Bộ Công an cho rằng, việc bỏ các thủ tục về số hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân, việc này cần phải có lộ trình, dự kiến đến năm 2019-2020.
Chính phủ vừa có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Trong đó, có quy định “bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Ngoài ra, các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu như: tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trù, đổi sổ tạm trú…cũng được bãi bỏ. Nghj quyết có hiệu lực từ ngày ban ngày.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên đưa tin, Bộ công an cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân, việc này cần phải có lộ trình, dự kiến đến năm 2019 – 2020.
Việc bỏ sổ hộ khẩu phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân. Ảnh minh họa
Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ công an cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, nhiều thông tin cho rằng sẽ bỏ hẳn và bỏ ngay hộ khẩu hay CMND là không chuẩn xác.
“Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công an sẽ phải thực hiện nhiều công việc để rút gọn các loại giấy tờ thủ tục hành chính”, ông Thắng nói. Trong đó có việc Bộ Công an phải bắt tay ngay vào sửa đổi hàng loạt luật, nghị định, thông tư có liên quan đến quản lý cư trú của dân cư, để khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành thì các văn bản pháp luật bắt đầu thực hiện phù hợp thời điểm.
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội (PC64), Công an TP HCM cũng cho rằng, để triển khai thực hiện, cần phải có lộ trình vì hiện các nội dung thông tin về công dân chưa được cập nhật hết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên C72 chưa thể bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư để quản lý băng mã số định danh cá nhân. Về vấn đề người dân ngộ nhận việc bỏ hộ khẩu từ 30/10, sắp tới, PC64 sẽ phối hợp với ban ngành để tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng theo tinh thần chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, theo Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 1/1/2016 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Hiện nay việc cấp thẻ Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân đang được Bộ Công an triển khai ở 16 địa phương trên cả nước, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình.
Thời gian chính thức bỏ sổ hộ khẩu phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân.
15 thông tin cơ bản sẽ được công an trên cả nước thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Bộ Công an đang đặt ra lộ trình đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân, còn trẻ em mới ra đời sẽ được cấp ngay một số định danh cá nhân để ghi vào Giấy khai sinh – PV) triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.
Theo Baomoi