Chia sẻ của một bà mẹ gần đây trên mạng xã hội khiến bất kỳ ai cũng xót xa khi biết lý do con chị bị tự kỷ sốc tâm lý.
Hối hận muộn màng
Chia sẻ của bà mẹ Đ.T.N trên trang cá nhân đã nhanh chóng nhận được hơn 18 ngàn lượt thích và gần 17 ngàn lượt chia sẻ chỉ sau gần 2 ngày đăng tải.
Chia sẻ gây bão mạng của FB Đặng Thúy Nga.
Trên Facebook của mình, chị N. viết: “ Sáng đưa con đi khám. Lòng hối hận vô cùng, cả mệt mỏi nữa. Giờ chắc có khóc thì cũng chả giải quyết đc gì, vì tất cả là lỗi do cha mẹ quá đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái. Tự nhiên thấy sợ chính mình và cách mình dạy con. Bác sĩ chuẩn đoán cháu bị tự kỷ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm và chứng sợ đám đông sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay và ko biết đau. Giờ ko biết nên làm gì nữa, thật sự mệt mỏi, mệt tất cả”.
Trước chia sẻ này, hàng ngàn người đã đưa ra những bình luận, cảm thông với chị N. như “Thương con quá!”. Nhiều bà mẹ cũng cho biết, trong cuộc sống hằng ngày, việc quát mắng con, ép con học là chuyện như cơm bữa. Khi câu chuyện này được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi giật mình.
Chung quy cũng vì không hiểu con
Tâm sự với PV emdep, Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương nói rằng chị quá sốc, quá buồn khi đọc được câu chuyện này, dù với một người làm giáo dục như chị, đây không phải là điều gì mới mẻ.
Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương.
TS Vũ Thu Hương chia sẻ: “Rất nhiều cha mẹ Việt hiện nay đang suy nghĩ theo lối tư duy của người lớn, với một bộ não hoàn chỉnh. Vì thế, họ không thể biết được đứa trẻ mong manh sẽ bị tổn thương những gì từ việc bị quát mắng, ép học”.
Với một đứa trẻ, bố mẹ là quan trọng nhất. Đặc biệt, người mẹ luôn có một quyền uy lớn lao. Vì thế, khi bị quát mắng, đứa trẻ có cảm giác sợ hãi, áp lực. Thực tế, khi bị quát mắng và ép học quá nhiều, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình kém cỏi, thậm chí cảm thấy như không được bố mẹ yêu thương, cảm thấy như bố mẹ coi sự ra đời của nó là vô nghĩa.
TS Vũ Thu Hương cho biết thêm, khi đứa trẻ bị tổn thương, bị sốc tâm lý sẽ có nhiều biểu hiện như: cắn móng tay, mút tay, mút môi, sờ soạng một bộ phận nào đó trên cơ thể…
Lớn dần, trẻ sẽ không có sự tự tin khi tiếp xúc với ai, sống khép kín, thậm chí lẩn tránh các giao tiếp vì luôn ám ảnh ý nghĩ mình kém cỏi hơn người khác.
Hãy dừng lại trước khi quá muộn!
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, TS Vũ Thu Hương cho rằng, đây là việc không dễ dàng với nhiều bà mẹ. Bởi đó đã là thói quen, thậm chí ăn sâu vào suy nghĩ, cho rằng, con mình phải tốt, phải giỏi.
“Tôi cho rằng các bà mẹ nên bỏ ngay chuyện nhìn thấy một số trường hợp xuất chúng, đặc biệt mà quy kết cho việc con mình phải giỏi. Sự xuất chúng chỉ xuất hiện ở một số cá nhân, không nên lấy điều này để gây áp lực cho con mình”.
Chẳng có ai dám chắc những người xuất chúng hạnh phúc hơn người khác cả. Vì thế, TS Vũ Thu Hương khuyên các bà mẹ nên hiểu con mình hơn. Hãy hiểu con mình cần gì, bởi mỗi lứa tuổi, trẻ có nhiệm vụ riêng. Đừng ép con làm gì quá sớm, đừng mắng mỏ con chỉ để thỏa mãn mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ
Nguồn: Emđẹp.vn