Theo thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, học sinh cần tìm hiểu ngành nghề, tham khảo ý kiến trước khi đăng ký vào đại học, cao đẳng.
Thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa chia sẻ bức thư của học trò gửi cho mình, nêu những khó khăn của chàng trai trẻ trên con đường lựa chọn đam mê lẽ sống.
Nam sinh viết: “Em đã nhận ra rằng không làm cái mình thích, đến lúc khó khăn sẽ nghĩ đến từ bỏ thay vì cố gắng vượt qua. Em không thấy công việc thú vị. Mỗi ngày, mình phải gắng gượng trong mệt mỏi, buổi tối đến chẳng còn tâm sức phát triển bản thân nữa, chỉ muốn ngủ thôi”.
Chàng trai tâm sự không hứng thú với việc mình làm, mỗi sáng thức dậy chỉ mong hôm nay là chủ nhật, đến cơ quan chỉ muốn sắp tới 17h. Không tìm thấy niềm vui, đó là tồn tại chứ không còn là sống nữa.
Thầy Đào Tuấn Đạt cho biết không chỉ có cậu học sinh trên mà nhiều bạn trẻ khác đang loay hoay trước cánh cửa cuộc đời, khi kỳ thi THPT quốc gia đến gần. Để các em có sự lựa chọn đúng đắn, thầy Đạt nêu ra 5 bước nên làm trước khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Nội dung trên được nhiều học sinh yêu thích trên mạng xã hội.
Thứ nhất, học sinh nên tìm hiểu ngành nghề bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Công việc là gì, yêu cầu về thời gian, yêu cầu về trách nhiệm, khả năng thăng tiến, môi trường làm việc, nhu cầu xã hội, tiền lương. Những thông tin trên được tìm hiểu từ những người xung quanh, cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và website các trường.
Thứ hai, học sinh hãy lập danh sách nghề nghiệp yêu thích theo thứ tự ưu tiên.
Thứ ba, các em lập danh sách các trường có ngành đào tạo yêu thích.
Thứ tư, thí sinh cần tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường như: Có sơ tuyển không, tổ hợp môn xét tuyển, chỉ tiêu, điểm chuẩn các năm trước, học phí, có được chuyển sang ngành khác hay học song song các ngành.
Thứ năm, học sinh chốt danh sách nguyện vọng, lập danh sách nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, các bạn nên lấy ý kiến tham khảo của những người đi trước và chốt.
Thầy Đạt nhấn mạnh mỗi học sinh nên lắng nghe xem lòng mình thật sự thích làm nghề gì. Bởi, mình làm việc yêu thích mới có thể thành công.
“Cứ làm việc mình thích đi, đến lúc nào đó tiền sẽ tự đến. Nếu bắt đầu chọn việc chỉ vì lương cao, bạn sẽ thất bại”, thầy Đạt khuyên.
Lý giải về điều này, thầy Đạt chia sẻ chọn nghề là lựa chọn cá nhân, mỗi người sẽ có lý do riêng. Các bạn hãy chọn vì sở thích thực sự và đam mê của chính mình. Chỉ bạn mới biết bản thân thực sự muốn gì và cần gì cho cuộc sống của mình nên hãy làm theo điều đó. Không được làm việc mình yêu thích chẳng những khó thành công, mà còn đánh mất cuộc sống.
Tuy nhiên, không ít học sinh vẫn loay hoay không biết đâu là đam mê của mình. Nam giáo viên nêu quan điểm: “Không phải kẻ lười biếng thì trước sau bạn sẽ tìm thấy đam mê, còn việc dừng lại hay tiếp tục đó là lựa chọn riêng của mỗi người”.
Mỗi học sinh đừng chọn một trường bất kỳ chỉ vì thi cho bằng bạn bè, bởi bạn đang sống cuộc sống của mình, chứ không phải của người khác.
Trên thực tế, ngoài đam mê còn rất nhiều thứ khi chọn nghề như: Điều kiện gia đình, mong muốn của bố mẹ, cơ hội xin việc sau khi ra trường, nhu cầu xã hội… Tuy nhiên, với thầy hiệu trưởng này, đam mê nên ở vị trí số một, thậm chí là duy nhất. Nếu điều kiện chưa cho phép, học sinh có thể tạm dừng đam mê hay đi con đường dài hơn.
Tuy nhiên, chỉ khi có đam mê, bạn mới tìm được ý nghĩa trong công việc và cuộc sống. Đam mê một việc gì đó, dành việc đó nhiều hơn cho lợi ích của cộng đồng, chắc chắn thành tựu sẽ đến. Khi thành công, tiền bạc (nếu bạn muốn) sẽ đến sau như một lẽ đương nhiên.
Trích bức thư của học sinh gửi thầy Đào Tuấn Đạt
Em cũng như bao người bạn đồng trang lứa khác, vẫn đang trong quá trình tìm kiếm bản thân và công việc của cuộc đời. Chính vì thế, ba năm qua, em xoay vần liên tục mà chưa có gì vững chãi cho tương lai.
Mong muốn ổn định của bố mẹ về một công việc chính thức, mong muốn thành công để rồi vội vàng, em mất tự tin. Có đôi lúc, để áp chế nỗi sợ hãi, em cuốn vào những nguồn vui giải khuây, sau rồi trở về ngồi đơn độc trong căn phòng nhỏ.
Em nhận ra rằng không làm cái mình thích, đến lúc khó khăn sẽ nghĩ đến từ bỏ thay vì cố gắng vượt qua. Em không thấy công việc thú vị, mỗi ngày phải gắng gượng trong mệt mỏi, buổi tối đến chẳng còn tâm sức phát triển bản thân nữa, chỉ muốn ngủ thôi.
Em không hứng thú với việc mình làm, mỗi sáng thức dậy em sẽ mong đó là chủ nhật, và khi đến cơ quan sẽ chỉ muốn sắp tới 17h. Không tìm thấy niềm vui, đó là tồn tại chứ không còn là sống nữa.
(Nguồn: Zing)