Trung Quốc triển khai hàng trăm triệu camera nhận dạng khuôn mặt để chấm điểm tín dụng xã hội người dân và doanh nghiệp. Một số startup công nghệ hưởng lợi lớn từ chính sách này.
Theo South China Morning Post, số lượng máy quay trong hệ thống CCTV ở Trung Quốc đã lên đến khoảng 200 triệu. Con số này được dự đoán tăng lên 626 triệu vào năm 2020.
Nhận dạng khuôn mặt là công nghệ quan trọng để chính phủ Trung Quốc vận hành hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội. Hệ thống này sẽ được hoàn thiện vào năm 2020 và hiện đã sở hữu dữ liệu của hàng trăm triệu công dân Trung Quốc.
Nhờ đó, thị trường thiết bị giám sát video tại Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh. Hiện thị trường này có quy mô 10,6 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của hãng nghiên cứu IDC vào tháng 8.
Hệ thống giám sát của Trung Quốc có dữ liệu của hàng trăm triệu người. Ảnh: South China Morning Post.
Huy động được hàng tỷ USD
Một số startup công nghệ Trung Quốc hưởng lợi lớn từ làn sóng này. Đầu tiên phải kể đến Megvii. Đây là một trong bốn công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc – chuyên về nhận dạng khuôn mặt – được định giá trên 1 tỷ USD.
“Các công ty này hưởng lợn lớn từ việc Trung Quốc đặt quyết tâm trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI”, Wired dẫn lời chuyên gia công nghệ Rebecca Fannin, tác giả cuốn TechTitansofChina, nhận định.
Tính đến tháng 3 năm nay, Megvii đã huy động được hơn 1,3 tỷ USD tiền đầu tư, chủ yếu từ các quỹ đầu tư và công ty lớn tại Trung Quốc, bao gồm đại gia thương mại điện tử Alibaba. Một quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc cũng có cổ phần trong Megvii.
Đầu năm nay, CB Insights cho biết Megvii được định giá tới 4 tỷ USD. Theo Reuters, Megvii sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và có thể huy động được 500 triệu USD.
Trong khi đó, đối thủ của Megvii là SenseTime được định giá tới 4,5 tỷ USD và đang mở rộng hoạt động ở nước ngoài. SenseTime nhiều khả năng cũng sẽ sớm IPO.
Megvii được định giá khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: Biometric Update.
Nhu cầu sử dụng các hệ thống hình ảnh của Megvii và SenseTime đang bùng nổ tại Trung Quốc. Năm 2018, Megvii đạt doanh thu 1,4 tỷ NDT (200 triệu USD), cao gấp 4 lần năm 2017. Mảng “Vạn vật kết nối tại đô thị” (City IoT) của Megvii cung cấp các hệ thống giám sát an ninh.
Mảng này chiếm gần 3/4 doanh thu của công ty và có khách hàng ở hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc. City IoT của Megvii cũng cung cấp phần mềm phát hiện các hành vi vi phạm luật lệ giao thông trên video.
Bành trướng ra nước ngoài
Megvii được thành lập năm 2011 bởi Yin Qi và hai người bạn tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Kể từ đó đến nay, Megvii và các startup “kỳ lân” đối thủ như SenseTime, CloudWalk và Yitu đã giúp chính quyền Trung Quốc triển khai ồ ạt hệ thống giám sát bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt trên khắp cả nước.
Một trong những thành công bước đầu của Megvii đến hồi năm 2015, khi Ant Financial (công ty con của Alibaba) dùng công nghệ của Megvii để cung cấp dịch vụ Smile to Pay.
Hiện, Megvii cung cấp dịch vụ nhận dạng khuôn mặt cho các dự án giám sát của chính phủ Trung Quốc, cũng như cho các ngân hàng, nhà sản xuất smartphone như Oppo…
Nhận dạng khuôn mặt, an ninh dựa trên AI và giám sát là những dịch vụ cốt lõi của Megvii. Cáo bạch IPO của công ty này có nhắc đến việc cung cấp dịch vụ giám sát cho cảnh sát Trung Quốc.
Đã có nhiều người Trung Quốc lên tiếng phản ứng về tình trạng lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: Quartz.
Giới quan sát nhận định chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ không mua công nghệ của Megvii dù công ty này mở một phòng thí nghiệm ở ngoại ô Seattle. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ khiến cánh cửa vào thị trường Mỹ của Megvii bị khóa chặt.
Chuyên gia Fannin nhận định Megvii sẽ dễ kinh doanh hơn ở các khu vực khác tại châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Hiện công nghệ giám sát của Megviiđã có mặt tại Thái Lan.
Yitu cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát Malaysia, và CloudWalk có hợp đồng phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt cho Zimbabwe.
Theo South China Morning Post, thời gian qua đã có nhiều người Trung Quốc lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tràn lan.
Đầu tháng 11, một giáo sư luật ở miền đông Trung Quốc kiện Công viên Safari Hàng Châu vì vi phạm thỏa thuận sử dụng sau khi họ thay thế hệ thống kiểm soát vào cổng dựa trên dấu vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt.
Theo Zing