Trường hợp nữ bệnh nhân Trần Thị L. (45 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tử vong sau 24 giờ tiêm thuốc cản quang Ultravis tại BV K có thể xem là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam tử vong nghi ngờ sốc phản vệ do loại thuốc này.
Trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, tiêm các chất cản quang vào cơ thể giúp gia tăng sự thấy rõ của các cấu trúc hoặc dịch khi chụp chẩn đoán.
Trong vòng 5 năm, Việt Nam ghi nhận 134 trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm 5 thuốc cản quang phổ biến |
Thuốc cản quang chứa Iod là loại thuốc có số lượng sử dụng nhiều nhất trên thế giới và Ultravis nằm trong danh sách này. Trước khi tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân hoặc người đại diện đều phải ký giấy cam kết.
TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV K cho biết, đến nay thế giới thống kê 1.142 bệnh nhân tiêm thuốc cản quang Ultravist thì 273 bệnh nhân có các phản ứng sau tiêm. Trong đó 7/10 trường hợp sốc phản vệ tử vong trong vòng 5 ngày sau sốc.
Hiện nay, do số bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh ngày càng tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung và Ultravist nói riêng cũng tăng theo.
TS Quang cho biết, nhiều trường hợp mặc dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời cũng không tránh khỏi tử vong.
Theo TS Quang, Ultravist là chất cản quang tan trong nước, được sử dụng trong các thủ thuật chụp cắt lớp vi tính, chụp mạch, chụp các khoang trong cơ thể.
TS.BS Nguyễn Tiến Quang |
Các phản ứng thường gặp của thuốc này là nhức đầu, rối loạn thị lực, đau ngực, giãn mạch có thể dẫn đến huyết áp thấp, buồn nôn và nôn, đau lưng… Còn những phản ứng nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, tổn thương thận cấp tính, hôn mê, nhồi máu não, đột quỵ, co giật, nhồi máu cơ tim, suy tim, sốc, suy hô hấp…
Tại Việt Nam, Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc từng thống kê tỉ lệ phản ứng phụ sau tiêm của 5 thuốc cản quang chứa Iod giai đoạn 2006-2011.
Tổng cộng có 134 trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm, trong đó Telebrix nhiều nhất với 74 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong năm 2013 tại BV Bạch Mai, kế đó là Xenetic 32 trường hợp, Ultravist xếp thứ 3 với 23 trường hợp, chiếm tỉ lệ 17,16%.
TS Quang cho biết, sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng”, nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác.
Do đó phần lớn ca tử vong do sốc phản vệ không thể dự báo trước. Để xác định chính xác nguyên nhân, phải lập hội đồng chuyên môn và thực hiện giám định pháp y.
Theo VietNamNet