Sức khỏe răng miệng, mái tóc, việc sở hữu vòng eo thon thả hay “bánh mì”, chế độ ăn, ngủ đều có thể cho biết bạn có cơ thể khỏe mạnh đến đâu.
Hãy xem những đặc điểm dưới đây trên cơ thể bạn để biết mức độ khỏe mạnh của bản thân nhé. Một cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với các bộ phận cơ thể cũng khỏe mạnh.
1. Mái tóc dày, bóng mượt
Trong khi mái tóc mỏng, khô, sợi tóc dễ gãy có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó không ổn với cơ thể (như chứng kém hoạt động của tuyến giáp, stress hay hấp thụ dưỡng chất không đảm bảo), thì điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng: Mái tóc bóng đẹp là dấu hiệu của cơ thể khỏe mạnh. Theo tiến sĩ David H. Kingsle, chuyên gia về da đầu và tóc tại Tổ chức Khoa học Anh tại New York: “Tóc chính là khí áp kế của sức khỏe nói chung”.
Chuyên gia sức khỏe trong chương trình truyền hình Today, Joy Bauer, lý giải: “Mái tóc khỏe phụ thuộc vào khả năng cơ thể tạo ra thân tóc phù hợp cũng như sức khỏe của làn da và nang lông. Dinh dưỡng tốt đảm bảo môi trường tốt nhất cho việc sở hữu mái tóc óng mượt”. Được nuôi dưỡng bởi những thành tố then chốt trong chế độ ăn của bạn như protein, vitamin và chất béo có lợi cho sức khỏe, mái tóc đẹp phản ánh mức độ tích cực trong chuyện ăn uống cũng như khả năng hấp thụ tất cả dưỡng chất cần thiết từ đồ ăn của cơ thể.
2. Móng tay, móng chân khỏe
Một cánh cửa khác để nhìn vào sức khỏe toàn diện của bạn nằm ở những đầu ngón tay! Chuyên gia về da, Christine Poblete-Lopez, đến từ Cleveland Clinic, cho biết: “Biểu hiện của móng là một dấu hiệu rõ rệt về sức khỏe. Nhiều thứ có thể xảy ra với móng biểu hiện các vấn đề về da hay liên quan tới hệ thống”. Theo bác sĩ Poblete-Lopez, giống như việc stress có thể tác động tới mái tóc, móng cũng có thể là dấu hiệu nhận biết căng thẳng với cơ thể.
Lớp mô ở đáy móng tay, móng chân có màu hồng nhẹ, không có các đường sọc hay tình trạng bạc màu, cùng với móng khỏe không bị nứt, gãy hay yếu đều là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nếu móng trải qua những thay đổi như bạc màu (xuất hiện vệt trắng hay nâu ở nền móng) hay bắt đầu trông như bị rỗ, hãy lưu tâm hơn tới sức khỏe của bạn. Bác sĩ Joshua Fox, giám đốc khoa da liễu Advanced Dermatology kiêm người phát ngôn của Viện Da liễu Hoa Kỳ, cho biết: “Thay đổi ở móng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh cục bộ như nhiễm trùng nấm hay bệnh hệ thống như ban đỏ lupus hoặc thiếu máu”.
3. Răng và lợi khỏe mạnh
Theo Mayo Clinic, sức khỏe răng miệng là một chỉ số then chốt của sức khỏe và sự thịnh vượng về tinh thần. Hàm răng chắc khỏe, nướu lợi có màu hồng, không bị viêm là yếu tố quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh. Cùng với đó là việc duy trì vệ sinh răng miệng phù hợp.
Tương tự những bộ phận khác trên cơ thể, như da hay ruột, miệng bạn cũng chứa đầy vi khuẩn. Phần lớn chúng đều hoàn toàn vô hại hoặc thậm chí có lợi. Mayo Clinic khẳng định: “Thông thường, hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể và việc chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt, như đánh răng và chải răng bằng chỉ tơ nha khoa, có thể đảm bảo kiểm soát những vi khuẩn này. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh răng miệng thích hợp, vi khuẩn có thể tăng lên tới mức gây bệnh nhiễm trùng răng miệng như sâu răng và bệnh liên quan đến nướu, lợi”.
Cũng có khả năng những vi khuẩn vượt ngoài kiểm soát đó, cùng với chứng viêm luôn đi kèm một dạng nặng của bệnh nướu, lợi có tên viêm nha chu (periodontitis), đóng vai trò nhất định trong việc phát sinh những vấn đề khác, như bệnh tim mạch hay sinh non, sinh con nhẹ cân ở phụ nữ mang thai.
Vậy, cốt lõi câu chuyện răng miệng ở đây là gì? Hãy chải răng bằng chỉ tơ nha khoa (mặc dù nó có thể là hoạt động vệ sinh răng miệng khó nhọc và phiền hà nhất), đồng thời thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe răng miệng với nha sĩ.
4. Vòng eo thon
Thật vui mừng khi chỉ số cơ thể BMI không còn được xem là cách yêu thích để đo lường sức khỏe nữa. BMI – tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao – thường được dùng dể đánh giá lượng mỡ thừa trên cơ thể 1 người – đã bị không ít người chê bai, gièm pha và những phản đối đó, trong những năm gần đây, ngày càng thêm nóng.
Ví dụ, trong một nghiên cứu của UCLA đăng tải trên tạp chí International Journal of Obesity, sau khi kiểm tra cách thức sức khỏe tim mạch liên quan tới chỉ số BMI như thế nào, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: “Gần nửa số cá nhân thừa cân, 29% cá nhân béo phì và thậm chí 16% cá nhân béo phì nguy cơ trung bình và nguy cơ cao đều có sự trao đổi chất khỏe mạnh. Không những thế, trên 30% cá nhân có cân nặng bình thường lại cho thấy tình trạng thiếu lành mạnh trong chuyển hóa”.
Ngày nay, các bác sĩ đang tìm hiểu nhiều hơn về vòng eo và coi đây là chỉ số sức khỏe then chốt. Theo một số nghiên cứu gần đây, tích mỡ ở vùng bụng tiềm ẩn nguy cơ cao cho sức khỏe so với việc chỉ đơn giản là thừa cân theo tiêu chí BMI. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2008 chỉ ra rằng, ngay cả những người không được coi là thừa cân, vòng eo lớn có liên quan tới nguy cơ tử vong sớm. Nguyên do có thể là mỡ tích tụ ở vùng giữa cơ thể, về mặt trao đổi chất, hoạt động tích cực hơn so với mỡ dưới da. Do đó, nó tiết ra hormone và những tế bào khác ảnh hưởng tới chức năng sinh hóa của cơ thể. Ngay cả những người có chỉ số BMI bình thường, “việc sở hữu vòng eo lớn có thể đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ cao hơn gặp các vấn đề sức khỏe so với người có vòng eo thon” – theo Trường Sức khỏe Cộng đồng Harvard.
5. “Sản phẩm đầu ra” bình thường
Đây là vấn đề chắc hẳn rất tế nhị nhưng cũng vô cùng quan trọng. Như tiến sĩ Vasudha Dhar, chuyên gia về dạ dày – ruột từng viết trên tờ Everyday Health: “Thực sự không có cách nào để khám phá điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể dễ dàng hơn so với nhìn vào phân – “sản phẩm” đầu ra.
Theo tiến sĩ Dhar, việc phân có bình thường hay không được xác định dựa trên một phạm vi khá rộng. Khác với ý kiến của không ít blog và các bác sĩ nổi tiếng trên truyền hình, bạn không cần phải đi đại tiện 1 lần/ngày (hay phân có hình dáng hoàn hảo hoặc không có mùi hôi) mới có thể khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. “Ống tiêu hóa của mọi người vận hành khác nhau dựa trên sự kết hợp của các yếu tố không đổi và có biến đổi – gen, tình trạng đủ nước, thói quen ăn uống, việc sử dụng thuốc và những vấn đề sức khỏe hiện tại”, ông cho biết.
Thay vì lo lắng phân có được như những tiêu chuẩn lý tưởng mặc định không, bạn hãy tập trung vào “cách thức vận hành bình thường của ống tiêu hóa và thói quen vệ sinh đặc trưng của bạn. Nếu bạn nhận thấy một thay đổi kéo dài, đó chính là lúc nên tìm hiểu kỹ hơn điều gì đang xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bạn thấy đau hay phát hiện những triệu chứng rõ rệt khác, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ”. Một số triệu chứng cần lưu ý bao gồm phân có máu, táo bón liên tục hoặc tiêu chảy kéo dài.
Nguồn: afamily.vn