Giá vàng đang chịu rất nhiều áp lực giảm giá và đang có xu hướng quay đầu về mốc 1.200 USD/Ounce. Liệu có một kịch bản trong trung và dài hạn, giá vàng giảm sốc, xuống còn 1.000 USD/Ounce?
Những phiên giao dịch gần đây, thị trường quốc tế chứng kiến sự biến động rất khó lường của giá vàng. Có những thời điểm, tưởng chừng giá vàng đã có sự bứt tốc, khởi sắc khi bật tăng khi thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, tăng gần 3 USD/Ounce so với giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 4/8), giao dịch ở mức 1.216,27 USD/Ounce.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch, khi tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư bao trùm các thị trường lớn, giao dịch sôi động, cộng với việc các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giúp đồng USD lấy lại đà tăng giá đã khiến giá vàng tăng mạnh.
Trong khi đó, theo Báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong nửa đầu năm đã giảm ở mức thấp nhất trong 9 năm trở lại đây, giảm 4%. WGC cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu giảm xuống còn 964,3 tấn, giảm từ 1.008 tấn tiêu thụ trong quý II năm 2017. Trong nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.959 tấn, giảm 6% so với nửa đầu năm ngoái.
Một yếu tố nữa cũng được giới phân tích đánh giá là ép giá vàng quay đầu giảm trong những phiên giao dịch gần đây chính là những lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng được đẩy lùi sau những tuyên bố của giới chức Hoa Kỳ. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD chỉ tương đương với 50 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, không bằng 1% kinh tế Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy, những trụ đỡ của giá vàng gần như không còn và việc vàng giảm giá là điều dễ hiểu. Trong xu hướng đó, câu hỏi liệu có một kịch bản trong trung và dài hạn, giá vàng giảm sốc, xuống còn 1.100 USD/Ounce như nhận định của ông John Kosar, Giám đốc chiến lược thị trường tại Asbury Research đã được đặt ra.
Từ nhiều năm nay, vàng luôn được xem là nơi trú ẩn của các dòng vốn đầu tư. Khi các thị trường chứng khoán, dầu thô… có biến động, họ sẽ tìm cách đưa dòng vốn vào vàng. Nhưng như đã đề cập ở trên, các thị trường chứng khoán, dầu thô… lại đang có xu hướng phục hồi theo những diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ và chính sách của Tổng thống Mỹ Donal Trump với Iran.
Theo ghi nhận, trong phiên giao dịch ngày 6/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một giao dịch đầy sôi động, các chỉ số chuẩn phố Wall hiện đã sát mức kỉ lục ghi nhận hồi tháng 1. Cụ thể:
Chỉ số S&P 500 tăng 10,05 điểm tương đương 0,4% lên 2.850,40 điểm. Cổ phiếu của 9/11 nhóm ngành tăng điểm, trong đó chỉ số công nghệ tiến 0,6% và chỉ số tài chính cộng 0,4%.
Chỉ số Nasdaq tăng 47,66 điểm tương đương 0,6% lên 7.859,68 điểm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 39,60 điểm tương đương 0,2% lên 25.502,18 điểm.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, lùi 0,37 điểm xuống 11,27 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2018.
Đối với mặt hàng dầu thô, sau những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donal Trump, giá dầu thô đã bắt đầu tăng nhẹ và được dự báo sẽ tiến lên mức 90 USD/thùng trong thời gian tới.
Với tất cả những yếu tố trên, khi mà nhu cầu vàng đang giảm mạnh, trong khi các thị trường khác khởi sắc, bệ đỡ của giá vàng không còn thì việc giá vàng tiếp tục lùi sâu xuống mức dưới 1.200 USD/Ounce là hoàn toàn có khả năng. Mà theo như ông John Kosar, Giám đốc chiến lược thị trường tại Asbury Research, giá vàng có thể thử nghiệm mức thấp nhất năm 2015 tại 1.100/Ounce và thậm chí có thể giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 USD/Ounce trong trung và dài hạ.
Thế Giới Tinh Tế