Rất nhiều căn biệt thự hạng sang tại các khu đô thị đang bị bỏ hoang gây lãng phí cũng như khiến rất nhiều người xót xa bởi “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Và những người sống trong các căn biệt thự hàng chục tỷ đồng đó không phải là ông giám đốc này, bà chủ doanh nghiệp kia, mà đó là hàng trăm công nhân nghèo…
“Với chúng tôi, nơi này như khách sạn 5 sao”
Không khó để ngồi trò chuyện, tiếp xúc và tìm hiểu cuộc sống của những người sinh sống trong những căn biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí có nhiều căn lên đến cả triệu đô khắp đất Thủ đô. Các khu đô thị (KĐT) hiện có nhiều biệt thự bỏ hoang gồm: KĐT An Khánh, Nam Cường, Văn Phú, Văn Khê, Văn Quán, Mỹ Đình, Trung Văn, Dịch Vọng…
Nhiều biệt thự bỏ hoang do các chủ đầu tư xây dựng lên thời gian qua đã có tuổi đời đến 10 năm tuổi, nhưng suốt ngần ấy năm những ngôi biệt thự này chưa hề được hoàn thiện. Chúng nằm phơi nắng, phơi sương và dần bị xuống cấp một cách khó hiểu. Những căn biệt thự “may mắn” được cho thuê lại để làm dịch vụ như: quán sửa xe, quán phở, quán trà đá, thậm chí cả tiệm kinh doanh đồng nát…
Tại Hà Nội có hàng nghìn căn biệt thự trị giá mỗi căn hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Có mặt tại khu biệt thự thuộc dự án Nam An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội), cạnh Thiên đường Bảo Sơn, mới thấy rõ những căn biệt thự bỏ hoang la liệt khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Một số căn biệt thự nơi này đã từng trở thành nơi chăn trâu, nuôi gà hoặc hầm để xe biến thành… ao nuôi cá.
Một số căn biệt thự có người ở, nhưng những người ở trong các căn biệt thự không phải là chủ nhân mà họ được cho thuê lại với giá bèo chỉ vài trăm nghìn đồng hoặc một vài triệu đồng/căn. Và nơi này vô tình trở thành nơi lý tưởng để hàng chục công nhân lao động làm nơi tá túc.
Một căn biệt thự to lớn là nơi ở của 15 công nhân cả nam lẫn nữ tại KĐT Nam An Khánh.
Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, từng nhóm thợ xây dựng cùng làm chung công trường hoặc từng tốp thợ làm thuê tụ họp lại cùng thuê với giá rẻ đến mức khó tin.
Có mặt tại một căn biệt thự có 15 công nhân cả nam lẫn nữ thuê, quan sát cuộc sống sinh hoạt của họ chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của những công nhân nơi này khá thoải mái, bình yên và với họ đây mới là… thiên đường dù thiếu thốn đủ thứ.
Phòng ngủ của 15 công nhân đơn sơ, tạm bợ nhưng họ vẫn lạc quan, vui vẻ.
“Không giường, không ti vi, không tiện nghi thậm chí nhu cầu tối thiểu là nhà vệ sinh, nhà tắm cũng không có nhưng chúng tôi sống như thế này là quá sung túc, quá sung sướng khi so sánh với các công nhân phải sinh sống hoặc ở ngay tại công trường”, Nam – 26 tuổi trú tại Thanh Hóa vui vẻ cho biết.
Trong khi đó, anh Vũ (Thọ Xuân – Thanh Hóa) kể: “Chúng em thuê với giá chỉ 1 triệu đồng làm nơi ở cho 15 anh em công nhân từ Tết đến giờ, tất cả đều làm cùng 1 công trình xây dựng gần đây. Tuy thiếu thốn nhưng với chúng em ở đây là nơi trú chân tuyệt vời như “khách sạn 5 sao” rồi”.
“Sống như thế này với chúng em là quá sướng rồi”, Nam chia sẻ.
15 anh em sống như 1 gia đình. Nam có, nữ có, thế nhưng ai cũng tôn trọng quyền tự do của nhau. Chỗ ngủ tách riêng biệt, mỗi người đều có không gian riêng và thậm chí với những chị em phụ nữ ở chung cùng anh em trong biệt thự lại phụ trách thêm việc “nữ công gia chánh”. Mỗi ngày 15 công nhân đều phải đóng 25.000 đồng cho 3 bữa ăn. Hôm nào muốn cải thiện thêm lon bia, con gà thì tất cả lại đóng thêm tiền.
Người phụ nữ đang chuẩn bị bữa cơm với giá 8.000 đồng/người cho nhóm công nhân.
“Cuộc sống của mọi người đều khó khăn nhưng rất may có chị em phụ trách nấu nướng cũng vui và đảm bảo bữa ăn cho anh em, chứ nếu chúng tôi đi ăn ở ngoài, mỗi suất cơm thấp nhất cũng 20.000 đồng, mỗi ngày 60.000 đồng thì vừa tốn kém lại không đảm bảo sức khỏe để làm việc”, anh Vũ vui vẻ kể.
Không ai dám ở 1 mình, ít nhất từ 3-4 người trở lên
Điện “câu” nhờ xung quanh, nước sạch may mắn có nước giếng khoan, riêng giường chiếu tận dụng cốp-pha bỏ đi của công trường xây dựng lắp ghép lại… Đó là cảnh sinh hoạt ít người biết đến. Và dù thiếu thốn và cảm giác tạm bợ nhưng nhiều người sinh sống tại đây vẫn đùa vui rằng: “Chẳng mấy dân lao động nghèo như chúng tôi lại được sống tại biệt thự triệu đô giữa Hà Nội!”.
Cách căn biệt thự có 15 công nhân sinh sống không xa là một căn biệt thự bỏ hoang của một tốp công nhân 4 người đến từ Phú Thọ. Cũng giống như nhóm 15 công nhân xây dựng kia, họ làm công nhân cho 1 công trường xây dựng khác, tuy nhiên nhóm 4 người đều là người cùng thôn, xóm miền Trung du xuống Hà Nội cùng làm ăn.
Nhiều công nhân cho rằng việc ở chung với nhau nhiều người cho vui và tự bảo vệ lẫn nhau trước kẻ xấu.
“Chúng em không có nhiều tiền để thuê trọ nên đành tá túc tạm ở đây và cũng chẳng biết chủ nhân của căn biệt thự này là ai. Chúng em ở sạch sẽ và giữ gìn nên chắc người ta nếu có biết cũng chẳng phàn nàn gì bởi dù sao nhà mà có người ở vẫn hơn bỏ hoang để cây cối mọc um tùm, chuột bọ chạy loạn hoặc kẻ xấu làm nơi tiêm chích, phóng uế”, một nam công nhân chia sẻ.
Dù công việc không giống như các công nhân xây dựng nhưng tại một căn biệt thự khác tại Hà Đông, một nhóm 3 người đàn bà cùng làm nghề đồng nát lại lựa chọn ở cùng nhau. Tâm sự với chúng tôi về điều này, chị Minh đến từ Thái Bình cho hay: “Chúng tôi ban đầu ở chỉ có 2 chị em nhưng sau đó trong quá trình đi làm gặp thêm 1 người cùng hoàn cảnh khó khăn nữa nên đã cho người này ở cùng để đỡ buồn”.
Một căn biệt thự tại Dịch Vọng nơi anh Bình thuê lại cho công nhân ở và sinh hoạt.
Không ai dám ở trong những căn biệt thự bỏ hoang này một mình bởi họ biết rằng, nơi này cũng có nhiều cạm bẫy, nhiều hệ lụy, bởi đâu cũng có kẻ xấu rình rập để trộm cắp, dọa dẫm hoặc thậm chí có ý đồ xấu xa, cưỡng bức.
Bếp nấu nướng với đầy đủ mọi dụng cụ.
“Lúc đau ốm chúng tôi còn có người để nương tựa chứ ở nơi hoang vắng như thế này biết dựa vào ai”, chị Minh tâm sự.
Dưới tầng 1, anh Bình tận dụng làm quán nước bán cho anh em công nhân và người dân xung quanh.
Một căn biệt thự khác tại KĐT Dịch Vọng, nơi anh Bình thuê lại của một người quen biết làm chốn ở cho hơn 20 công nhân. Tầng 1 là chỗ ngủ, sinh hoạt cho gia đình anh, từ tầng 2, tầng 3 được anh thiết kế làm nơi ở, sinh hoạt cho nhóm công nhân của mình.
Anh Bình chia sẻ: “Nhóm thợ ở đều làm công cho tôi, nay làm công trình này mai làm công trình khác, nhưng nếu để anh em ở công trường thì vất vả quá nên đưa anh em về đây sống cho thoải mái. Dù sao đây cũng là chỗ che nắng che mưa, các anh em yên tâm sinh hoạt và làm việc”.