Muốn tận dụng triệt để chất dinh dưỡng của rau mầm, bạn nên chú ý cách ăn sau đây

Rau mầm phát triển nhờ vào việc lấy chất dinh dưỡng từ trong hạt. Vì vậy khi ăn rau mầm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ cao hơn và dễ tiêu hơn.

Rau mầm bổ dưỡng?

Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rau mầm lớn lên bằng chính nguồn dinh dưỡng tích lũy có trong hạt. Cho nên, rau mầm được các chuyên gia đánh giá khá an toàn và nhận được sự tin tưởng của các chị em nội trợ. Thậm chí, không ít chị em còn kỳ công trồng rau mầm ngay tại nhà.

Chị Nguyễn Thúy Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lo sợ rau ăn lá có thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích vì vậy gia đình chị chuyển sang ăn rau mầm và các loại củ quả. Chị Lan còn mua rất nhiều nguyên liệu để tự gieo trồng rau mầm tại nhà.

“Khoảng 1 tuần sau khi trồng, rau mầm có thể cho thu hoạch. Cách trồng khá đơn giản, chỉ ngâm hạt gieo xuống đất, tưới nước sạch là được. Tôi thường dùng rau mầm chế biến các món ăn salad cho cả nhà. Thỉnh thoảng đổi vị thì chuyển sang xào thịt hoặc luộc”, chị Lan nói.

Đang nuôi con nhỏ, chị Phương Vi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chọn cách mua rau mầm về chế biến món ăn cho con. Vì chị nghĩ rau mầm sẽ nhiều dinh dưỡng và sạch hơn rau ăn lá.

Rau mầm giàu dinh dưỡng những phải biết ăn đúng cách

Rau mầm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho rằng, quy trình trồng rau mầm hiện nay được đánh giá khá an toàn. Rau thường được trồng trong nhà lưới ngăn ngừa côn trùng sâu bọ. Thời gian rau mầm cho thu hoạch thường chỉ sau 5-7 ngày, vì vậy ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giá trị dinh dưỡng của rau mầm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lý giải: “Hạt rau sau khi nảy mầm sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng trong hạt để phát triển. Nhờ vậy, các chất dinh dưỡng có trong rau mầm thường cao hơn rau ăn lá”.

Nhờ những dưỡng chất quan trọng (chất xơ cao, vitamin nhóm B, vitamin C và một số vitamin, axit amin), rau mầm được cho là tốt cho mọi lứa tuổi nên được khuyến khích ăn thường xuyên. Người thường xuyên bị táo bón nên ăn rau mầm.

“Rau mầm phát triển nhờ vào việc lấy chất dinh dưỡng từ trong hạt. Vì vậy khi ăn rau mầm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ cao hơn và dễ tiêu hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.

Ăn rau mầm như thế nào để an toàn?

Giá trị dinh dưỡng trong rau mầm khá cao nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng thực phẩm này.

Đặc điểm của rau mầm thường được nảy mầm ở nhiệt độ vừa phải và đây cũng là nhiệt độ thích hợp để nấm mốc vi khuẩn phát triển. Đối với những gia đình tự trồng rau mầm tại nhà cần lưu ý quá trình chăm sóc, tưới nước phải sạch sẽ.

“Rau mầm thường dùng để ăn sống và chế biến các món salad. Nếu quá trình chăm sóc rau bị nhiễm khuẩn thì ăn rau cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Bình thường trong môi trường luôn tồn tại các loại vi khuẩn, nếu chế biến và rửa không sạch, bảo quản không đúng cách cũng có thể gây bệnh”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, khi sử dụng rau mầm để an toàn cần phải rửa sạch rau dưới vòi nước, tránh làm dập nát rau. Người già trẻ nhỏ không nên ăn rau mầm sống để đảm bảo sức khỏe.

Muốn cho trẻ ăn rau mầm nên luộc chín để đảm bảo vệ sinh. Nên mua rau mầm tại các cơ sở sản xuất có uy tín thương hiệu sản xuất. Hạn chế mua rau mầm ở các địa chỉ không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngọc Minh (theo emdep)

SHARE