Săn hàng hiệu giá rẻ ở ‘chợ điếc’ vùng biên

Tại biên giới Việt – Campuchia có một khu bán đồ cũ là nơi tập trung nhiều mặt hàng “dạt”, thậm chí là hàng hiệu và được mua bán theo kiểu khá lạ.

Men theo con đường mòn chỉ toàn sỏi đá, hai bên là ruộng lúa xanh mướt, anh Thành (Xã Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, An Giang) cho biết hiện tại là mùa khô nên có thể đến Gò Tà Mâu bằng đường bộ. Riêng khoảng tháng 7 âm lịch mà muốn băng sang đồng, người dân phải đi bằng đò.

Cũng theo anh Thành, điều đặc biệt ở khu “chợ Gò” này là nơi tập trung đồ cũ, hàng hiệu, các món cổ vật từ nhiều nước đổ về. Nhiều người chơi đồ cổ thường mang tâm lý chờ mong đến với chợ, chỉ để săn được những món đồ hiệu với giá rẻ. Tuy nhiên, khách không được thử hàng. Đó cũng là lý do mà cái chợ này mang tên chợ “câm”, chợ “điếc”.

Không bảo hành, không thử, không đổi trả!

Khu “chợ Gò” Tà Mâu nằm cách đồn biên phòng Tà Mâu (Xã Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, An Giang) khoảng 800 m thuộc địa phận nước Campuchia.

Gần 30 ngôi nhà sàn cao nằm san sát nhau xuất hiện thấp thoáng phía bên kia biên giới. Bên trong những ngôi nhà này bày bán nhiều mặt hàng, từ đồ gia dụng, điện máy, xe và nhu yếu phẩm.

quần áo, đồ cũ, bán hàng, khách hàng

Con đường mòn dẫn vào Gò Tà Mâu. 

Phía dưới một ngôi nhà sàn cao khoảng 3 m bày la liệt các mặt hàng điện máy như tivi, thùng loa, máy lạnh… đến chén đĩa, món cổ vật bắt mắt. Khi được hỏi về “chợ Gò”, chủ cửa hàng cho hay trước đây chợ được biết đến với việc bán mua mặt hàng duy nhất là xe đạp “si”. Về sau này, hàng hoá tại chợ mới đa dạng hơn.

Khác với những khu chợ thông thường, tại “chợ Gò”, người bán không thiết tha với khách, không tiếng rao hàng, không lời kì kèo mặc cả. Khách nào đến hỏi thì người bán thuận miệng trả lời vài câu xong lại cắm cúi vào chiếc điện thoại.

Chị T. (xã Vĩnh Ngươn) cho biết chị gắn bó với việc kinh doanh đồ điện tử, đồ gia dụng gần 10 năm tại biên giới chủ yếu vì nghề tổ tông để lại. Theo chân gia đình bán từ bé đến lớn nên chị coi khu này như nguồn mưu sinh của cả nhà.

Chị T. ngồi nghỉ trong một chiếc chòi lá tạm bợ, xung quanh chất đống những món đồ điện đa dạng, thậm chí có cả điện thoại, sạc pin, máy ảnh cũ… trong khi 2-3 nhân viên viên có nhiệm vụ đọc giá cho khách. Chị chia sẻ nhà chị ở phía bên kia biên giới, chỉ tầm 1 km nên chị dựng chòi bán hàng là đủ.

Vì bán “second-hand” nên giá các món hàng tại sạp chị cũng khá rẻ. Các loại máy móc, đồ điện đổ đống chỉ có giá từ vài trăm nghìn đồng đổ lại. Dù vậy, để đa dạng mặt hàng, chị cũng nhập về một số nhu yếu phẩm cơ bản để đáp ứng cho người Việt sát biên giới. Các mặt hàng này được chị “mạnh miệng” quảng cáo là hàng Thái gốc.

“Dĩ nhiên vào đây mua phải chịu rủi ro, nhưng đa phần chỗ này đều là hàng tuyển nên khách cứ yên tâm”, chị T. nói.

quần áo, đồ cũ, bán hàng, khách hàng

Những tài xế xe ôm luôn tất bật chở hàng cho khách.

Cũng theo chị, nguồn gốc hàng hóa tại đây chủ yếu là hàng Thái, Nhật, Mỹ, Trung Quốc. Khách đến đây thường là những người biết chọn hàng. Ngoài ra, “quy tắc ngầm” ở đây là hàng không bảo hành, không được thử đối với đồ điện, không được đổi trả.

Ngoài đồ điện lặt vặt, tại cửa hàng chị T. còn bán những mặt hàng đắt đỏ hơn. Giá của mỗi chiếc máy lạnh khoảng 2-3 triệu đồng, máy giặt 1-2 triệu đồng, tivi màn hình phẳng có giá trên 4 triệu đồng. Tất cả đều có vỏ ngoài hơi cũ, tuy nhiên chị T. quảng cáo rằng chỉ cần đổi vỏ, giá của đồ điện ở đây cũng tăng lên khoảng… 1 triệu đồng cho mỗi món.

Theo lời người bán, chợ thường đông vào những ngày cuối tuần. Khách đổ về chợ cũng là người tứ xứ, đặc biệt “mối ruột” của chị T. là các đầu nậu săn hàng độc để bán tại TP.HCM. Chị T. cho biết thường có khi họ nhập hàng đến cả tấn để bán lại, nhất là điện máy hay linh kiện cũ.

“Mỗi ngày, tôi tiếp tầm chục người, có người còn lặn lội từ TP.HCM về săn hàng. Nhất là đầu nậu kiếm hàng. Thường thì mua cũ, tân trang lại chút rồi chuyền tay bán lại. Lời lỗ thì cũng dao động trên cả triệu”, chị T. chia sẻ.

Nghề “đãi vàng” từ hàng second-hand!

Nhanh chóng làm quen với một đầu nậu “săn” đồng hồ cũ, chúng tôi biết được không ít thông tin thú vị về kinh nghiệm săn hàng tốt mà giá rẻ tại khu chợ này.

“Tại đây, đa số khách mua là những người biết xem hàng hoặc theo chân đầu nậu để kiếm hàng ngon. Không ai tay ngang mà dám bỏ số tiền lớn mua hàng vì rất dễ mua phải hàng rởm, hàng hỏng”, anh Thành (xã Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc) – một trong những người săn hàng giỏi khu chợ – cho hay.

Do nhà gần đó nên thường xuyên anh lui tới khu “chợ Gò” này. Ban đầu, cũng phải trầy trật lắm anh mới dám mua hàng ở chợ. Theo chân các đầu nậu khác, để mua hàng mấy lần, anh tự rút kinh nghiệm rồi tự tuyển. Đợt hàng đầu tiên, anh lỗ cả gần mấy triệu vì lựa phải đồ hỏng, hàng giả. Sau mấy năm thì mới “lên tay”.

“Nhiều hàng hóa ở đây là hàng tốt, nhưng do cũ, mất linh kiện, số khác bị quăng ném nên hỏng mạch. Kiểm tra bên ngoài chưa đủ mà còn phải có chiêu để nhận biết”, anh Thành nói.

quần áo, đồ cũ, bán hàng, khách hàng

Khách đến chợ đông nhất vào ngày lễ, hoặc cuối tuần.

Không bao lô nhiều mặt hàng, anh chỉ tuyển riêng một loại đó là đồng hồ cũ, từ Tây đến “ta”, từ Trung Quốc đến Thái Lan. Hàng cũ mà “ngon” nhất, theo anh Thành, chỉ có hàng Nhật Bản. Đồng hồ Nhật khi lùng được thì bán khá được giá, chưa kể là bán gần giá với hàng hiệu nếu biết cách “mồi chài”.

“Hàng cũ, hàng hơi cũ hay hàng nát thì ở chợ này cũng chỉ dao động 30.000-50.000 đồng. Muốn lựa hàng đẹp phải tinh mắt, phải nắm kỹ chi tiết đồng hồ của mấy thương hiệu ngoại như Seiko, Orient, Rolex… Thật sự để mua được hàng này thì hiếm nhưng cũng phải biết. Hàng dù cũ mấy mà của các hãng này thì cũng phải vớt liền. Mua 1 mà bán lời được 100 lần”, anh Thành khẳng định.

Theo anh, những thương hiệu có tiếng của Nhật, khi mua về anh chỉ cần tân trang sơ, thay mặt kính, thay pin, lau bóng thì đem ra chợ đồ si đã bán được gấp nhiều lần. Nếu tinh mắt thì chỉ với một chiếc đồng hồ cũ nát bán ra cũng đã lời cả triệu. Dù vậy không phải khi nào đầu nậu cũng có thể gặp may như thế.

Chỉ tay vào một bãi đồng hồ cũ chất đống trên một chiếc bạt rách, người nhìn còn hoa mắt chóng mặt chứ chưa kể người bán. Vậy mà anh Thành vẫn căng mắt cắm cúi lật những chiếc đồng hồ, chà mạnh vào tay áo để xem chất liệu. Anh chia sẻ nghề này phải chịu khó, mua ẩu về chỉ có nước đổ đống vì bán hàng cũ rất “hên xui”. Chưa kể, người mua phải khéo miệng để mua được hàng giá tốt.

“Ngoài lanh lợi soi hàng, mấy người mua phải vào đây tập trả giá để có những món hàng tốt nhất với giá rẻ. Chứ bình thường đối với khách lạ, người bán tại đây nói thách lắm”, anh Thành cho hay.

Anh Thành cũng nói thêm vì chỉ buôn đồng hồ nên không tốn nhiều phí vận chuyển. Riêng các đầu nậu bán hàng điện máy hoặc xe đạp, xe máy,… có kích thước lớn mà muốn mang về Việt Nam phải trả thêm chi phí vận chuyện cho xe ôm. Thường thì với giá từ 100.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng/lần chuyển. Xe ôm sẽ đưa hàng qua biên giới hoặc tận nơi khách yêu cầu.

“Mua đồ cồng kềnh mang qua sẽ bị bắt lại tịch thu hết đồ, nhưng bỏ thêm ít tiền cho xe ôm, chỉ 5 phút sau đồ sẽ về tới Châu Đốc. Nghề của cánh xem ôm rồi, mình thì chỉ tốn ít chi phí mà lại đỡ bị thu hàng”, anh Thành nói thêm.

Anh cũng khẳng định đầu nậu mua hàng nào thì có “chiêu” với hàng đó, từ việc lựa cho đến trả giá. Ai nhanh nhẹn thì mua được hàng ngoại với giá rẻ, dễ giàu. Nhiều đầu nậu thu mua giờ còn có cả đường dây đi săn hàng mỗi ngày. Chỉ việc thuê nhiều người ngồi kiểm hàng để kiếm hàng ngon. Do đó, Gò bây giờ, để mua được hàng đẹp, khó hơn xưa.

Khi được hỏi nếu bị bắt hàng thì như thế nào, anh Thành cũng chia sẻ thẳng coi như mất trắng. Lấy hàng thì cũng cần “mối quan hệ” chứ người Việt mua hàng tại Gò mà bị thu thì ít ai lấy lại được.

Theo Zing

SHARE