Chúng ta dần có những khái niệm mới về khách hàng như Millennial và Centennial, mà các digital marketer Việt hay gọi đơn giản là thế hệ 9x, 10x. Không thể phủ nhận, họ đang là người quyết định xu hướng marketing như mobile, video. Khi đó các marketer phải “đau đầu nhức óc” học cách kiểm tra và đo lường xem thế hệ trẻ phản ứng như thế nào với các mẫu quảng cáo của họ.
1. Tiếp thị di động dựa trên địa điểm:
Năm 2017, location-based mobile marketing (tiếp thị di động dựa trên địa điểm) trên thế giới đang có dấu hiện phát triển vượt bậc. Khách hàng, nhất là những người trẻ hầu như không thể cưỡng lại sức cuốn hút của chú dế nhỏ bé quyền năng. Họ tiếp tục sử dụng chúng mọi lúc, mọi nơi: mua sắm, hẹn hò cafe, dạo chơi trong công viên… Chính vì thế, những thương hiệu và nhà bán lẻ liền tìm cách tương tác với khách hàng một cách cá nhân ngay trong hoàn cảnh thực tế, tại thời điểm và địa điểm mà họ xuất hiện.
Ví dụ: Anna đang bước vào siêu thị và nhìn thấy ngay quảng cáo giảm giá cho thương hiệu giày mà cô yêu thích. Ngại gì không thử?
Khách hàng hả hê thích thú vì quảng cáo xuất hiện “tâm lý”, đúng nơi đúng lúc và đúng điều họ muốn. Thấu hiểu rằng các khách hàng vẫn tiếp tục sử dụng di động khi đi dạo trong cửa hàng, các thương hiệu sẽ phải để tâm hơn tới việc tối ưu trải nghiệm của người xem quảng cáo trên mobile. Chính vì thế xu hướng nghiên cứu thị trường trên thiết bị mobile phát triển mạnh.
2. 360 độ trải nghiệm của khách hàng
Có hai điều tác động tới hành vi mua hàng của khách hàng là experiencing-self (kinh nghiệm) và remembering-self (ký ức). Kinh nghiệm ghi lại những nhận xét khách quan về sản phẩm và ký ức tô điểm cho trải nghiệm mua hàng bằng những cảm xúc trong quá trình mua hàng như thích, ghét, vui, buồn, ấn tượng… Để hiểu được những gì đang thực sự diễn ra với khách hàng, thương hiệu cần phải kết hợp đo lường cả hai loại trải nghiệm trên để có cái nhìn toàn cảnh.
Ví dụ: khi bạn đi nghỉ tại một resort nhiệt đới. Buổi tối hôm đó bạn được thưởng thức món ăn ngon, khung cảnh đẹp và âm nhạc tuyệt vời. Thế rồi khi dọn bàn, người phục vụ luống cuống làm đổ nước sốt lên chiếc quần mới của bạn, tệ hơn bạn còn bị bỏng vì nước sốt còn nóng. Chắc chắn tới lúc đó, những trải nghiệm tốt trong bạn sẽ phai nhạt đi khá nhiều và bạn sẽ nhớ nhiều hơn về sự khó chịu, hốt hoảng khi bị bỏng.
Sản phẩm tốt là chưa đủ, hãy tạo cho khách hàng những ký ức đẹp khi đi mua sắm
Những nhà nghiên cứu thị trường và quảng cáo bây giờ đang nhận được những yêu cầu phức tạp hơn từ phía các doanh nghiệp. Họ muốn theo dõi cả những thông số về mặt “kinh nghiệm” như hướng nhìn của khách hàng, họ tương tác như thế nào với quảng cáo, trưng bày hoặc là sự nhiệt tình giao tiếp của người bán…Nhưng không dừng lại ở đó, xu hướng nghiên cứu thị trường mới còn tập trung vào khía cạnh cảm xúc của khách hàng như là những bày tỏ của họ về cửa hàng, cách thức họ phản ứng với thông điệp quảng cáo trên mobile hoặc xem quảng cáo. Họ yêu, ghét, thích, hay cảm thấy bị làm phiền? Trong khi những khách hàng thường không nhớ chính xác chất lượng và trải nghiệm sản phẩm như thế nào thì điều tưởng chừng nhỏ nhặt như “lúc đó tôi cảm thấy ra sao” đôi khi là điều duy nhất mà khách hàng ấn tượng về cửa hàng của bạn.
3. Mua sắm mọi lúc, mọi nơi
Khách hàng thích những điều tức thì và họ muốn mọi thứ phải sẵn sàng. Cách thức bán lẻ xưa cũ đã bị thay thế và xu hướng nghiên cứu thị trường mua sắm cũng thay đổi.
Ví dụ: Người phụ nữ đang đi tàu về quê dịp nghỉ lễ thì chợt nhớ ra đã quên không mua quà biếu mẹ chồng. Cô tức tốc rút điện thoại ra và đặt một bộ đầm màu xanh thật trang nhã tại website của cửa hàng ruột và chọn phương án gửi về tận nhà cho mẹ chồng trước khi tàu về tới nơi.
Cần phải có thêm những báo cáo thị trường như vậy trong thời đại “mua sắm mọi lúc, mọi nơi”. Khách hàng so sánh giá tại cửa hàng rồi mua hàng online. Ngược lại, khách hàng quyết định mua hàng online rồi món hàng mới được chuyển tới tận cửa nhà.
4.Xu hướng nghiên cứu thị trường thời đại big data:
Với chi phí rẻ và quy trình xử lý đơn giản, việc lưu trữ khối dữ liệu khổng lồ đã thành thói quen của ngành công nghệ thông tin. Các thiết bị lưu trữ dữ liệu càng hỗ trợ cho việc tạo ra dữ liệu. Theo báo cáo của IBM, 90% toàn bộ dữ liệu trên thế giới này đã được tạo ra chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Mỗi giao dịch, mỗi sự kiện đền được ghi lại cụ thể. Cộng thêm sự ra đời của cơ sở dữ liệu mã nguồn mở Hadoop Và NoSQL, các nhà nghiên cứu thị trường không còn lo việc thiếu đồng bộ của dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Google, Amazon và BBC là những đơn vị tiên phong áp dụng quy trình xử lý dữ liệu này.
Big Data, bí mật của những bài nghiên cứu thị trường xuyên lục địa
Big Data đại diện cho một sự thay đổi lớn trong nghiên cứu thị trường. Không còn bị giới hạn về thời gian và quy mô, các nhà nghiên cứu sẽ được thoải mái truy cập vào biển thông tin dữ liệu giàu có. Khi đó chắc chắn cái nhìn của chúng ta về thị trường cũng trở nên tròn vẹn hơn rất nhiều.
5. Chi tiêu mạnh tay vào quảng cáo video:
Những số liệu về việc xem video đang tăng mạnh và không có dấu hiệu dừng lại. Chỉ tính riêng thu nhập khủng của các chủ kênh Youtube đã tăng 50% qua mỗi năm. Những kênh cung cấp video khác cũng đua nhau mọc lên để cạnh tranh với kênh giải trí truyền thống.
Năm 2017, sẽ là thất bại khi thương hiệu không hiểu được hành vi của khách hàng khi xem video
Khi video là một phần không thể thiếu của cuộc sống giải trí thì cũng là lúc nó trở thành chiếc chìa khóa vàng của marketers và nhà quảng cáo để gia tăng doanh thu bán hàng trực tuyến. Hầu như tất cả người tiêu dùng đều đã từng xem những đoạn phim quảng cáo trong vòng 30 ngày trở lại đây. Các độc giả của Forbes cũng thừa nhận rằng chẳng thà xem những video sống động còn hơn là ngồi đọc những dòng chữ buồn tẻ trên báo. Việc nghiên cứu hành vi tương tác với video của người xem, nhất là ở thiết bị di động, sẽ giúp thương hiệu tiết kiệm được ngân sách lớn trong quá trình quảng cáo.
6. Nghiên cứu trải nghiệm tại cửa hàng
Bạn có biết việc khách hàng có cảm nhận tại cửa hàng như thế nào cũng quyết định việc tiêu tốn bao nhiêu chi phí, thời gian để mua hàng, và liệu họ có muốn quay lại cả hàng hay không. Năm 2017 này, xu hướng nghiên cứu thị trường thiên về thói quen truy cập tại cửa hàng, cũng như họ phản ứng ra sao trước những lời kêu gọi (call-to-action) và trải nghiệm khi phóng to hình sản phẩm tại kênh online. Các nhà bán lẻ quan tâm hơn vào việc khám phá trải nghiệm tổng quát của khách hàng hơn là chỉ tập trung vào một sản phẩm hay dòng sản phẩm cụ thể.
Khách hàng thích nghe nhạc Hồ Quang Hiếu hay Hồ Quỳnh Hương khi đi shopping? Phải đo lường tất cả.
Lời Kết
Năm 2017 sẽ là khoảng thời gian thay đổi đột phá trong xu hướng nghiên cứu thị trường. Bởi vì các khách hàng rất coi trọng những trải nghiệm có được khi mua hàng online lẫn cửa hàng đời thực. Chính vì thế nhãn hàng càng cần những thông tin sâu sắc hơn về trải nghiệm của khách hàng. Việc nghiên cứu thị trường theo xu thế mới và tạo ra bức tranh toàn cảnh về hành vi khách hàng đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Các thương hiệu hãy trở nên nhạy bén bắt kịp xu thế thị trường, để đạt tới đẳng cấp “Bán gì cũng đúng”.
Nguồn: Inbound café.com