Phượng không biết mặt cha, mẹ qua đời năm cô bạn học lớp 8. Suốt 21 năm, Phượng lớn lên trong tình yêu thương và đùm bọc của bà. Khi Phượng lên Hà Nội học ĐH, bà dặn: “Gắng học nha cháu, ra trường có việc ổn định đỡ khổ”.
_”Hôm nay trong lúc nghỉ ngơi sau khi làm vườn, em đã quay clip hai bà cháu và bỗng rất muốn khoe nụ cười của bà với mọi người. Đây là người phụ nữ tuyệt vời nhất của em. Mọi người chúc phúc cho bà em được không ạ?” Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1996, quê Bắc Ninh) đã nhờ dân mạng gửi đến bà ngoại món quà giản dị như thế, mừng ngày bà tròn 75 tuổi.
Từ lúc lọt lòng, Phượng không biết mặt cha. Tiếng gọi mẹ cũng sớm tắt trên môi cô vì những cơn động kinh đã cướp mất người phụ nữ Phượng yêu thương nhất đời. 21 năm qua, cô bạn lớn lên trong sự bao bọc và tình thương vô bờ bến của bà ngoại. Phượng nỗ lực là con ngoan, trò giỏi để đền đáp công lao nuôi nấng của bà. Hiện tại, cô bạn đang là sinh viên năm 3 lớp chất lượng cao trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Phượng và bà ngoại, năm nay đã 75 tuổi.
Chắt chiu đừng đồng, nuôi gà đóng học phí cho cháu
Khi nghĩ về tuổi già, ai cũng muốn được an nhàn, hưởng phúc từ cháu con. Bà Nguyễn Thị Mơ (bà ngoại của Phượng) lại không may mắn có được hậu vận may mắn đó. Ở tuổi 75, bà vẫn lao động nuôi mình và đứa cháu gái đang tuổi ăn, tuổi học.
Trồng trọt ở mảnh vườn nhỏ sau nhà, nuôi gà, có khi bán cả ruộng… là những cách giúp bà Mơ kiếm ra tiền để gửi lên thành phố đóng học phí cho cháu. Mỗi năm 9 đến 10 triệu đồng.
Ngày Phượng học cấp 3, ngoài thời gian đến lớp, cô bạn còn làm ruộng cùng bà để có tiền sinh sống qua ngày. Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Ngọc Xá, bà cháu Phượng chia nhau từng bát cơm đạm bạc chỉ có đưa cà, nhưng lúc nào ngôi nhà cũng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Họ an lòng vì có nhau.
Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn làm lụm để dành tiền đóng học phí cho cháu.
Hoàn cảnh khó khăn, Phượng được nhà trường miễn học phí. 12 năm đến trường, Phượng là học sinh giỏi toàn diện. Từ lớp 3 đến lớp 9, năm nào cô bạn cũng tham gia thi HSG các môn Văn, Anh, Toán, Lý, Hóa, Sinh. Nhờ đạt giải các kỳ thi cấp Huyện, cấp Tỉnh nên cô bạn còn được cấp học bổng hàng năm.
Gánh nặng kinh tế chỉ mới thực sự đè nặng lên đôi vai của hai bà cháu trong những năm gần đây khi Phượng lên Hà Nội, theo học lớp chất lượng cao.
“Khi quyết định vào lớp này mình cũng đã cân nhắc rất nhiều. Nhà trường giảm cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như mình 1 tháng 550.000 đồng tiền học phí, nhưng phải rất lâu mới nhận được. Vào lớp chất lượng cao khá khó, mình phải có điểm tiếng Anh khá cao. Nhiều lần mình muốn xin ra khỏi lớp nhưng họ hàng cẳn ngăn vì muốn tương lai có thêm nhiều cơ hội”, Phượng chia sẻ.
Bà vất vả bao nhiêu cũng được, chỉ mong cháu sớm thành tài.
Học cách yêu thương từ những hy sinh của bà
Phòng trọ của Phượng cách trường ĐH Công nghiệp một cây số. Cô bạn làm thêm nguyên tuần mới đủ tiền trang trải sinh hoạt phí ở thủ đô. 9X “chạy sô” đến 3 chỗ dạy gia sư trong tuần. Cô được trả từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng cho hai giờ dạy liên tục.
Khó khăn như vậy nhưng Phượng vẫn để dành tiền để mua cho bà một chiếc điện thoại Nokia “đập đá” 1280.
Bà đã già, dùng điện thoại cũng không linh hoạt như người trẻ nhưng vẫn cố gắng gọi lên Hà Nội hỏi thăm cháu mỗi khi thấy nhớ. Nhưng mỗi khi Phượng chủ động cho bà, bà chẳng nhấc máy bao giờ. (Vì không biết nhấc máy như thế nào).
Bà học ít chữ, dân quê chân chất nên chẳng biết dặn dò cháu những điều lớn lao. Với bà, câu nói: “Gắng học nha cháu, ra trường có việc ổn định đỡ khổ”, đã hàm chứa rất nhiều ý nghĩa yêu thương và kỳ vọng.
“Gắng học nha cháu, ra trường có việc ổn định đỡ khổ”, lời dặn của người bà khiến chúng ta cay mắt.
Nhiều người ở quê khuyên Phượng làm thêm ít thôi, lo học đi, làm nhiều không có sức học. Biết vậy nhưng cô bạn không dám lơ là việc kiếm tiền vì chẳng muốn khiến bà nhọc nhằn thêm.
“Lắm lúc, miếng bánh mình còn không dám ăn vì nghĩ đến bà kiếm tiền vất vả ở quê. Bà mình chẳng bao giờ mua sắm hay ăn món gì ngon một mình. Khi mình mua đồ ăn ngon cho bà, bà mới dám ăn. Nhưng mình muốn gì bà cũng lo cho bằng được”, giọng Phượng nghèn nghẹn.
Hoàn cảnh riêng còn nhiều thiếu thốn nhưng điều đó không làm thay đổi đức tính lương thiện và tấm lòng nhân ái của Phượng. Cô bạn luôn nỗ lực chia sớt những gánh nặng cuộc sống, thiệt thòi của người vô gia cư và trẻ em mồ côi, trong khả năng cho phép.
Cô gái nhỏ mang tình bà nhân rộng yêu thương.
Tháng 9 năm ngoái, Phượng lập một nhóm thiện nguyện. Mỗi tháng ít nhất 1 lần, cô và các bạn góp tiền nấu ăn cho người vô gia cư kêu gọi cộng đồng tặng tiền, quần áo sách vở cho những em bé mồ côi. Phượng mong, nếu ai đó trong cuộc đời này không có một người bà tuyệt vời như mình, thì vẫn sẽ hạnh phúc vì được xã hội quan tâm.