Gãi, ‘giết’ rôm sảy là sai lầm tai hại, vậy làm sao để cơn ngứa không dám ‘bén mảng’ gây khó chịu?

Nhiều người có phản xạ gãi, thậm chí “giết rôm”, “đánh rôm” để làm “con rôm” bị chết. Nhưng hành động này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Hai phản xạ sai lầm khi bị rôm sảy

Những khi thời tiết oi nóng, con gái 1 tuổi của chị Minh Hòa (Bắc Ninh) ra mồ hôi rất nhiều. Chị thích làm điệu cho con, nên để tóc dài thay vì “cạo trọc” như nhiều em bé khác. Chính mái tóc dài là nguyên nhân khiến con gái chị lúc nào cũng trong tình trạng ướt nhoẹt đầu, gáy, lưng.

“Cháu ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, cào gãi ngứa khắp người. Tôi kiểm tra thì thấy nhiều nốt mẩn đỏ xuất hiện trên da con, đặc biệt là những hôm oi bức, nắng nóng”, chị Hòa tâm sự.

Nhiều người mách chị xay lá kinh giới, mướp đắng cho con tắm nhưng không cải thiện được. Nhiều khi con ngứa rôm quá, không biết làm cách nào, chị Hòa chỉ biết xoa lưng, vỗ mạnh vào những đám rôm cho con bớt ngứa.

“Có người mách “giết rôm”, nặn những nốt đó ra cho con dễ chịu. Nhưng tôi thấy sợ nên không dám làm. Hầu như đêm nào cũng phải xoa cho con, mệt và hoang mang khủng khiếp”, chị Hòa nói.

Đừng “giết rôm” khi bị rôm sảy! Đây là cách chăm sóc CHUẨN ai cũng cần biết!

Làn da mỏng manh của trẻ rất cần được chăm sóc đúng cách để phòng bệnh rôm sảy. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, Bác sĩ cao cấp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh rôm sảy thường gặp cả ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, do thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn, trẻ hay vận động ra mồ hôi nhiều nên bệnh này sẽ gặp ở trẻ nhiều hơn.

Theo thông tin từ Website bệnh viện Da liễu Trung ương, hai phản xạ thường xảy ra khi bị rôm sảy là gãi và đôi khi, bà mẹ hoặc trẻ lớn có hành động “giết rôm” cho nhau.

Việc này làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng thành nhọt, viêm nang lông. Nặng hơn nữa có thể gây biến chứng viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng”, TS. Duy Hưng cho biết.

Cách xử lý CHUẨN khi bị rôm sảy

PGS.TS Duy Hưng khuyên để giảm ngứa khi bị rôm, ta có thể xoa nhẹ, không nên gãi, hay giết rôm. “Nguyên tắc xử trí là cho cơ thể mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra, chống viêm da. Nếu cơ thể không bị nóng, hạn chế tiết mồ hôi thì rôm sảy có thể mất đi nhanh chóng”, TS. Hưng nói.

Cha mẹ nên tạo môi trường thoáng mát, thông gió cho trẻ. Tránh tới những nơi đông đúc, ngột ngạt, bức bí.

Không ít cha mẹ có sở thích làm điệu cho con gái bằng những loại váy áo công chúa điệu đà, bồng bềnh “sang chảnh”. Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Duy Hưng, cha mẹ không nên sử dụng quần áo bằng loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi. Quần áo, tã lót dùng cho người bệnh rôm sảy nên bằng chất liệu vải sợi, mỏng, thấm mồ hôi, rộng thoáng nhằm giúp trẻ bớt ngứa và hạn chế tiết mồ hôi.

Người bệnh cần được tắm rửa thường xuyên, tuyệt đối tránh kiêng tắm gội. Việc làm này giúp cơ thể người bệnh mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín.

“Có thể tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm cho trẻ, không sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da. Có một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu…”,TS. Hưng tư vấn.

Cha mẹ có thể xoa phấn rôm khi trẻ bị rôm sảy vì phấn khiến da được khô, chống viêm và thoáng mát. Cần nhớ chỉ nên xoa ngay sau khi tắm, lau khô người. Tránh xoa phấn rôm khi mồ hôi nhiều vì như vậy sẽ làm bịt lỗ chân lông lại, làm phấn rôm bị phản tác dụng.

“Trong trường hợp da bị viêm nhiều, người bệnh cần được đi khám bác sĩ để được chỉ định bôi thuốc đúng, tránh các biến chứng xảy ra. Nếu tự ý bôi các loại mỡ, thuốc mỡ kháng sinh sẽ khiến da bị bít, gây dị ứng cho da”, TS. Duy Hưng cảnh báo.

Về chế độ ăn dành cho người hay bị rôm sảy, TS. Hưng khuyên nên uống đủ nước. Người bệnh có thể sử dụng sắn dây để thanh nhiệt. Uống nhiều nước đỗ đen, nước cam, chanh…giàu vitamin C và hạn chế ăn, uống các loại nước, thực phẩm có nhiều đường.

Theo TS. Duy Hưng, bệnh rôm sảy hoàn toàn phòng tránh được. Những việc cần làm để phòng bệnh là cần tránh ra ngoài vào những giờ nắng gắt từ 10 – 15h hàng ngày. Nếu cần ra ngoài vào lúc đó thì phải đội nón mũ rộng vành, mặc áo che kín da.

Bên cạnh đó là tắm rửa hàng ngày bằng nước mát cho da dẻ luôn sạch sẽ, các lỗ tuyến được thông thoáng.

Riêng trẻ nhỏ cần được mặc quần áo, tã lót mặc rộng thoáng, chất liệu cotton và thay thường xuyên. “Tránh khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi bằng cách tạo môi trường ở thông thoáng, mát mẻ là có thể phòng bệnh” TS. Duy Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Emđẹp.vn

SHARE