Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng hơn 3.000%

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hiện tại, Hà Nội đã có 17.027 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3.243% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc bệnh tăng 67,8%, số ca tử vong tăng 7 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hiện tại đã có 17.027 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3.243% so với năm 2016.

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Hà Nội đã chỉ ra 12 quận huyện ở mức “báo động đỏ” sốt xuất huyết.

Thành phố phân loại mức độ cảnh báo dịch sốt xuất huyết theo 3 màu: đỏ, cam và vàng, trong đó đến 12 nơi đang ở mức báo động đỏ.

Cụ thể: Quận Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409); Cầu Giấy (1.063); Hà Đông (1.063); Thanh Trì (907); Ba Đình (875); Nam Từ Liêm (650); Thanh Oai (566); Thường Tín (435); Hoàn Kiếm (423).

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng hơn 3.000% - 1

Bệnh nhân nằm ra cả hành lang điều trị sốt xuất huyết.

Theo ghi nhận, Hà Nội những ngày gần đây tinh thần diệt muỗi, diệt lăng quăng lên cao hơn bao giờ hết. Ở góc phố nào cũng bắt gặp hình ảnh từng tốp người thuộc các thành phần khác nhau từ thanh niên, phụ nữ, dân phòng và cả bộ đội gõ cửa từng nhà phun thuốc diệt muỗi, ráo riết tìm kiếm, lật úp từng chậu hoa, mảnh sành, sứ hay bất kỳ dụng cụ chứa nước nào nghi là nơi muỗi đẻ trứng.

Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết chắc chắn vẫn còn lan rộng, đến cuối năm mới có thể khống chế hoàn toàn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Như vậy, việc tiếp xúc trực tiếp giữa người khỏe mạnh và người bệnh SXH không lây bệnh.

Các chuyên gia lưu ý, người bệnh khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay:

– Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục

– Mệt lả

– Nôn, buồn nôn nhiều

– Vật vã hoặc li bì

– Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

– Tiểu ít

– Có chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen…

Theo 24h

SHARE