Thói quen đụng chuyện gì cũng lấy chai dầu ra bôi có thể khiến bạn chuốc lấy nhiều rắc rối.
Mới đây, trang Facebook cá nhân của một bác sĩ đã đăng hình ảnh một em bé 14 tháng tuổi bị phỏng đỏ cả vùng bụng và nhiều vết rộp vì bị mẹ bôi dầu khuynh diệp để trị chứng trướng bụng. Status được nhiều người chia sẻ và bình luận, bởi dầu gió là thứ hầu như gia đình người Việt nào cũng có. Nhưng ít ai nghĩ nó có thể đem lại hậu quả đến vậy.
Đủ kiểu tai nạn vặt
Kể về ca bệnh, BS Trần Vĩnh Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết cháu bé bị phỏng độ 1 khi người mẹ bế đến phòng khám nhà ông nhờ kiểm tra. Rất may sau 2 ngày điều trị, các vết rộp đã lành khá tốt, vùng đỏ da cũng biến mất. BS Khanh cho biết nguyên nhân chính là do lượng dầu bôi cho bé quá nhiều, trong khi làn da trẻ em lại rất mong manh. Thay vì lấy dầu ra tay mình rồi mới bôi cho con, người mẹ đã sơ ý, dùng chai dầu chấm trực tiếp nhiều lần lên bụng bé rồi mới xoa đều.
Cách bôi dầu hợp lý nhất là lấy dầu ra ngón tay rồi mới bôi lên vùng cần bôi
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), nói ông từng gặp một số bé bị bỏng da, đỏ da tương tự vì bôi dầu quá nhiều. Một số trường hợp trẻ chơi đùa bị trẹo chân, bong gân lẽ ra cần chườm lạnh thì lại bị bôi dầu nóng. Bôi dầu xong tưởng êm chuyện; không cố định khiến chỗ bong gân khó lành…
Hơn hết, dầu không phải thứ có thể trị mọi bệnh trên đời. Những trường hợp trẻ đau bụng quá, té ngã đau hay vết côn trùng cắn bị sưng nhiều…, trẻ cần được đưa đến bác sĩ để có thuốc phù hợp. Nếu cứ để ở nhà và chỉ bôi dầu thì sẽ nguy hiểm.
Dùng đúng nơi, đúng lúc mới hiệu quả
Lương y Đinh Công Bảy phân tích dầu gió là một loại dược phẩm được bào chế từ những nguyên liệu thiên nhiên như khuynh diệp, bạc hà, quế, hồi, tràm… tùy vào chủng loại. Công dụng chính của các loài dầu gió là làm ấm người, giảm đau, giảm nhức đầu, sổ mũi, trị côn trùng cắn… Đa phần các loại dầu gió chỉ phù hợp với trẻ 2 tuổi trở lên và có dùng cũng không được bôi lên diện rộng, dưới 2 tuổi chỉ có thể dùng dầu tràm.
Khi dùng dầu, chỉ cần dùng một lượng vừa đủ. Ví dụ, trẻ bị đau bụng thì chỉ cần bôi một chút ở rốn (huyệt thần khuyết) và đường dọc bụng từ dưới xương ức tới dưới rốn. Người lớn thì có thể xoa tròn trên bụng, vùng quanh rốn nhưng cũng không nên xoa quá nhiều. Bụng đau quá thì phải đi khám, uống thuốc chứ không nên nghĩ xoa dầu nhiều hơn sẽ đỡ. Nhức đầu thì bôi hai bên huyệt thái dương. Sổ mũi, nghẹt mũi thì bôi một ít dưới mũi vừa đủ để hít được hơi dầu nhẹ…
Một số người bôi dầu cả lên những vết thương có chảy máu vì cho rằng dầu có thể sát trùng, điều này không đúng. Dầu gió tuyệt đối không được bôi lên vết thương hở và các vùng niêm mạc. Chỉ riêng vết côn trùng cắn là có thể sử dụng dầu khuynh diệp.
BS Trần Vĩnh Khanh lưu ý cách bôi dầu hợp lý nhất để tránh phỏng, dị ứng là hãy lấy dầu lên ngón tay. Sau đó mới dùng ngón tay bôi lên vùng cần điều trị, nhất là khi bôi cho trẻ em. Việc chấm dầu trực tiếp lên vùng cần bôi là không nên, có thể gây phản ứng với làn da trẻ em hoặc những người có da nhạy cảm.
Ngoài ra, dầu gió cũng là một sản phẩm có thể gây dị ứng đối với một số người. Nếu là lần đầu tiên dùng dầu gió hay khi dùng một loại dầu mới, hãy sử dụng một lượng thật nhỏ để thử phản ứng da trước đã.
Đừng bao giờ vứt hướng dẫn sử dụng
Theo các chuyên gia, cần hiểu dầu gió cũng là một loại thuốc, một hỗn hợp dược liệu có tác dụng trị một số vấn đề sức khỏe. Đã là thuốc thì khi sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn. Ví dụ, nhiều người tranh cãi việc nhỏ giọt dầu vào ly nước để uống có được không. Thực ra được hay không là tùy loại và điều đó luôn ghi rõ trên toa đi kèm. Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ nó dễ xài mà vứt đi tờ hướng dẫn sử dụng và hộp thuốc. Trên đó cũng có ghi chi tiết thành phần của lọ dầu. Sẽ hữu ích nếu bạn chẳng may bị dị ứng, phản ứng phụ và bác sĩ cần nắm rõ thứ bạn dùng để có hướng điều trị đúng. Ngoài ra, dầu gió cũng có nhiều loại. Bạn nên đọc kỹ cách dùng, liều lượng, thành phần của loại dầu mình mua trước khi sử dụng. |