Mẹ nào thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm tay chặt đến thế thì đây là câu trả lời

Có khi nào bạn thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh vừa sinh ra dù rất mỏng manh, yếu ớt nhưng đã có khả năng cầm nắm rất chặt chưa?

Đối với trẻ sơ sinh thì tháng đầu tiên sau khi chào đời là quãng thời gian bé khá yếu ớt, các cử động của bé thường chỉ là theo phản xạ, trong đó phản xạ cầm nắm có nguồn gốc nguyên thủy khá thú vị và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.

Cơ chế của phản xạ cầm nắm

Nhiều cha mẹ đã biết trong tháng đầu sau sinh, các bé có thể có những phản xạ như tìm vú mẹ, phản xạ nắm bắt, phản xạ mút… nhưng ít ai để ý đến phản xạ cầm nắm của bé. Phản xạ nắm bàn tay là phản xạ nguyên phát, xuất hiện khi bé mới sinh và kéo dài đến 4-6 tháng tuổi. 

Mẹ nào thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm tay chặt đến thế thì đây là câu trả lời - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh thường có phản xạ cầm nắm khi lòng bàn tay được kích thích.

Cơ chế của phản xạ này đó là khi cha mẹ đặt đồ vật hoặc chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay bé, các ngón tay của bé (không bao gồm ngón cái) thu lại phía lòng bàn tay với nỗ lực để chộp, túm lấy đối tượng vừa gây kích thích các dây thần kinh trong lòng bàn tay của bé. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý: dù bé có nắm chặt đến đâu thì mẹ cũng không nên kéo bé nhổm dậy bằng cách để bé níu tay mẹ vì cơ thể bé chưa cứng cáp và có thể thả tay ra bất cứ lúc nào.

Phản xạ cầm nắm là phản xạ nguyên thủy có nguồn gốc từ loài linh trưởng xưa kia

Mẹ nào thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm tay chặt đến thế thì đây là câu trả lời - Ảnh 2.

Phản xạ cầm nắm ở bé cũng chính là biểu hiện tìm kiếm sự an toàn nên cha mẹ có thể giúp con ổn định tâm lý hơn bằng cách cho bé cầm tay.

Để lý giải cho hiện tượng này, các nhà nghiên cứu giải thích: Phản xạ cầm nắm có nguồn gốc tiến hóa tư loài linh trưởng, qua 6 triệu năm với dáng đứng thẳng dần, loài khỉ đã phát triển và tiến hóa thành con người hiện đại đi bằng 2 chân và dùng 2 tay để cầm nắm đồ vật. Nhờ có phản xạ này mà linh trưởng con mới có thể bám chặt vào lông của linh trưởng mẹ để được che chở hoàn hảo hơn mỗi khi mẹ chúng di chuyển. Phản xạ này ở bé cũng chính là biểu hiện tìm kiếm sự an toàn nên cha mẹ có thể giúp con ổn định tâm lý hơn bằng cách cho bé cầm tay.

Phản xạ này cũng xảy ra ở các ngón chân. Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy em bé của mình cũng có phản xạ co quắp ngón chân (Plantar grasp reflex). Điều này được lý giải khi nhìn hành động quắp chân của khỉ con trong khi khỉ mẹ đang cố tìm kiếm thức ăn, lúc này khỉ con sẽ dùng cả tay và chân quặp chặt lấy khỉ mẹ.

Phản xạ cầm nắm rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ

Mẹ nào thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm tay chặt đến thế thì đây là câu trả lời - Ảnh 3.

Trẻ có phản xạ cầm nắm kém sẽ gặp khó khăn khi phát triển các kĩ năng vận động tinh.

Đối với con người, phản xạ cầm nắm ở trẻ rất cần thiết đối với việc phát triển kỹ năng vận động tinh và tăng cường khả năng nhận biết, phát hiện đối tượng chỉ bằng cảm giác sờ, cầm, nắm. Những bé có phản xạ cầm nắm kém sẽ gặp khó khăn khi cầm bút, ảnh hưởng đến kĩ năng viết và thể hiện suy nghĩ sau này. Trẻ cũng sẽ trở nên vụng về và có thể mắc chứng nói lắp, diễn đạt kém nếu phản xạ cầm nắm kém phát triển.

Nguồn: afamily.vn

SHARE