Từng là nữ sinh nghèo nách ôm 3 con lên giảng đường ĐH, người phụ nữ này quyết kiếm tiền để giúp các sinh viên giàu nghị lực.

“Cách đây 17 năm, sau khi sang Mỹ nhận giải thưởng Kovalevskaya, tôi được mời lên chương trình “Người đương thời” và đã hứa trước toàn dân là tôi sẽ làm gì đó hết sức mình để góp tiền giúp đỡ cho các em sinh viên nghèo… Nhưng tôi không có khả năng buôn bán, mà chỉ biết nghiên cứu khoa học”, bà Nguyễn Thị Hòe kể lại hoàn cảnh ra đời giải thưởng Kova – giải thưởng thường niên được tổ chức từ năm 2002 đến nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova – từng là một nữ sinh nghèo, một nách ôm 3 con vào ĐH Bách Khoa Hà Nội. Những năm 90s, bà từng ngủ ở sân bay, từng mang cả vali mỳ gói và phải bán đi chiếc xe máy duy nhất, một mình sang Mỹ nhận giải thưởng Kovalevskaya.

Từ Mỹ trở về, bà được mời lên chương trình “Người đương thời”. Từ cảnh ngộ của mình, bà đã tuyên bố trên chương trình phát sóng toàn quốc rằng “sẽ làm gì đó hết sức mình để góp tiền giúp đỡ cho các em sinh viên nghèo khổ”.

“Từng là một sinh viên nghèo khổ, tôi rất thông cảm với đời sống của các em sinh viên khó khăn mà học giỏi. Tôi đã hứa là sẽ làm việc gì để kiếm thật nhiều tiền, nhưng tôi không có khả năng buôn bán, mà chỉ biết nghiên cứu khoa học”, bà Hòe kể lại.

Bà ấp ủ ý tưởng về một quỹ giải thưởng để vinh danh những tấm gương xuất sắc của Việt Nam và thắp lên niềm tự hào dân tộc. Ý tưởng này nhận được sự đồng lòng từ Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và sau này là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Năm 2002, giải thưởng Kova ra đời và được tổ chức thường niên cho tới ngày nay.

15 năm qua, giải thưởng Kova đã được trao cho nhiều tấm gương sống đẹp như người mang đến hàng triệu suất cơm 2.000 đồng/phần để giúp đỡ những người nghèo; người 20 năm tình nguyện đi vá đường; người 17 năm hết lòng với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS…

Bên cạnh những tấm gương sống đẹp, giải thưởng Kova còn vinh danh những cá nhân, tập thể trong các hạng mục khác, gồm Kiến tạo – vinh danh những công trình khoa học ứng dụng, Triển vọng – vinh danh những sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học, cùng các em sinh viên giàu nghị lực trên toàn quốc.

Năm 2017, Giải thưởng Kova lần thứ 15 vinh danh đóng góp của 2 công trình khoa học ứng dụng (hạng mục Kiến tạo); 8 tấm gương với những việc làm tốt đẹp, nhân văn (hạng mục Sống đẹp) cùng 7 sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học (hạng mục Triển vọng).

Ngoài ra, Ủy ban Giải thưởng Kova còn trao 118 suất Học bổng (mỗi suất trị giá 8 triệu đồng) cho các em sinh viên giàu nghị lực đến từ 41 trường đại học công lập trên cả nước. Các em có hoàn cảnh gia đình nghèo khó và đặc biệt (như mồ côi, bố mẹ bệnh tật, khuyết tật,…) nhưng vẫn vươn lên học giỏi.

Trong ngày kỷ niệm 15 năm giải thưởng Kova, bà Hòe bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều tiền hơn để làm từ thiện. Bà cho biết giải thưởng này sẽ tiến tới không giới hạn số lượng. Tức một em sinh viên đúng tiêu chuẩn sẽ được nhận học bổng, và có thể nhận 4 năm liền nếu hoàn cảnh gia đình không thay đổi.

Bà Hòe cũng tự hào vì sau nghiên cứu sơn nano làm từ vỏ trấu, nhiều nước đã ngỏ lời muốn hợp tác với Kova.

“Nhưng tôi lo vấn đề sức khỏe, không biết liệu có kham nổi không, trước mắt là làm sao lo cho cái giải thưởng này tồn tại mãi mãi… Có em sinh viên đã về đi bán phở, làm phu hồ, đến khi nhận giải thưởng Kova đã được học lại, nay em làm trưởng phòng của một công ty chứng khoán…”, bà Hòe kể lại.

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

SHARE