“Sếp” doanh nghiệp Việt nào có mức lương cao nhất hiện nay?

Hiện tại, CEO của Hãng hàng không Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là người sở hữu mức lương “khủng” nhất, lên tới gần 2.7 tỷ đồng mỗi năm.

Theo thông tin thu thập từ những doanh nghiệp ở cả khối tư nhân và nhà nước, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air hiện đang nhận mức lương hàng năm lên tới 2.66 tỷ đồng. Trong ban lãnh đạo của Vietjet Air, mức lương của bà Thảo hiện đang là cao nhất, hơn hẳn mức lương 1.27 tỉ/năm của Chủ tịch Hội đồng Quản trị – bà Nguyễn Thanh Hà. Những vị Phó Giám Đốc còn lại của Vietjet Air thì vừa nhận mức lương vào khoảng 1.4 – 1.7 tỷ đồng cho năm 2016.

Về phía khối doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo của Vinamilk là có mức lương cao nhất. Trong đó, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị – đang nhận mức lương lên tới 3.44 tỷ đồng trong năm 2016. Các thành viên khác trong ban lãnh đạo của Vinamilk cũng nhận về mức lương rất cao, khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi người. Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám Đốc của Vinamilk thì lại chỉ nhận mức lương là 761 triệu đồng.

Ngoài Vinamilk, một doanh nghiệp đồ uống khác là Sabeco cũng có ban lãnh đạo được nhận mức lương cực kì cao. Tổng quỹ lương mà 4 thành viên ban quản trị nhận được trong năm 2016 lên tới 6.99 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2015.

Dự kiến, Sabeco sẽ nâng lượng thành viên quản trị lên 6 người trong năm 2017, kéo theo quỹ lương tăng lên 1.86 tỷ, hơn gấp đôi trước đó. Nếu tính thu nhập bình quân, mức lương mà mỗi người trong ban lãnh đạo Sabeco nhận được hàng năm sẽ lên tới 2.3 tỷ đồng/năm, vượt xa mức 1.45 tỷ đồng của năm 2016.

Ở khối ngân hàng, mức thù lao dành cho các nhà quản trị còn cao hơn nữa. Tại ngân hàng ACB, mức thù lao dự kiến trong năm 2017 cho Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát sẽ lên tới lần lượt 8.5 và 3.9 tỷ đồng. Với năm 2016, con số cho HĐQT là 7.1 tỉ đồng, tương đương mức trung bình 710 triệu đồng mỗi thành viên, còn BKS thì trung bình là 867 triệu đồng.

Ngược lại với những tin vui trên, “sếp” của một số doanh nghiệp nhỏ khác chỉ được hưởng mức lương ngang ngửa cán bộ nhà nước, ví dụ như Chủ tịch Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với thù lao 5 triệu/tháng. Các thành viên trong HĐQT và BKS của công ty này thậm chí còn có mức lương thấp hơn, vào khoảng 2 – 3/5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo dự kiến, mức lương tháng của ban quản trị công ty Bình Điền sẽ tăng lên từ 6 đến 8 triệu đồng cho mỗi thành viên trong năm 2017.

(Nguồn: Techz)

SHARE