Những lái xe ôm truyền thống vì thất thế phải mặc áo GrabBike để bắt khách, ngay cả lái xe Grab “xịn” cũng bắt khách ngoài ứng dụng vì muốn kiếm thêm thu nhập sau khi hãng này tăng mức chiết khấu.
Tài xế xe ôm truyền thống mặc áo GrabBike để dễ bắt khách
Ở quanh bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát (Hà Nội) luôn có rất đông lái xe moto mặc áo, đội mũ GrabBike. Màu xanh từ thương hiệu này đôi khi còn choáng ngợp hết các lối ra vào bến xe.
Bến xe rất đông tài xế Grab nhưng không phải, ai cũng là “Grab xịn”. Nhiều người trong số họ là lái xe ôm truyền thống, xe ôm thân thiện hoặc những người từng chạy Grab nhưng vì vi phạm quy định mà bị khóa tài khoản… Họ sử dụng đồng phục của hãng để kiếm thêm chút thu nhập.
Nhiều người mặc áo GrabBike nhưng lại vẫy khách trực tiếp.
Cánh tài xế này đứng tụ tập thành đám đông hoặc rải rác quanh bến xe, chỉ cần nhìn thấy khách đi từ xa đã ra sức vẫy gọi, mời chào bằng các mức giá hấp dẫn do chính họ tự định ra.
Nhiều người đi từ bến xe ra, có người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội, trong điện thoại không cài ứng dụng Grab nhưng vì đã nghe nhiều điều tốt và tiện lợi về loại dịch vụ này nên tin tưởng chọn đi xe của những người mặc áo xanh thay vì xe ôm thân thiện hoặc xe ôm truyền thống.
Bên trong lớp áo vàng là áo xanh Grab, “biến hình” chỉ trong chớp mắt.
Ông Thanh (lái xe ôm truyền thống ở bến xe Mỹ Đình) bức xúc khi bị một tài xế “Grab đểu” giành mất khách hàng, ông tâm sự: “Nếu tài xế đó chạy Grab thật, khách cài ứng dụng và gọi ngẫu nhiên thì tôi không nói làm gì, đằng này rõ ràng cô khách ấy gặp tôi trước, trả giá xong rồi lại bị một tài xế mặc áo Grab ra mời chào rồi lên xe đi mất”.
Theo lời ông Thanh, tình trạng này diễn ra khá nhiều. Thậm chí, đội quân xe ôm thân thiện quanh bến xe Mỹ Đình cũng tranh thủ mặc áo Grab, chạy vài cuốc giờ cao điểm rồi khi vãn khách, lại mặc áo vàng của xe ôm thân thiện, đón khách như bình thường.
“Tôi biết đầy người mặc áo Grab mà có phải Grab đâu toàn mấy người xe ôm truyền thống hoặc những người lao động tự do muốn mượn danh Grab để tranh thủ kiếm tiền ở bến xe”.
“Mua áo mũ Grab thì dễ lắm, chỉ cần vài chục hoặc trăm nghìn là xong nhưng tôi không thích như vậy”, anh Minh (một lái xe ôm truyền thống khác) cho biết. Theo anh, nhiều lái xe “Grab đểu” chỉ sắm một chiếc áo, một chiếc mũ Grab cho chính mình, còn khách phải đội mũ khác chứ không có đủ 2 mũ như “Grab xịn”.
“Nếu để ý sẽ thấy “Grab đểu” chỉ có một mũ, một áo mặc ngày này qua ngày khác và lúc nào cũng hoạt động ở bến xe chứ không đi các nơi bắt khách ngẫu nhiên trên hệ thống như “Grab thật””, anh Minh chia sẻ.
Khi “GrabBike xịn” cũng tắt ứng dụng để vẫy khách trực tiếp
Theo tìm hiểu, ngoài những người giả mạo Grab thì có rất nhiều lái xe là “Grab xịn” nhưng vẫn tranh thủ bắt khách ngoài hệ thống.
“Tại khách đi từ bến xe ra, có việc bận nên họ không tiện mở ứng dụng lên. Họ có nhu cầu đi thì mình chở luôn thôi, giá cả cũng vẫn ưu đãi hơn xe ôm truyền thống”, anh Nam (một lái xe GrabBike tại BX Mỹ Đình) tâm sự.
Mật độ lái xe Grab quanh bến xe Mỹ Đình luôn dày đặc.
Được biết, hãng Grab có quy định nếu tài xế tự ý bắt khách ngoài có thể bị kỉ luật khóa hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn bỏ qua quy định này.
“Grab cũng đâu bắt mình làm việc cả ngày. Khi nào không làm Grab nữa chỉ cần tắt ứng dụng đi, mình lại là xe ôm truyền thống có sao đâu”, anh Nam nói thêm.
Theo nhiều lái xe Grab, quy định gia nhập “đội quân áo xanh” chỉ cần một CMND, một bằng lái xe và phương tiện di chuyển là họ đã đủ điều kiện làm việc cho Grab. Thời gian làm việc tự do và không bị ai quản thúc cũng là cơ hội tốt để họ tranh thủ làm ngoài. Bên cạnh đó, mức kỉ luật cao nhất chỉ là khóa tạm thời tài khoản hoặc bị xóa tên vĩnh viễn không đủ ràng buộc họ vì không chạy Grab, họ vẫn có thể mặc áo xanh, giả danh nhân viên của hãng để “cá kiếm” hoặc bần cùng lắm, sẽ quay về làm xe ôm truyền thống như trước đây đã từng.
Ông Chiến (lái xe GrabBike) tâm sự, trước đây ông là một lái xe “chuẩn chỉ” của hãng, làm việc full-time 24/7. “Tuy nhiên, mới đây hãng tăng chiết khấu, cắt hết trợ cấp nên giờ cao điểm mà cũng chạy Grab thì lỗ vốn. Tôi đành phải kiếm khách ngoài để chạy thêm”.
Theo lời ông Chiến, trước đây ông vốn là xe ôm truyền thống, làm việc ở BX Mỹ Đình đã hơn 20 năm. Từ khi Grab thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, ông chuyển sang làm việc cho hãng. Tuy nhiên, giờ đây tài xế Grab quá đông, việc bắt khách khó khăn. Hơn nữa hãng lại vừa tăng chiết khấu nên lúc thì ông “sắm vai” lái xe Grab, lúc lại trở về làm xe ôm truyền thống.
“Lúc nào bắt khách ngoài mình lại cởi áo Grab ra, tắt ứng dụng đi. Hết giờ cao điểm, rảnh rỗi lại mặc áo Grab vào, mở ứng dụng lên làm việc bình thường”, ông Chiến thanh minh. Dù nói như vậy nhưng suốt cả buổi sáng, ông Chiến vẫn mặc chiếc áo xanh và đội mũ của hãng GrabBike.
Ở BX Mỹ Đình, rất nhiều người cũng giống như ông Chiến.
Cánh lái xe ôm thân thiện, xe ôm truyền thống cũng gia nhập Grab cho vui, tranh thủ làm việc lúc rảnh rỗi. Vãn khách rồi, họ lại bật ứng dụng lên với hy vọng ứng dụng Grab sẽ “mai mối” cho họ vài cuốc chạy xe ôm. Qua giờ tan tầm, đường thông, hè thoáng nên mức giá rẻ, với họ vẫn còn có thể tạm chấp nhận được.
Điều đó giúp trang trải tốt hơn cuộc sống khó khăn của cánh lái xe trong thời buổi cạnh tranh, quá đông tài xế Grab cùng làm việc. Thế nhưng, nó lại đang dần khiến hình ảnh Grab trở nên lộn xộn, người tiêu dùng thì lạc trong ma trận không biết đâu là thật, đâu là giả.
Grab nói gì về việc lẫn lộn tài xế “xịn”, “đểu”
Trước tình trạng trên, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, đối với những tài xế là đối tác của GrabBike nhưng vẫn bắt khách ngoài ứng dụng là vi phạm Bộ quy tắc ứng xử nên hãng có hình thức xử lý phù hợp đúng theo quy định công ty trong trường hợp xác định được đối tác vi phạm.
“Để giúp khách hàng tránh gặp phải những tài xế mạo danh Grab, chúng tôi thường xuyên truyền thông đến khách hàng những lưu ý khi di chuyển với ứng dụng”, bà An cho biết. Cụ thể đó là các lưu ý như:
– Không nên bắt xe trực tiếp ngoài đường, thay vào đó, khách hàng có thể đặt GrabCar, GrabBike hay GrabTaxi, bởi ứng dụng Grab luôn cung cấp thông tin chi tiết về tài xế (hình ảnh, tên, số điện thoại).
– Nên kiểm tra kỹ biển số xe và hình ảnh nhận diện của tài xế trước khi lên xe, việc này giúp khách hàng không lên nhầm xe và tránh gặp phải những sự cố không mong muốn.
Nhiều lái xe chỉ mặc áo Grab nhưng mũ bảo hiểm lại chẳng hề liên quan. Bật ứng dụng lên, họ là lái xe Grab, tắt ứng dụng đi, họ trở thành xe ôm truyền thống.
– Chỉ di chuyển khi kiểm tra đúng thông tin của đối tác thể hiện trên ứng dụng và có đầy đủ đồng phục: nón, áo, áo mưa (trong trường hợp trời mưa).
– Trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn trong chuyến đi, khách hàng có thể liên lạc tổng đài 24/7 của Grab để lập tức được kết nối đến đường dây nóng 113.
“Ngoài ra, Grab còn có bảo hiểm tai nạn cho tài xế và hành khách trong chuyến đi với mức bảo hiểm tối đa lên đến 100 triệu đồng/người. Trong trường hợp di chuyển ngoài ứng dụng và xảy ra sự cố, Grab sẽ không thể theo dõi và hỗ trợ được”, bà An nói thêm.
Trả lời về ý kiến cho rằng việc mua mũ áo Grab hiện nay là điều quá dễ dàng, bà An cho biết, khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grab, người đăng ký cần hoàn thiện các thủ tục như lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương, có đầy đủ các giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, CMND), giấy tờ sở hữu xe và bằng lái xe đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người đăng ký cũng phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức như quy định lái xe an toàn, quy tắc ứng xử… Sau khi hoàn tất các thủ tục bắt buộc và các chương trình tập huấn của Grab, người đăng ký mới chính thức được trở thành đối tác tài xế Grab để đưa đón hành khách.
Áo, mũ Grab được rao bán tràn lan.
“Chúng tôi chỉ cung cấp đồng phục Grab cho các đối tác đủ điều kiện đăng ký tham gia hoạt động trong hệ thống. Các đối tác khi ngưng hợp tác với Grab đều được yêu cầu làm thủ tục thanh lý và hoàn trả đồng phục. Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức, cơ sở sản xuất quần áo mang thương hiệu của Grab. Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan để xử lý tình trạng này”.
Liên quan đến phản ánh của nhiều tài xế, cho rằng với mức chiết khấu cao như hiện tại, họ không đủ bảo đảm cuộc sống nên phải bắt khách ngoài, bà An khẳng định: “Chúng tôi cho rằng việc “chạy Grab giá rẻ, không đảm bảo cuộc sống” là không thoả đáng. Chúng tôi hiểu rằng quan tâm lớn nhất của các đối tác tài xế là thu nhập, do đó chúng tôi có những chương trình hỗ trợ, tặng thưởng thường xuyên, đồng thời đảm bảo lượng khách hàng hiện có cũng như khách hàng mới để mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn định…”.
Bà An chia sẻ, nhóm đối tác GrabBike có nhu nhập hơn 100 triệu/năm đang tăng trưởng rất mạnh. Vì thế, nói rằng Grab không chăm lo đến tài xế là một nhận xét không thỏa đáng.
Nguồn: Kênh14