta sinh ra là những bản thể khác nhau, chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề bằng những cách thức khác nhau. Vì vậy, hãy chấp nhận sự khác biệt của nhau, bước vào thế giới của nhau để thật sự hiểu được họ đang nghĩ gì, muốn gì.”, Jacki kể lại.
2. Nhìn nhận vấn đề bằng con mắt thực tiễn
Khi còn là một đứa trẻ, Ng đã nhìn thấy mọi thứ đang đi chệch hướng. Nhưng với tâm thế không nao núng, anh trở nên thực tế hơn, và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà anh gặp phải trong công việc kinh doanh.
3. Khó khăn không nản lòng
Khi ở độ tuổi 12 hay 13 gì đó, Ng đã nhìn thấy một trong những người bạn thân thiết nhất với mình bị tử hình. So với điều đó, việc thất bại trong kinh doanh chẳng còn là gì cả. “Tôi chấp nhận vấp ngã, đứng lên và mạnh mẽ bước qua mọi thử thách của cuộc đời này.”, anh ngậm ngùi chia sẻ lại.
4. Mục đích sống
“Lợi nhuận là lẽ dĩ nhiên, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất của việc kinh doanh.” Theo Jacki, để thực sự thành công, một người lãnh đạo phải biết giải quyết những vấn đề cốt lõi. Chẳng hạn như ở ADA, Ng nhìn thấy hình ảnh trong quá khứ của mình khi gặp những đứa trẻ trong khu resort. “Nhìn chúng, những kí ức thời thơ bé trong tôi như sống lại, tôi hiểu và trân trọng những quyết định của chúng. Những đứa trẻ này không có nhiều chọn lựa, vì thế chúng tôi luôn khuyến khích chúng về vấn đề môi trường, sinh vật biển, kinh doanh và những điều tương tự như thế”.
Gya Rados Spiderum
Theo Nhịp Sống Kinh Tế