Bố mẹ đung đưa, rung lắc dỗ dành, con 3 tháng tuổi lên cơn co giật, chấn thương sọ não

Đung đưa, rung lắc dỗ dành khi con sơ sinh khóc là thói quen của hầu hết các bậc cha mẹ nhưng lại ẩn chứa huy hại lớn với tính mạng của bé.

Mới đây, bệnh viện nhi thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã tiếp nhận một bệnh nhi 3 tháng tuổi bị chấn thương sọ não chỉ vì sai lầm của bố mẹ trong cách chăm sóc con.

Theo tìm hiểu, bố mẹ của bệnh nhi đều còn rất trẻ và không có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái. Người mẹ cho biết vào ngày 3/10 vừa qua, con gái 3 tháng tuổi không hiểu vì lí do gì mà khóc rất nhiều và dai dẳng. Để dỗ con nín, hai vợ chồng đã thay nhau bế rồi đung đưa, rung lắc người con như cách nhiều bậc cha mẹ khác vẫn hay làm.

Tuy nhiên, sau một thời gian rung lắc bé, người mẹ nhận thấy tinh thần của đứa trẻ trở nên rất tệ, mặt nhợt nhạt và đôi khi lại hét lên một cách khó hiểu. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng không mấy để tâm đến những biểu hiện khác thường đó của con. Thậm chí, khi thấy bé bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, chân tay co giật và đầu hay ngửa về phía sau, họ vẫn chủ quan chưa đưa con đi khám.

Cho đến tối ngày hôm sau, đứa bé đột nhiên co giật, ý thức lơ mơ, chân trái, khóe miệng và mi mắt đều co giật. Lúc này đôi vợ chồng trẻ mới cảm nhận thấy có điều gì đó không ổn với con và nhanh chóng đưa con đến bệnh viện ở địa phương.

bo me dung dua, rung lac do danh, con 3 thang tuoi len con co giat, chan thuong so nao - 1

Tuyệt đối không được rung lắc để dỗ dành khi trẻ khóc. (Ảnh minh họa)

Tại đây, bác sĩ phát hiện đứa trẻ bị xuất huyết nội sọ. Mặc dù bác sĩ đã cho bệnh nhi uống thuốc nhưng tình trạng co giật vẫn còn. Vì thế để bảo vệ tính mạng cho bé, họ yêu cầu chuyển em lên bệnh viện thành phố.

Sau khi chuyển đến bệnh viện nhi thành phố Đông Quản, bác sĩ ngay lập tức tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện cho bé gái. Cuối cùng, bé được chẩn đoán chấn thương sọ não (sưng não, xuất huyết nội sọ), xuất huyết ở đáy mắt và thiếu máu trầm trọng.

Các bác sĩ cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có liên quan đến “hội chứng rung lắc bé”. Bố mẹ của em sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng thương tích của con lại được gây ra bởi chính bố mẹ rung lắc con quá nhiều.

Theo bác sĩ, sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh vẫn chưa ổn định, cơ xương ở cổ còn rất yếu, độ đàn hồi của dây chằng kém nên khó có thể tiếp nhận được sự chấn động do cơ thể bị rung lắc. Việc rung lắc cơ thể trẻ diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến não va đập vào sọ não, dẫn đến tổn thương não. Trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ từ 0 – 8 tháng tuổi, dễ rơi vào tình trạng này, tỷ lệ tử vong cao đến 30.

Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng của bé gái, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành lọc máu và phẫu thuật dẫn lưu cho bệnh nhi. Sau hơn 10 ngày điều trị trong viện, sức khỏe của bé gái đã hồi phục rất tốt.

Hội chứng trẻ bị lắc (Shaken baby syndrome – SBS) còn gọi là tổn thương não lạm dụng (abusive head trauma, AHT), là một hội chứng hay gặp, có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu bị tổn thương não nặng.

Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể bị va đập vào hộp xương sọ làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não. Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ.

bo me dung dua, rung lac do danh, con 3 thang tuoi len con co giat, chan thuong so nao - 2

Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Tùy theo mức độ tổn thương nặng hay nhẹ mà những triệu chứng xuất hiện như: nhẹ thì thấy trẻ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không hoặc ít khi mỉm cười. Nặng hơn, trẻ sẽ không nhìn được, dễ co giật, nôn mửa. Trường hợp trầm trọng, trẻ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê… khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong.

Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

Theo Khám phá
SHARE