Cách iOS 13 giúp tìm thấy điện thoại của bạn ngay cả khi nó đã bị gỡ SIM, tắt Wi-Fi

Một trong những tính năng hay nhất của iOS 13 đó là Find My Phone có thể chạy ngay cả khi điện thoại của bạn đã bị trộm gỡ SIM (không có Wi-Fi, không có mạng di động). Nó hoạt động bằng cách mượn tạm những thiết bị Apple xung quanh tên trộm, ví dụ như iPhone hay MacBook của những người đi đường, của những người ngồi trong quán cà phê, trong tiệm cầm đồ… để định vị máy thất lạc và gửi vị trí về cho bạn. Ngoài iOS 13 thì macOS 10.15 mới cũng hỗ trợ tính năng này.

Find My sẽ dùng Bluetooth để phát tín hiệu

Giải thích kĩ hơn về chức năng này, Apple nói rằng điện thoại sẽ dùng tín hiệu Bluetooth để giao tiếp với các món đồ Apple khác. Nếu bạn chưa biết thì các thiết bị không dây dùng Wi-Fi hay Bluetooth đều có một chế độ gọi là “advertising”, nó sẽ “quảng cáo” cho thiết bị xung quanh biết về sự hiện diện của mình cũng như để dò kết nối nên việc các máy khác có thể phát hiện thấy chiếc iPhone bị mất là khả thi. Apple làm được điều này vì số lượng người dùng iPhone lớn nên dễ bắt được tín hiệu advertising, chứ nếu lượng người dùng quá ít thì cũng không có tác dụng.

Và do sử dụng Bluetooth để dò tìm nên nếu iPhone bị tắt thì (chắc là) tính năng Find My không thể hoạt động được. Chưa thấy Apple nói về trường hợp này.

Vì sao cách hoạt động của Find My an toàn?

Quay trở lại với cách hoạt động của Find My, dữ liệu từ máy của bạn sẽ được chuyển tiếp sang một máy trung gian của người khác, vậy có an toàn không?

Apple nói rằng dữ liệu gửi đi hoàn toàn nặc danh và được mã hóa từ đầu đến cuối. Điều thú vị là bạn cần phải sở hữu 2 máy Apple trở lên mới dùng được chế độ mới của Find My do máy còn lại của bạn sẽ là nơi chứa chìa khóa (private key) để giải mã các gói tin (ngoài ra còn có một chìa khác gọi là public key cũng được tạo ra). Private key của bạn sẽ được chia sẻ giữa các thiết bị do bạn sở hữu một cách an toàn để lỡ mất máy này thì máy kia vẫn còn.

Giả sử có ai đó dùng iPhone của họ để đọc trộm các gói tin nhằm dò vị trí của bạn thì họ cũng không thể biết được bạn là ai, máy của bạn là máy nào trong số hàng triệu chiếc iPhone đang hoạt động trên toàn cầu vì họ không có private key. Các công ty quảng cáo cũng không thể biết được vị trí bạn đã từng ghé qua nhờ phương thức mã hóa này.

Cụ thể quy trình hoạt động của tính năng Find My trên iOS 13 sẽ như sau

Chìa khóa public cũng liên tục thay đổi và nó sẽ khác nhau theo từng thiết bị để hạn chế việc bị đánh cắp mã khóa, Apple không nói rõ bao lâu thì đổi và cách họ lưu key như thế nào để đảm bảo an toàn. Thậm chí ngay cả Apple cũng không đọc được vị trí địa lý của chiếc máy bị mất vì họ cũng không có private key để giải mã, chỉ một mình bạn được xem thông tin này mà thôi. Phía Apple chỉ dùng public key của bạn để xác định đâu là gói tin thuộc về bạn rồi chuyển tiếp dữ liệu đó cho thiết bị còn lại để bạn xem.

Nói tóm lại: chỉ có thiết bị của bạn mới giải mã được dữ liệu từ chiếc máy bị thất lạc, vậy nên bạn cần phải có 2 máy Apple trở lên.

Apple khẳng định thêm rằng các gói tin này rất nhỏ nên nó không ảnh hưởng đến cước dữ liệu di động hay thời lượng pin của những người xung quanh, hay của chính thiết bị bạn đang bị mất.

Cơ chế mã hóa theo public – private key

Nguồn: Wired​

Theo tinhte.vn

SHARE