Không có cầu bắt qua sông, người dân Hậu Giang dùng ròng rọc để kéo sợi dây kẽm đưa hàng từ tiệm tạp hóa sang bờ bên kia.
Kênh Thống Nhất ở xã Phụng Hiệp của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) dài 3 km nhưng có đến 6 “cáp bán hàng” để giúp người dân lưu thông hàng hóa. Chủ tiệm tạp hóa Lê Thị Kim Nghĩa (58 tuổi) ở ấp Sậy Niếu B, cho biết hai năm trước bà thấy hàng xóm làm cáp treo bán hàng để thay thế chuyện bơi xuồng qua sông mất thời gian, nên gia đình làm theo.
Chủ tiệm tạp hóa quay bánh xe để dây di chuyển đưa hàng qua bên kia sông. Ảnh: Tuấn Anh. |
“Cáp treo của tôi làm dây loại nhỏ, kéo bằng tay nên mỗi lần cho hàng vượt kênh chỉ có 0,5 kg. Kênh này có hai cầu bêtông ở đầu và cuối, đoạn giữa cầu khỉ khó đi nên trẻ em chọn cách mua bánh kẹo bằng cáp treo rất tiện lợi”, bà Nghĩa chia sẻ.
Mở tiệm tạp hóa lớn hơn bà Nghĩa, ông Ngô Văn Tấn (56 tuổi ở ấp Thắng Mỹ) đầu tư dây kẽm loại lớn và dựng trụ bê tông kiên cố ở hai bên bờ kênh. Nhờ vậy, cáp treo của ông Tấn cho vượt kênh được 15 kg, nên bia, nước đá ông bán rất đắt hàng.
“Căng dây bán hàng như thế này phù hợp với điều kiện kênh rạch ít ghe tàu. Trước khi có cáp treo, mỗi lần bà con bên kia kênh muốn mua đồ, tôi phải bơi xuồng qua lại rất mất thời gian. Khổ nhất là “phục vụ” mấy đứa trẻ, mỗi lần mua cây kem chỉ 1.000 đồng nhưng mình phải bơi xuồng qua lại.
Từ khi làm cáp treo, việc mua bán rất thuận lợi”, ông Tấn nói.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt hàng của 6 tiệm tạp hóa vượt kênh Thống Nhất ở Hậu Giang như thế này. Ảnh: Tuấn Anh. |
Theo lão nông này, cách làm cáp treo là dựng trụ bê tông hai bên bờ kênh rồi cột một sợi dây vào hai trụ để chịu lực. Ông mắc 4 cái ròng rọc vào hai trụ bê tông. Trong đó, 2 ròng rọc mắc vào trụ bên này kênh nơi có tiệm tạp hóa, 1 ròng rọc mắc vào sọt tải hàng hóa, để khi kéo thì đưa chiếc sọt sang kênh. Ròng rọc còn lại thì chịu lực tại trụ bê tông bên kia sông.
“Tôi luồng 2 dây kéo vào 3 cái ròng rọc và rãnh của bánh xe gắn máy. Còn dây chịu lực thì luồng vào ròng rọc mắc với sọt đựng hàng. Thế là khi dùng tay quay bánh xe thì hệ thống dây kéo và các ròng rọc chuyển động, đưa sọt chứa hàng hóa từ bờ có tiệm tạp hóa sang bờ kênh bên kia và ngược lại, chỉ trong 1 phút”, chủ tiệm tạp hóa chia sẻ.
Cũng là người dân sống ven kênh Thống Nhất, ông Danh Tươi (62 tuổi) cho biết từ khi có cáp treo, con gái ông bán bún riêu, hủ tíếu, bánh lọt rất đắt khách.
Hệ thống ròng rọc được một chủ tiệm tạp hóa gắn vào cây xanh hai bên bờ kênh. Ảnh: Tuấn Anh. |
“Ai muốn ăn chỉ cần đứng bên kia sông gọi một tiếng, tô bún riêu sau đó sẽ đưa vào sọt chuyển qua kênh.
Để không mất thời gian, người mua đưa tờ tiền ra và tôi thấy cần thối lại bao nhiêu thì để vào sọt chứa tô bún luôn”, ông Danh Tươi chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng nhờ hệ thống dây căng qua sông để bán hàng mà người dân ở xã Phụng Hiệp – Hậu Giang bán được nhiều hàng hóa vào ban đêm.
Trước đây, mỗi khi đói bụng vào ban đêm hay trẻ con đòi ăn kẹo, bánh thì nông dân ngại chèo xuồng đi mua. Khi có cáp treo thì họ chỉ cần chạy xe đến nơi đối diện tiệm tạp hóa và gọi thì hàng hóa vượt kênh ngay sau đó.
“Nhà tôi đối diện tiệm tạp hóa, mỗi lần muốn mua cái gì chỉ cần đứng một chỗ kêu, rồi bỏ tiền vào sọt lát sau là có hàng. Nếu không có cáp treo thì phải đi vòng 500 m để qua kênh mới mua được một món hàng.
Ở nông thôn nhiều khi mấy đứa nhỏ mua cái kẹo cũng phải vòng đi như vậy thì mất thời gian lắm”, bà Nguyễn Yến Ngọc ở ấp Mỹ Lợi B nói.
Theo zing