Cú chạm tay vào lịch sử của U20 Việt Nam khiến NHM ngây ngất, hân hoan. Nhưng sau đó là cả một con đường dài phía trước, để lịch sử sẽ hướng tới tương lai, chứ không phải nằm đó…
U20 Việt Nam chạm tay vào lịch sử
Một điểm trước U20 New Zealand, điều đó khiến những người hâm mộ Việt Nam nức lòng. Lần đầu tiên tham dự VCK World Cup U20, mang chiếc áo của nền bóng đá nhỏ, đã nhận được những lời góp ý thẳng thắn từ chính HLV trưởng U20 Argentina, chúng ta ý thức được mình dễ ngộp thở thế nào khi so kè với những đồng nghiệp gốc Âu.
Nhưng U20 Việt Nam đã không thua như những người hoài nghi dự báo. Họ đi vào lịch sử với tư cách đội bóng ĐNA đầu tiên có được 1 điểm ở VCK World Cup U20.
Nhưng đó chỉ là cú chạm tay vào lịch sử mà thôi. Sau lịch sử là gì? Thời gian vẫn trôi, xã hội vẫn vận động, chạm tay vào để biết nó là gì chứ không phải chạm tay vào có nghĩa là ta cầm nắm, và sở hữu nó. Sau lịch sử là hiện tại, và tương lai, nơi chúng ta phải biết tạo nên một bước ngoặt lịch sử.
Bước ngoặt lịch sử ấy không thể chỉ dồn lên vai các học trò của Hoàng Anh Tuấn, kể cả khi họ chơi xuất thần, có được một ấn tượng kiểu “ngựa ô” ở VCK này. Bước ngoặt lịch sử ấy phải dồn lên vai những người hữu trách, trong đó có cả những người như bạn, như tôi, chứ không phải những người hữu trách trong một giới hạn gói gọn nào đó ở cấp liên đoàn.
Dù đã chơi rất tốt, thể hiện được những gì tinh túy của con người Việt Nam là khéo léo, nhanh nhạy nhưng thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn không thể thắng U20 New Zealand.
New Zealand mạnh hơn Việt Nam, kể cả hôm thứ Hai vừa rồi cú đệm bóng cận thành của Hoàng Đức nếu có thành bàn đi nữa thì New Zealand vẫn mạnh hơn Việt Nam. Đó là một khẳng định chắc chắn. Mà trên thế giới, những đội mạnh hơn New Zealand còn nhiều lắm.
Vậy nên, sau trận hòa mà chính HLV Hoàng Anh Tuấn còn phải nói rằng “lẽ ra phải thắng” với New Zealand, chúng ta nhận ra được nhiều điều, không mới nhưng tiếc rằng bao nhiêu năm nay rồi, dù đã được chỉ ra tận căn nguyên, nó vẫn sừng sững đấy, như cũ.
Nhưng sau đó là gì?
Sức rướn của cầu thủ Việt Nam thua kém rõ rệt so với đối thủ. Sức mạnh của cầu thủ Việt Nam cũng thua kém rõ rệt đối thủ.
Hai yếu tố căn bản ấy khiến chúng ta dù có bài hay đến mấy cũng khó có cửa trước những đối thủ nhanh, mạnh, bền hơn mình, kể cả là trong một ngày đối thủ ấy không có được phong độ tốt nhất. Đó là một thực tế không thể bị phủ nhận, không thể bị lấp liếm đi bằng những niềm vui tạm thời.
Thực tế không thể lấp liếm là chúng ta cũng suýt thua đội bạn.
Bóng đá hiện đại đòi hỏi tính linh hoạt vị trí rất cao, đòi hỏi khả năng di chuyển cơ động để tạo ưu thế quân số ở các điểm nóng rất cao, đòi hỏi khả năng chuyển đổi cực nhanh giữa trạng thái phòng ngự sang tấn công và ngược lại ở cường độ rất lớn. Tất cả những đòi hỏi ấy đều cần dựa trên nhiều nền tảng, mà cơ bản nhất là nền tảng thể lực con người.
U20 New Zealand thực ra đá đơn điệu và họ không sắc bén như U20 Argentina nhưng cũng đã có những pha bóng bổng khiến Việt Nam lúng túng. Đừng vội nghĩ chơi bóng bổng cần thể hình tốt đơn thuần. Chơi bóng bổng tốt cần thể lực rất tốt, cần sức mạnh.
Bật vọt tốt dựa trên sức mạnh chứ không phải dựa trên chiều cao. Bởi thế, có những cầu thủ dù chỉ 1m70 nhưng khi bật cao đánh đầu, họ vẫn chiếm ưu thế hơn so với đối thủ cao hơn mình đến 10cm. Cầu thủ của U20 Việt Nam sức bật không tốt cũng là do thiếu sức mạnh, chứ không phải chỉ do thể hình đơn thuần.
U20 Việt Nam thua kém U20 New Zealand ở thể hình và sức mạnh.
Chúng ta sẽ đá với Pháp vào thứ Năm và ba ngày sau đó, đá trận quan trọng nhất trong việc đua tranh vé vào vòng sau với Honduras. Hai ngày nghỉ ngắn ngủi giữa các trận chính là câu trả lời rõ nhất cho chuyện thể lực của cầu thủ. Khả năng hồi phục thế nào? Sức bền ra sao? Sức mạnh tới đâu? Tất cả thể hiện trên sân cỏ hết.
Tất cả những cái yếu đó không phải do các cầu thủ của chúng ta, càng không phải do ban huấn luyện hay khâu chuẩn bị. Nó là cái yếu của hệ thống.
U20 đã cố gắng tuyệt vời rồi. Họ cống hiến cũng hết mình, như thể đang chơi bằng 120% khả năng của mình. Không có gì để chê trách thầy trò Hoàng Anh Tuấn cả. Thậm chí, chúng ta phải ngợi khen họ, đã mở ra, bóc tách ra cái vấn đề tồn đọng mấy chục năm nay rồi.
“Chứng kiến U20 Việt Nam chạy không biết mệt trước New Zealand lại nhớ đến những bữa ăn ngon miệng, đầy đủ thành phần chất lượng với thực phẩm hảo hạng trên đất Đức. Sự thật là ai cũng ăn rất nhiều nhưng buông bát đĩa là thấy nhẹ như không, cảm giác có thể chạy ngay được. Ăn ngủ tốt lại được hít thở không khí trong lành, thật là những ngày đáng nhớ cùng U20 Việt Nam!” – BLV Quang Huy (Ảnh: FBNV).
Dinh dưỡng cho người Việt là câu chuyện cần phải được cải thiện để bóng đá nói riêng và thể thao nói chung có khả năng cạnh tranh thành tích quốc tế. Chế độ ăn uống quá chú trọng vào tinh bột theo truyền thống không phải là một chế độ ăn uống tốt để phát triển thể chất.
Điều chỉnh lại thói quen ăn uống đó, để tạo ra những thế hệ lành mạnh cho dòng giống, là việc của từng gia đình, của các ngành hữu trách như y tế, giáo dục… chứ không chỉ riêng ngành thể thao mà thôi.
Cộng đồng như nước, vận động viên thể thao chuyên nghiệp như con thuyền. Muốn thuyền lên, nước phải lên. Nhưng thay đổi thói quen dinh dưỡng của cộng đồng lại là việc không dễ, nhất là khi chúng ta rất hay vin vào cái cớ “nghèo, có miếng ăn là mừng rồi, còn đòi hỏi ăn uống khoa học cái gì”. Vâng, khó nhưng nếu càng không làm, sẽ càng ngày càng khó.
Còn trước mắt, chúng ta phải cảm ơn các anh em U20 Việt Nam. Họ cho chúng ta biết cảm xúc chạm tay vào lịch sử là như thế nào. Họ cho chúng ta biết niềm tin và hi vọng có giá trị ra sao.
Họ cho chúng ta biết sự nhẫn nại luyện rèn mang lại thành tựu gì. Và họ cũng cho chúng ta hiểu, những gièm pha đố kỵ đầy rẫy trên mạng xã hội, truyền thông đều là vô nghĩa hết, nếu ta biết tập trung vào một mục tiêu, trọn vẹn và hết mình.
Vậy thì hãy bắt đầu làm nên lịch sử, bằng cách cải thiện lại chế độ dinh dưỡng của từng thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.
Theo soha