Tràn lan thi bằng lái xe “chống trượt”: Bạn đọc lo ngại “xe điên”

Các học viên đóng phí “chống trượt” trong một kỳ thi sát hạch Bằng lái xe mà PV Báo Lao Động trực tiếp tham dự.

Loạt bài viết của báo Lao Động điện tử Vén màn bí mật kỳ thi “chống trượt” bằng lái xe ở Hà Nội thu hút đông đảo độc giả tham gia góp ý.

“Chống trượt” – xưa như trái đất

Bạn đọc Bảo Nghĩa ngán ngẩm: “Chuyện này đã xưa như trái đất rồi. Cách đây 20 chục năm tôi cũng đi thi lấy bằng xe máy tại một trung tâm ở Hà nội. Ai cũng đỗ dù đều lơ mơ về luật”.

Nhiều bạn đọc tiết lộ, bản thân cũng từng nghe qua đủ các loại gói “chống trượt” mà các trung tâm chào hàng. Mỗi trung tâm lại đưa ra một mức giá cạnh tranh khác nhau.

Độc giả Vương Mu cho biết: “Tôi cũng từng tham gia thi bằng lái ôtô và được quảng cáo nhiệt tình với gói chống trượt lý thuyết 2 triệu, sa hình 1 triệu và đường trường 200 nghìn”.

Bạn đọc Gia Hương phản ánh: “Không chỉ chống trượt lý thuyết, chống trượt cả lái xe trong hình và đường trường. Ngày thi còn có những khoản thu vô lý. Ví dụ như lấy số báo danh thi chứng chỉ nộp 100 nghìn. Lấy số báo danh thi chính thức cũng nộp 100 nghìn. Những khoản này không có trong quy định, cũng không có biên lai giấy tờ”.

Nhiều độc giả bật mí những câu chuyện “cười ra nước mắt” – hệ quả dịch vụ thi bằng lái xe ôtô, xe máy với gói “chống trượt”.

Bạn đọc Lê Tuấn bình luận: “Em trai tôi học hành không đến nơi đến chốn nhưng vẫn có bằng lái xe. Đến lúc mua xe ôtô tự lái về nhà mà đến kỹ năng cơ bản như lùi xe cũng không biết, chỉ biết đi đường thẳng. Cậu về nhà hết 1 tiếng trong khi quãng đường đúng ra chỉ mất 15 phút”.

Lo ngại xe điên

Trước thực trạng các trung tâm đào tạo lái xe bát nháo như hiện nay, bạn đọc Lê Thu Nga lo ngại: “Nhiều cơ sở đào tạo lái xe hiện nay chất lượng kém. Học viên học lái xe xong có bằng mà không lái được xe, hoặc đâm liên hoàn vì nhầm chân ga với chân phanh. Đặc biệt là phụ nữ. Theo tôi, cần hạn chế cấp phép và giám sát liên tục chất lượng đào tạo của các cơ sở này”.

Độc giả Trần Hùng ngao ngán: “Học thế này thì mới nhiều vụ xe điên xảy ra. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân chính làm cho tai nạn giao thông tăng nhanh khủng khiếp”.

Cùng chung quan điểm đó, bạn đọc Nguyễn Hoài Bảo nhận xét: “Tôi đang học lái ôtô tại Nhật. cách họ dạy, hướng dẫn rất kỹ, đến cả tâm lí học viên. Ở Việt Nam vẫn nặng tâm lý vì tấm bằng”.

Trước thực trạng trên, độc giả Tuyết Lão Trai kiến nghị: “Đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các trung tâm này theo các quy định của pháp luật. Hành vi này có khác gì giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông?”.

SHARE