Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện đang trở thành bài toán đau đầu của ngành y tế không chỉ Việt Nam và cả trên thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện nếu không làm tốt thì chỉ có cảnh vào viện khỏe, ra viện yếu.
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa cấp cứu của bệnh viện
Tại buổi tập huấn “Phòng ngừa chuẩn và giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện” được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) khi ngày biến cố xuất hiện sau 2 ngày tính từ ngày nhập viện (ngày nhập viện là ngày 1). Ngày biến cố là ngày xuất hiện dấu hiệu/ triệu chứng đầu tiên đáp ứng một trong số các tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm khuẩn. Điều tra cắt ngang NKBV được tiến hành lần này nhằm xác định tỉ lệ mắc, tác nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến NKBV.
Bên cạnh đó lập kế hoạch tăng cường kiểm soát NKBV; Đối tượng điều tra cắt ngang là mọi bệnh nhân nội trú có thời gian nằm viện từ 2 ngày trở lên, kể cả bệnh nhân xuất viện trong ngày điều tra.
NKBV là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng khám chữa bệnh nói riêng và chất lượng bệnh viện nói chung. NKBV là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Đặc biệt, NKBV do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%).
Để kiểm soát tình trạng NKBV, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình vô khuẩn trong chăm sóc người bệnh; Phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân NKBV để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh; Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Những khu vực cần tập trung nguồn lực là các đơn vị Hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa… Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải…
TS Thư cho biết tăng cường phòng ngừa chuẩn kết hợp dự phòng theo đường tiếp xúc là những kỹ năng thực hành KSNK cơ bản cần được thực thi tốt; Duy trì kiểm tra, giám sát chủ động NKBV và tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để đề xuất can thiệp kịp thời làm giảm tỷ lệ NKBV và cải thiện tuân thủ thực hành KSNK ở NVYT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với khoa Vi sinh để phát hiện, cách ly kịp thời vi khuẩn đa kháng kháng sinh và có liệu pháp điều trị kháng sinh phù hợp…”
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện không ít người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), do vậy, đầu tư cho hoạt động KSNK cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác KSNK chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành.
Hệ thống tổ chức KSNK tại các cơ sở KBCB chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Cả nước còn tới 20,8% BV có số giường bệnh >150 chưa thành lập khoa KSNK; 33% BV đã thành lập khoa KSNK nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa KSNK; gần 20% Lãnh đạo khoa/tổ KSNK có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học. Hệ thống quản lý KSNK còn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, điều hành các hoạt động KSNK.
Theo 24h