Cái kết bi thảm khi bố phạt con đứng ngoài trời lúc 3h sáng chỉ vì bé không uống hết sữa

Có những hình phạt con của không ít phụ huynh đã đẩy sự việc đi quá xa và dẫn đến tình huống không ngờ.

Bé gái mất tích vì bị phạt đứng ngoài trời lúc 3h sáng

Kỉ luật trẻ luôn là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh. Nỗi băn khoăn làm sao để phạt con, giúp con vào nề nếp mà không làm tổn thương trẻ và để lại hậu quả càng trở nên cấp bách hơn. Mới đây, vụ việc 1 bé gái đã mất tích chỉ sau 15 phút bị phạt đứng ngoài trời lúc 3 giờ sáng do bé không uống hết sữa đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các phụ huynh khi nuôi dạy con.

Bé Sherin Mathews đến từ Ấn Độ được hai vợ chồng anh Wesley Mathews, 37 tuổi ở bang Taxas, Mỹ  nhận nuôi. Sherin là cô bé chậm phát triển và kĩ năng ngôn ngữ bị hạn chế. Bố nuôi của bé cho biết bé cũng bị suy dinh dưỡng nên thường phải dậy ăn thêm sữa trong đêm để giúp tăng cân.

Đêm hôm xảy ra sự việc cũng như các đêm khác, bé Sherin dậy lúc 3 giờ sáng và uống sữa nhưng bé không chịu uống khiến người bố nuôi tức giận và phạt ra đứng ngoài gốc cây cạnh nhà. Nhưng chỉ sau 15 phút, người cha đã không thấy bé đâu nữa.

Cái kết bi thảm khi bố phạt con đứng ngoài trời lúc 3h sáng chỉ vì bé không uống hết sữa - Ảnh 1.

Bé gái 3 tuổi mất tích kì lạ sau khi bị bố nuôi phạt đứng gốc cây vì không chịu uống sữa lúc 3 giờ sáng.

Điều kì lạ là tuy phát hiện con gái mất tích chỉ sau 15 phút đứng phạt, nhưng mãi đến 8 giờ sáng hôm sau Mathews mới báo cảnh sát. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc bé gái mất tích có liên quan gì đến người cha nuôi hay không, việc phạt bé liệu có phải cái cớ cho sự mất tích của bé hay đơn thuần chỉ là sự trùng hợp.

Như vậy, sau vụ việc bé trai Yamato Tanooka, 7 tuổi người Nhật mất tích sau khi bị cha mẹ bỏ lại ở trong rừng để phạt vì con không chịu nghe lời, đây tiếp tục là bài học thức tỉnh các các mẹ khi nuôi dạy con.

Giới hạn nào cho việc phạt con mà không để lại hậu quả?Vẫn biết kỉ luật trẻ là 1 cách giúp bé đi vào nề nếp và có hành vi đúng đắn hơn, nhưng sau vụ việc đau lòng kể trên, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần nhìn lại biện pháp kỉ luật của mình để xem đã thực sự đúng đắn và phù hợp với trẻ hay chưa.

Bất cứ khi nào đưa ra phương án kỉ luật trẻ, cha mẹ cần suy nghĩ và cân nhắc tính đúng đắn của phương án đó. Liệu rằng con sẽ chăm ngoan hơn, biết vâng lời hơn, cư xử đúng mực hơn sau khi bị phạt?

Sau đây là 3 yếu tố then chốt cha mẹ cần lưu tâm mỗi khi áp dụng bất cứ hình thức kỉ luật nào với con:

Phần thưởng, lời khen luôn mang lại hiệu quả hơn là la mắng, đòn roi

Trong phương pháp kỉ luật trẻ, thay vì trừng phạt con mỗi khi con làm sai, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ làm việc tốt, thực hiện hành vi đúng để được khen thưởng. Làm cho con tin vào những điều tốt đẹp và hành vi đúng đắn sẽ luôn nhận được những phần thưởng xứng đáng. Có như vậy bé sẽ tự giác làm theo những gì cha mẹ nói và hạn chế hành vi xấu, tiêu cực. Đôi khi quát mắng và dùng uy quyền để làm trẻ sợ hãi cũng có tác dụng, nhưng nếu lạm dụng trong việc kỉ luật trẻ sẽ phản tác dụng và để lại hậu quả.

Cái kết bi thảm khi bố phạt con đứng ngoài trời lúc 3h sáng chỉ vì bé không uống hết sữa - Ảnh 2.

Cha mẹ tuyệt đối không nên đem trẻ ra để so sánh với các bé khác mỗi khi bé mắc lỗi (Ảnh minh họa).

Tuyệt đối không so sánh con

Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh và tiềm năng phát triển khác nhau. Cha mẹ tuyệt đối không nên đem trẻ ra để so sánh với các bé khác mỗi khi bé mắc lỗi. Cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến con mắc lỗi để giải thích cho con hiểu đồng thời khuyến khích con phát huy các kĩ năng thế mạnh để cạnh tranh lành mạnh, phát triển bản thân và đạt được mục tiêu.

Nói đi đôi với làm

Trẻ vốn rất thông minh và sẽ quan sát cuộc sống xung quanh để học theo. Cha mẹ là những người gần gũi và thân thiết nhất của trẻ. Nếu chính cha mẹ không làm đúng theo những gì đã dạy con thì việc con mắc lỗi là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, cách hạn chế hành vi tiêu cực của con chính là cha mẹ nghiêm túc thực hiện thói quen đúng đắn, hành vi tích cực để trẻ noi theo.

Mục tiêu cuối cùng của việc kỉ luật trẻ không phải là sự tuân thủ răm rắp, sự khép nép e sợ của con, mà chính là sự nhận biết hành vi và khả năng tự kiểm soát bản thân của trẻ. Nếu cha mẹ không thể lựa chọn phương pháp kỉ luật đúng đắn và phù hợp thì hậu quả sẽ khó tránh khỏi.

Theo Trí Thức Trẻ
SHARE