Việc tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời đòi hỏi nhiều dữ liệu và mất thời gian, nhưng quy trình này có thể được cải thiện nhờ hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của Google.
Theo Engadget, tàu không gian Kepler của Cơ Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã dành 4 năm tập trung vào một vệt sáng trên bầu trời, và trong thời gian đó nó đã thu thập được 14 tỉ điểm dữ liệu từ 200.000 ngôi sao.
Bằng cách chụp các vệt sáng này 30 phút một lần, Kepler đã phát hiện ra ngôi sao lớn được đặt tên là Kepler 90. Dữ liệu từ NASA cho biết, có tổng cộng 7 hành tinh bay xung quanh Kepler 90 và được đặt tên lần lượt là Kepler 90b, 90c, 90d, 90e, 90f, 90g và 90h.
Nhưng trong phát hiện mới nhất từ hệ thống AI của Google, do nhà nghiên cứu Chris Shallue dẫn dầu hợp tác với nhà thiên văn học Đại học Austin, Andrew Vanderburg, đã giúp phát hiện ra một hành tinh mới bay xung quanh Kepler 90 và đặt tên là Kepler 90i.
Được biết, hệ thống AI mà Shallue và Vanderburg sử dụng là một hệ thống máy học xác định các hành tinh ngoài hệ mặt trời dựa trên các dữ liệu ánh sáng mà NASA ghi nhận. Cụ thể, họ dùng một bộ dữ liệu gồm 15.000 tín hiệu của Kepler, được biết đến từ các hành tinh hoặc các vật thể khác như sao, để đào tạo hệ thống máy học. Khi họ kiểm tra hệ thống, các nhà nghiên cứu nhận thấy nó có thể phân biệt chính xác các tín hiệu từ các hành tinh với thời gian cải thiện đến 96%.
Sau đó, họ lấy dữ liệu của Kepler từ 670 ngôi sao đã biết, từ đó phát hiện có 2 hành tinh đã bị các nhà khoa học bỏ qua. Ngoài Kepler 90i còn có Kepler 80g. Lưu ý rằng, với phát hiện mới thì ngôi sao Kepler 90 trở thành hệ thống với 8 hành tinh bay quanh rất giống với hệ mặt trời chúng ta đang sống – vốn cũng có 8 hành tinh bay xung quanh.
Shallue và Vanderburg nói đó chỉ là sự khởi đầu, bởi nhóm mới chỉ tìm kiếm 670 ngôi sao trong số 200.000 dữ liệu, vì vậy có thể rất nhiều hành tinh khác vẫn chưa được thu thập trong dữ liệu của Kepler. Những ý tưởng và kỹ thuật mới như máy học có thể giúp phát hiện ra những thiên thể mới trong nhiều năm tới.
Theo ThanhNien