Vì sao lại như vậy, bạn tự hỏi? Bạn đã nỗ lực rất nhiều, nhưng tại sao lại không nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng? Câu trả lời khá đơn giản: bạn không được thăng chức nếu chỉ đáp ứng các kỳ vọng của sếp bạn, chuyên gia Travis Bradberry nhấn mạnh.
Travis là nhà đồng sáng lập của TalentSmart, nhà cung cấp hàng đầu thế giới các bài kiểm tra và đào tạo trí tuệ cảm xúc. Ông cũng đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách tư vấn nghề nghiệp được giải thưởng danh giá.
Trong một bài viết mới đây trên LinkedIn, Travis cho biết các kỳ vọng của lãnh đạo chỉ là nấc đầu tiên. Kể cả khi bạn cần mẫn làm tất cả những gì được yêu cầu, bạn sẽ vẫn không nổi bật. Trong mắt cấp trên, bạn vẫn chỉ được coi là người hoàn thành các yêu cầu tối thiểu.
Bí quyết để thúc đẩy sự nghiệp và được tăng lương là hãy tạo thêm giá trị cho bản thân. Bạn hãy khiến mình trở nên đặc biệt có giá trong mắt lãnh đạo: một người mà tổ chức sẽ không thể thiếu được.
Nếu liên tiếp nhiều lần bạn đáp ứng vượt cả kỳ vọng của sếp, họ sẽ cảm thấy mình là người khôn ngoan nhất thế giới vì đã tuyển được một nhân viên như bạn.
Thực ra, mọi việc không khó khăn như bạn tưởng. Bạn có thể chứng minh cho sếp việc tăng lương là bất khả kháng bằng 7 bước đơn giản.
Bước 1: Ngoài việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc, hãy tìm hiểu kỹ về ngành nghề kinh doanh, các đối thủ, những thách thức, những thành tựu mới nhất của công ty.
Trau dồi nghiệp vụ rất quan trọng, nhưng tại sao chỉ dừng ở đó? Nếu bạn thực sự muốn gây bất ngờ cho sếp, hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể về công ty bạn.
Chuyển hóa kiến thức của bạn vào bối cảnh thực tế của công ty chính là cách tuyệt vời để tăng giá trị bản thân.
Bước 2: Thay vì luôn đưa ra câu trả lời, hãy đón trước câu hỏi
Cảm giác luôn thật tuyệt khi bạn có thể trả lời các câu hỏi của sếp ngay tại chỗ mà không cần phải lục tìm cả đống tài liệu hoặc xin khất “trả lời sau”. Nhưng nếu như bạn thực sự muốn gây ấn tượng, hãy đón trước câu hỏi mà họ có thể đưa ra.
Hãy suy đoán cấp trên muốn gì, quan tâm gì ở nhiệm vụ đã giao cho bạn, trên cơ sở đó gửi báo cáo cập nhật tình hình một cách thường xuyên mà không cần đợi đến lúc bị hỏi. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và sức lực cho sếp và sẽ được đánh giá cao sự nhiệt tình, nhạy bén của mình.
Bước 3: Thay vì cố gắng che đậy các sai lầm khi đã có người phát hiện ra, hãy tự mình thừa nhận chúng trước
Sự tín nhiệm là một thứ xa xỉ. Quá nhiều người có thói quen che đậy, giấu giếm sai lầm của mình, lo sợ hậu quả của việc nhận lỗi. Vì thế, nếu bạn chứng tỏ cho sếp thấy mình không sợ nhận trách nhiệm, họ chắc chắn sẽ rất ấn tượng.
Khi mắc sai lầm, hãy báo cáo sếp trước khi ông ấy/bà ấy phát hiện ra, kèm theo giải pháp khắc phục. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn chia sẻ với cấp trên rằng mình đã có những hành động cụ thể ra sao để giải quyết sự cố.
Ai cũng mắc sai lầm. Bạn sẽ nổi bật nếu chứng minh được cho sếp thấy mình đáng tin cậy, sáng tạo và chủ động.
Bước 4: Thay vì yêu cầu được đào tạo, hãy tự mình tìm hiểu
Một lời khuyên quen thuộc mà bạn vẫn nghe là đề xuất sếp cử đi học các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng. Nhưng chúng ta không nói về những thứ quen thuộc. Mục đích của chúng ta là phải gây ấn tượng cho sếp. Vì thế hãy tự đào tạo, trau dồi các kỹ năng mới khi có thời gian rảnh.
Chi phí chưa chắc đã quá tốn kém, có khá nhiều lớp học trực tuyến miễn phí hoặc gần như miễn phí nếu bạn bỏ công tìm hiểu.
Hãy hình dung khi tất cả những người khác đề xuất sếp cho đi học, bạn lại nói rằng mình đã nắm được kỹ năng đó và có thể thực hành ngay. Bạn vừa tiết kiệm chi phí cho công ty, lại vừa hoàn thiện được bản thân.
Bước 5: Thay vì làm những gì được bảo, hãy chủ động
Gần như tất cả mọi người đều thực hiện được những gì họ được yêu cầu. Nhưng để gây bất ngờ với sếp, bạn cần phải chủ động. Nếu nhìn ra vấn đề rắc rối, hãy nghĩ cách khắc phục. Nếu thấy việc cần làm, hãy làm đi.
Nên nhớ, người lãnh đạo luôn đánh giá cao tầm nhìn hơn tất cả những thứ khác.
Họ sẽ rất thích thú khi bạn có thể nhìn ra những điều có lợi cho công ty về lâu dài, và đừng ngần ngại trình bày với sếp về những điều bạn thấy. Mọi chuyện sẽ chỉ tệ hại nếu như bạn làm điều đó với động cơ xấu (như cố ý dìm các đồng nghiệp, hoặc tự mình tạo ra sự cố rồi đi giải quyết để ghi điểm).
Bước 6: Xây dựng quan hệ tốt với các phòng ban khác
Có những thời điểm bộ phận của bạn sẽ phải cần tới sự giúp đỡ hoặc nguồn lực từ các phòng ban khác. Một cách tuyệt vời để gây ấn tượng với sếp là bạn có thể giao thiệp rộng và gây dựng quan hệ tốt trong toàn công ty. Những tương tác mang tính cá nhân luôn hiệu quả hơn là các công văn giữa phòng ban với phòng ban.
Bước 7: Luôn bình tĩnh trong sóng gió
Có một vài đặc tính ở nhân viên rất dễ thu hút sự chú ý của người lãnh đạo, và khả năng vượt qua sóng gió chính là một trong số đó. Dù cho đấy là xung đột giữa các phòng ban, hay khi tất cả các nhân viên đều xôn xao trước một quy định mới của công ty, thì hãy luôn đảm bảo rằng bạn là người giữ được bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc của mình.
Sự bình tĩnh của bạn, cũng như khả năng suy nghĩ rõ ràng, sáng suốt trong giai đoạn khủng hoảng sẽ thể hiện tiềm năng lãnh đạo trong tương lai.
Lời kết: Những người đạt được nhiều thành tựu nhất là những người tạo thêm được nhiều giá trị nhất. Kinh doanh, suy cho cùng, là tạo ra lợi nhuận. Bạn sẽ muốn công ty và các sếp biết rằng họ sẽ được tỷ lệ lợi nhuận cao nếu như đầu tư thời gian, lương thưởng cho bạn.
Linh Đan
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC