Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết

Nhiều người không biết phân biệt thế nào là sốt/sốt virus/sốt xuất huyết nên tự ý điều trị, để lại biến chứng nặng nề.

Hiện nay dịch sốt xuất huyết, sốt virus đang vào mùa. Trao đổi với phóng viên, ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều người không biết phân biệt thế nào là sốt/sốt virus/sốt xuất huyết nên tự ý điều trị, để lại biến chứng nặng nề.

Sốt

Sốt là khi có sự tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời do phản ứng lại với bệnh. Nhiệt độ cơ thể không bằng nhau ở các thời điểm trong ngày, thường là cao hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhiệt độ vượt quá 37.5 oC là bị sốt.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết - 1

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Sốt cũng thường xảy ra khi cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm khuẩn như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, vi khuẩn viêm họng, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật.

Những yếu tố ngoại lai như môi trường (cảm  nắng, cảm lạnh, thuốc hoặc hóa chất, nhiễm trùng (vi khuẩn, virus) cũng có thể gây sốt.

Sốt virus

Sốt virus do nhiều căn nguyên virus gây ra. Sốt virus rất đa dạng vì có tới hàng ngàn loại virus khác nhau.

Chẳng hạn: Virus gây sốt xuất huyết (dengue) là 1 loại virus lây truyền qua muỗi vằn đốt. Sau khi bị muỗi đốt truyền virus thường 4-7 ngày, người bệnh sẽ bị sốt dengue

Virus dengue có 4 type: DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Nếu một người bị nhiễm lần đầu với 1 type nào đó, thường bệnh sẽ diễn biến khá nhẹ: Người bệnh sốt, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi vài ngày rồi tự hết. Nhưng nếu họ bị nhiễm các lần sau bởi bất kỳ type nào còn lại thì cơ thể sẽ phản ứng mãnh liệt hơn và gây bệnh sốt xuất huyết.

 

Dấu hiệu trẻ bị sốt virus:

Thường là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, đi kèm 1 số dấu hiệu khác như:

Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; ở trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, đau đầu; tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được. Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2 – 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn). Kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dỉ mắt,… khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

Một số trẻ nhỏ bị sốt cao còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.

Dấu hiệu sốt virus ở người lớn

Mệt mỏi: Đây là một trong những triệu chứng đặc hiệu nhất của sốt virus ở người lớn.

Đau người: Do mệt mỏi và tăng thân nhiệt, những người bị sốt vi-rút bắt đầu bị đau người, đặc biệt là đau các cơ.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết - 3

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện.

Sốt: Đây là một trong những triệu chứng nổi bật nhất của sốt virus ở người lớn. Khi nhiệt độ tăng cao là tình trạng nhiễm trùng nặng. Có khả năng sốt lên tới 40oC.

Ho và chảy nước mũi: Vì nhiễm trùng gây ra cảm giác run lạnh, bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi.

Nghẹt mũi: Đây là tình trạng đi kèm sau ho và sổ mũi, gây khó thở.

Nhức đầu: Đây là ảnh hưởng đến sau sốt và đau cơ thể.

Phát ban da: Vì sốt virus gây ra bởi virus, tình trạng phát ban da sẽ khá phổ biến.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt cao, thường trong 3 ngày đầu. BN sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng. Các dấu hiệu này cũng giống như biểu hiện khi nhiễm nhiều loại virus khác nên chỉ có thể phân biệt nhờ xét nghiệm.

Giai đoạn diễn biến nặng, thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân lui sốt dần nhưng lại có thể xuất hiện các biến chứng nặng:

Biến chứng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch khỏi mạch máu, làm máu trong lòng mạch cô đặc lại. Nếu không được bù dịch kíp thời sẽ làm  thiếu thể tích trong lòng mạch, gây tụt huyết áp và sốc. Những trường hợp sốc nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài giờ.

Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu. Nếu nặng có thể gây các chảy máu bất thường như Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng hay băng kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.

Ngoài hai biến chứng thường gặp trên, người bệnh có thể có các biến chứng hiếm gặp hơn như: Viêm não, viêm cơ tim, hạ bach cầu máu và giảm miễn dịch gây bội nhiễm vi khuẩn , vv…

Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn thoát dịch 24-48h: BN hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyề dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.

Như vậy, với sốt xuất huyết, trong giai đoạn sốt cao, chỉ có thể phân biệt với các sốt virus khác nhờ xét nghiệm sớm. Còn sang các giai đoạn sau thì phân biệt nhờ xét nghiệm và diễn biến bệnh.

Điều đáng lưu ý là với sốt virus thông thường, khi lui sốt là bệnh đã lui. Còn với sốt xuất huyết thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng này để xử trí kịp thời.

Người bệnh cũng cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay:

Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục

–        Mệt lả

–        Nôn, buồn nôn nhiều

–        Vật vã hoặc li bì

–        Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

–        Tiểu ít

–        Có các chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen…

 

Theo 24h

SHARE