Trước khi gặp nạn, Nghĩa gọi điện thoại về cho bố hứa gắng làm việc thêm giờ để gửi tiền về cho gia đình tiêu Tết rồi tắt máy để chuẩn bị cho ca làm đêm.
Chiều 15/2, ngôi nhà cấp bốn ở tiểu khu 8, thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đều đều tiếng khóc than của người thân nạn nhân Nguyễn Trọng Nghĩa (22 tuổi), được cho đã tử vong trong vụ cháy khu nhà ở công nhân của nhà máy sản xuất phim cách nhiệt xe hơi ở thành phố Đào Viên, phía bắc đảo Đài Loan.
Cha mẹ gào góc tên con
Ông Nguyễn Văn Đồng (41 tuổi, chú ruột Nghĩa) cho biết gia đình lập bàn thờ từ sáng 14/12, sau khi nhận tin dữ từ phía công ty môi giới việc làm. “Cháu tôi sang Đài Loan làm việc được 3 năm 8 tháng, sau khi vừa học xong lớp 12”, ông Đồng nói.
Bà Trần Thị Tuyết (54 tuổi, mẹ Nghĩa) ngồi lê trước bàn thờ, liên tục khóc than vì nhớ thương con trai. Giọng người mẹ khàn đặc sau 2 ngày nhịn ăn, vật vã gào thét gọi con trong tuyệt vọng từ lúc nhận tin dữ.
“Cho mẹ lạy con 3 lạy, Nghĩa ơi. Trời ơi, ai hiểu được lòng người mẹ mất con đây. Con nói gắng làm việc trả hết nợ rồi về, có ai ngờ…con ơi”, bà Tuyết gào khóc.
Khoảng 6h sáng ngày 14/12, gia đình nhận tin báo từ công ty môi giới việc làm về việc nam công nhân quê Quảng Bình gặp sự cố về sức khỏe. Đến 9h cùng ngày, đơn vị môi giới việc làm tiếp tục thông báo, Nguyễn Trọng Nghĩa là một trong 6 công nhân được cho là đã tử nạn trong vụ cháy ở Đài Loan.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (56 tuổi, bố Nghĩa) gần 2 ngày hết ngồi lê lại nằm dài trước bàn thờ con trai gào khóc vì thương con. Người cha này liên tục nhắc đi nhắc lại những lời con trai nói trong cuộc điện thoại trước vụ hỏa hoạn. “Ba nghe đây, Nghĩa ơi. Con gọi ba đây”, ông Hoàng gào lên.
Khoảng 2h sáng (tương đương 1h Đài Loan) 14/12, Nguyễn Trọng Nghĩa gọi điện về cho bố sau khi vừa tan ca tối về khu nhà ở. Họ nói chuyện gần nửa giờ đồng hồ trước khi nam công nhân chào cha rồi tắt máy. Nghĩa nói sẽ làm việc thêm giờ tăng ca để dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ mua sắm dịp Tết Nguyên Đán.
Đi xuất khẩu lao động vì thương bố mẹ
Nguyễn Trọng Nghĩa là con thứ tư trong gia đình có 5 chị em (3 gái, 2 trai). Ba người chị gái trước Nghĩa đều lập gia đình ra ở riêng. Gia đình ông Hoàng – bà Tuyết sống nhờ vào 4 sào ruộng lúa để nuôi con nên định hướng cho Nghĩa đi xuất khẩu lao động sau khi học xong THPT.
“Cháu tôi học rất khá, mấy năm cấp 3 đều đạt học sinh tiên tiến. Nó chấp nhận đi làm ăn ở Đài Loan để có tiền giúp bố chữa bệnh, nuôi em trai đang tuổi ăn học”, ông Nguyễn Văn Đồng kể.
Chú ruột nạn nhân cho biết thêm phần lớn số tiền do Nghĩa gửi về đều được dùng để mua thuốc thang cho ông Hoàng điều trị bệnh tim khá nặng. Ông Hoàng còn mắc chứng tiểu đường nên không thể kham nổi việc đồng áng.
Để làm thủ tục cho Nghĩa đi xuất khẩu lao động, gia đình phải vay mượn hơn 170 triệu đồng nộp phí môi giới, đặt cọc chống trốn việc. Hơn 3 năm nam công nhân này sang Đài Loan, gia đình vẫn chưa trả hết nợ vì lo thuốc thang chữa bệnh cho ông Hoàng và sửa sang nhà cửa.
Công ty trả lương cho Nghĩa mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng cố định. Nếu làm thêm giờ tăng ca thì nam công nhân này có thu nhập bình quân hàng tháng được hơn 10 triệu đồng. Trừ chi tiêu cá nhân, phần lớn tiền đều được Nghĩa gửi về cho bố mẹ lo mọi việc.
Liên quan đến việc xác định thi thể, cơ quan chức năng thông báo ít nhất một người thân trong gia đình mang theo hộ chiếu kèm CMND để sang Đài Loan làm thủ tục xét nghiệm ADN đối chiếu, nhận thi thể nạn nhân.
Theo ông Đồng, gia đình tính chuyện vay thêm tiền để cho người đi kèm ông Hoàng do lo ngại tình hình sức khỏe của người cha. Họ có nguyện vọng nhanh chóng hoàn thành thủ tục để đưa thi thể nạn nhân về quê an táng
Theo Zing