Kẻ thảm bại chính là kẻ phải thể hiện tình yêu nồng nàn trước. Cái trò chơi tình ái tưởng chửng tréo ngoe vô lý ấy, rốt cục lại đang được bao nhiêu cặp đôi sử dụng như một cách tôn thờ bản thân.
Có một sự thật là, yêu nhau bây giờ khá là phức tạp. Nếu như chúng ta tưởng như khái niệm tình yêu chỉ đơn giản là hai người (hoặc lâu lâu có những trường hợp cá biệt hơn thì nhiều người) mang những trái tim có chung nhịp đập tìm tới nhau, rồi chia sẻ niềm vui nỗi buồn, gắn kết với nhau, sống không nổi khi phải rời xa nhau thì ngày nay, cách người ta yêu nhau hình như hơi bị lạ quá.
Để so sánh, nó giống như một trò chơi cân não giữa hai người mà ai trong trò chơi ấy cũng muốn mình phải là người cầm trịch, là người trên cơ, là ngừơi dẫn dắt mọi thứ theo ý muốn của mình.
Làm gì có chuyện tao theo nó, phải làm sao cho nó theo tao mới là hay chứ”- cô bạn tôi cứ luôn miệng đọc khẩu quyết này khi nói về gã bạn trai của cô. Cô thì cũng yêu cậu kia thật, nhưng mà cô muốn giữ giá, cô không thích phải là người hạ mình thể hiện tình cảm. Cô phải là công chúa, là nữ hoàng, và anh kia mới là gã hề cố mua chuộc tấm lòng cô bằng những chiêu trò phục dịch.
Tậm tặc từng hớp của ly cà phê đương nóng hổi trên bàn, cô lại chép miệng, vênh mặt và khẽ đẩy gọng kính lên. Buổi chiều thứ 6 ngày hôm ấy, cô bạn tôi, với tâm thế là một phụ nữ thượng đẳng mang tinh thần cuồn cuộn nơi huyết quản, quyết tâm chơi trò vờn bắt với anh người yêu chỉ để đổi lấy 3 tiếng ma thuật. Ai nói 3 tiếng ấy trước, người ấy thua liền.
Kẻ thảm bại chính là kẻ phải thể hiện tình yêu nồng nàn trước. Cái trò chơi tình ái tưởng chửng tréo ngoe vô lý ấy, rốt cục lại đang được bao nhiêu cặp đôi sử dụng như một cách tôn thờ bản thân.
Tôi không biết tại sao tình yêu từ một khái niệm linh thiêng đầy tính gắn kết ngày xưa ấy, bây giờ lại trở thành một trò chơi cân não để hai kẻ yêu nhau phải bày mưu tính kế, phải đắn đo từng chữ từng câu mỗi khi nhắn tin cho nhau, chỉ để đổi lấy cảm giác thoả mãn rằng người kia đang phải chạy theo đuổi bắt trái tim mình.
Đơn kể, cô bạn cao giá của tôi chẳng hạn. Cô và anh bạn trai yêu nhau tính đến nay chắc độ chưa tới 1 quý, trong đấy hết 1 tháng ở mức tìm hiểu đẩy đưa nhau, chừa lại được 2 tháng nhận lời yêu thực sự.
Cô là một người phụ nữ độc lập, tôi quý cái tính không phụ thuộc, quyết đoán, gọn ghẽ mạnh mẽ của cô. Nhưng tôi không thích cách cô thể hiện sự mạnh mẽ ấy trong chuyện tình cảm. Cô luôn cảm thấy sự quấn quít, thương nhớ nhau là một cái gì đó rất thấp hèn, và kẻ đi thương nhớ một người, để tâm để trí lòng vòng là hình ảnh của người yêu là một kẻ thảm hại.
Có lần cô ngồi nhắn tin với bạn trai trong giờ ăn trưa. Tôi thấy sự mâu thuẫn đến nực cừơi trong mối quan hệ của hai người. Anh vừa nhắn tin tới, cô vội vồ lấy điện thoại, nghiền ngẫm từng chữ dù chỉ vỏn vẹn có mấy ký tự: “Em ăn trưa chưa?”. Cô nở nụ cười đắc thắng với tôi, quay sang nhe nhởn bảo: “Thấy chưa, ảnh phải quan tâm tao, nhắn tin hỏi han tao trước. Chứ tao á, đừng hòng”, mặc cho trước ấy tốc độ cô vồ điện thoại phải nhanh hơn cả tốc độ quán quân The Face chìm nghỉm trong tin tức truyền thông sau 2 tuần đăng quang. Tôi biết thừa, cô thích lắm nhưng ra vẻ đài các cao sang thôi. Thứ nghiện lại còn ngại.
Để rồi, cô không trả lời tin nhắn ngay đâu, cô phải ngâm quãng chừng một tuần hương, để ra vẻ như chị đây bận rộn lắm, chuyện tình cảm đối với chị không quan trọng bằng cuộc sống, sự nghiệp đâu. Cô sợ rằng nếu như mình trả lời nhanh quá, người kia sẽ nghĩ rằng mình đang vồ vập, mình đang ăn mày tình cảm, mình… dưới cơ.
Và rồi nỗ lực của cô cũng được đền đáp, anh bạn trai có vẻ nhường nhịn xuống nước rủ rê cô đi xem phim, offer thêm cả set bỏng nước và đón đưa tận nhà – Rồi sau đấy cô cũng không nhắn luôn đâu, lại mất thêm cả tuần hương nữa để cô thảo nháp, cô viết đi viết lại từng câu từng từ một, để làm sao cho tin nhắn mang tính hờ hững, lại có chút bí ẩn sâu cay, trong lòng thì rộn ràng ong bướm nhưng tin nhắn thì nhàu nhĩ như chó cắn ma.
Cô hứng chí lắm, khoe thành tích rộn ràng với cả bàn trước ánh mắt ngưỡng mộ của các em bé nhỏ tuổi chưa một lần biết mùi yêu đương.
Mà chẳng phải mỗi cô. Tôi và người yêu cũng không hơn kém gì. Cứ như hai đứa trẻ con giành giật nhau cái huy chương vàng của kẻ ngồi chiếu trên trong mối quan hệ vốn đã bao nhiêu sự nhiễu nhương loằng ngoằng trầm bổng. Lần nào giận nhau, cả hai cũng phải mất cả mấy ngày nhất quyết không nhượng bộ, không thoả hiệp, không thiện chí hoà giải, không thèm nhìn mặt nhau và chẳng cần nhắn tin cho nhau luôn. Cứ thế dai dẳng chờ đến khi nào người kia xuống nước xin lỗi thì mới tính tiếp. Mà trong khoảng thời gian chờ người kia nhượng bộ không khí căng thẳng vô cùng, ai cũng mệt, ai cũng nhớ, nhưng nhất quyết không ai nhượng bộ trước.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao chúng tôi lại như thế nữa, tại sao lại cắn xé nhau dai dẳng, lại dằn vặt nhau đến thế trong khi chỉ cần một lời xin lỗi hay cử chỉ làm hoà, mọi sự điên rồ sẽ tiêu tan và trả lại cho cả hai khoảng không nhẹ nhõm. Chẳng ảnh hưởng đến tính khí cũng chẳng gây sức ép về tinh thần khiến cho cuộc sống càng mệt mỏi hơn.
Đầu tiên phải nói một chút về thời đại bây giờ – thời đại mà hầu hết mọi người đều có khả năng nhận thức giá trị của bản thân, và đề cao lối sống tự chủ độc lập. Cô bạn tôi là một người con gái nhận thức rất rõ về giá trị bản thân. Cô biết cô ưa nhìn, cô có một công việc với mức lương tốt, cô có nơi để chui ra chui vào mà không phải lo ngại tiền thuê mỗi tháng, cô có gu ăn mặc và nhiều chàng trai cũng thích cô. Nhiêu đó đủ để cô vỗ ngực tự tin rằng bà đây không thiếu sự lựa chọn, thế nên việc của nhà ngươi là làm sao để bà cảm thấy bà chọn nhà ngươi là đúng đắn. Trong khái niệm “sao để đúng đắn” ấy, đương nhiên đi kèm sự phục tùng của nhà trai.
Bởi thế, cô mong muốn rằng khi đã yêu cô, các anh phải nhận thức được mình đang có một vật báu trong tay. Để giữ được vật báu, đương nhiên, các anh cần phải bỏ ra công sức kha khá. Tình yêu với cô là trò chơi đuổi bắt, cô cứ thả, rồi lại bu lại gần, rồi lại thả xa, quay các anh như chong chóng. Cô tạo cho anh cái cảm giác rất gần rồi lại rất xa, để anh có khi tưởng như tóm được cô trong lòng bàn tay rồi thì bất ngờ cô lăn ra lạnh ngắt, và các anh phải nỗ lực từ đầu.
Thực ra chiêu này của cô khá hay, nếu như cô áp dụng với tần suất hợp lý. Nhưng vấn đề là tần suất kéo thả của cô hơi dày, khiến anh người yêu đôi lúc cảm thấy lao đao, tệ hơn là nản lòng.
Mà nói đi cũng phải nói lại, cô có câu chuyện đằng sau của riêng mình, một câu chuyện tương đối buồn để cô sinh ra cái tâm lý dè dặt, tâm lý sợ thiệt thòi. Cô từng đổ vỡ, cũng chỉ vì cô đã yêu hơi nhiều, cô yêu ngừơi cũ nhiều hơn cả bản thân. Và cái gì đến cũng đã đến, châm ngôn: “Đứa nào yêu nhiều hơn đứa đó thiệt” một cách cay đắng đã vận thẳng vào đời cô.
Từ ấy cô sợ đổ vỡ, cô sợ nếu như mình rơi vào tình huống cũ, sẽ lại yêu nhiều như thể tình đầu thì mọi mộng tưởng sẽ lại tan vỡ. Thế nên cô cứ co cụm lại trong vòng tròn an toàn của mình, bày mưu tính kế để mọi thứ chỉ ở mức lưng chừng của kỳ vọng, kiểu như cô chỉ mong một mức làng nhàng thôi, lúc ấy thì có tan vỡ cô cũng chẳng quá bất ngờ, thất vọng nữa. Vậy nên thiệt thòi cho anh bạn trai mới của cô.
Anh sau một thời gian quay cuồng cũng thấm mệt. Anh không còn đủ kiên nhẫn để chạy theo cô bạn gái không rõ ràng nữa, cũng chẳng còn nhiều năng lượng để chơi trò chơi hai người thêm nữa. Số lượng tin nhắn cũng thưa thớt dần, anh chẳng thiết chinh phục người đẹp nữa. Cái thích của một người không phải là vô hạn, nó chỉ duy trì khi có sự hồi đáp thoả đáng.
Như đã nói thôi, tình yêu thì luôn quẩn quanh và không cân bằng. Trong bất cứ thời điểm nào cũng sẽ có một người yêu nhiều hơn và một người ở vị trí nương theo, thế nhưng cái vòng tuần hoàn ấy cũng cần một sự cân bằng. Giống như trò chơi kéo-đẩy, một ngừơi đẩy phải có người kia kéo, rồi đổi lại vị trí cho nhau, khi ấy trò rượt bắt mới thực sự đáng để chơi. Ít nhất, sẽ không có ngừơi phải mệt mỏi bỏ cuộc.
Hoặc giả, hãy kệ cái tự trọng của bạn, hãy kệ những thứ người ta rỉ tai bạn không được làm để tránh bản thân bị mất giá.