Người dân đổ xô mua thuốc chống muỗi cho trẻ: Dùng sai, không hiệu quả

Hiện nay, tại nhiều cửa hàng bán lẻ thuốc tân dược trên địa bàn quận Hà Đông và Thanh Xuân đang bán chạy các loại thuốc chống muỗi đốt.

Cô T.T, chủ hiệu thuốc trên Phố Lụa, phường Vạn Phúc (Hà Đông) có nhiều loại dùng để đuổi muỗi, chủ yếu là dạng xịt, ngoài ra còn có các loại tinh dầu như tinh dầu sả, bạc hà cũng được sử dụng bôi ngoài da hay dùng với nước lau nhà để đuổi muỗi. Điều đặc biệt là người sử dụng ưa chuộng các mặt hàng trong nước sản xuất hơn nên hiệu thuốc hầu như không có sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, người sử dụng vẫn có thể lựa chọn loại sản phẩm này bằng cách đặt hàng online, mua hàng xách tay… với giá thành rất đa dạng và cao hơn nhiều so với hàng nội. Đối với hàng nội, giá dao động từ 18-20.000 đồng tùy thuộc vào vị trí và tiền thuê nhà của mỗi cửa hàng.

Chị N.T.N, chủ hiệu thuốc trên đường Nguyễn Quý Đức cho biết, sở dĩ loại thuốc này đang bán được, đặc biệt cho trẻ em là do cha mẹ, người thân lo lắng trẻ bị muỗi đốt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà quan trọng là thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội thời tiết diễn biến thất thường, mưa, nắng xen kẽ nhau do ảnh hưởng bão là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hơn nữa, theo các chuyên gia y tế thì đặc điểm của bệnh lý này trong năm nay là dễ gây biến chứng suy thận, suy gan càng khiến phụ huynh lo lắng muốn “đuổi” muỗi cho con bằng thuốc chống muỗi.

Thành phần chính của các thuốc chống muỗi đốt là DEET, đây là loại thuốc tốt để chống côn trùng đốt với tỷ lệ thấp nhất là 15% cùng một số thành phần khác. Thuốc chống muỗi ở dạng nào cũng chỉ có tác dụng tạm thời, khi thuốc bay hết phải bôi lại. Trước khi sử dụng, người dùng nên kiểm tra phản ứng của cơ thể bằng cách dùng thử trước cho một vùng da nhỏ mặt trong cánh tay, 10-15 phút sau nếu không có gì bất thường mới được sử dụng. Khi sử dụng, không nên xịt trực tiếp lên da mà nên xịt ra tay rồi xoa lên các vùng có nguy cơ bị muỗi đốt, không được dùng thuốc xịt cho vùng mặt và tránh bôi vào vùng mắt, mũi, miệng, vết thương hở.

Như vậy, để thuốc chống muỗi đạt hiệu quả thì người sử dụng phải biết cách dùng đúng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng loại thuốc này mà chỉ nên dùng trong các trường hợp cần thiết như sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết, đến nơi xa lạ, du lịch… vì thuốc vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây tổn hại cho da như da đỏ lên, rát, bong vảy hoặc sưng nề, đỏ, ngứa, mụn nước li ti…, hại cho đường hô hấp nếu hít phải.

Theo Suckhoedoisong

SHARE