Gặp mặt bí thư Đà Nẵng, cụ Đặng Vân (Câu lạc bộ Thái Phiên) đặt vấn đề thành phố cần làm rõ Vũ “nhôm” là ai mà có thể thâu tóm nhiều đất công đến như vậy?
Chiều 3/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có buổi nói chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thái Phiên.
Ông Lê Tự Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Thái Phiên, cho biết bước sang năm 2017, bên cạnh những thành tựu, Đà Nẵng cũng dính những “vết thương”, đụng chạm đến niềm kiêu hãnh của con người xứ Quảng.
Cụ Đặng Vân (quận Hải Châu) tâm tư về việc thời gian qua tập thể Ban thường vụ Thành ủy và một số cá nhân lãnh đạo cao cấp của Đà Nẵng có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Ông Vân kỳ vọng, trên cương vị là người đứng đầu thành phố, ông Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém như vấn đề Sơn Trà, ô nhiễm môi trường, sự nhũng nhiễu của một số cán bộ..,.
“Tôi cũng rất mong, lãnh đạo Đà Nẵng trả lời cho dân biết Vũ “nhôm” là ai? Nghe nói người này đã bị tạm giữ ở Singapore, nhưng vấn đề là ông ta là ai mà dám đe dọa lãnh đạo, một mình thâu tóm nhiều đất công ở Đà Nẵng đến thế?”, ông Vân đặt câu hỏi.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang phải tìm ra bài học “về những sự cố” để khắc phục. Theo ông, cái sai của Đà Nẵng vừa qua là nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đạt.
“Từ câu chuyện đất cát, rất nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận, báo chí là tại sao Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải người khác. Điều đó cần xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta như thế nào”, ông Nghĩa nói và cho hay Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang làm rõ vai trò của mỗi cơ quan, đơn vị.
“TP đang tiếp tục kiểm điểm. Tôi cảm nhận thấy, qua đợt kiểm điểm này, cũng có nhiều đồng chí nhận thức ra, thấy được vấn đề”, ông Nghĩa thông tin.
Người đứng đầu TP Đà Nẵng cũng cho rằng cái đáng sợ nhất là có những cán bộ sai mà không nhận thức được khuyết điểm nếu nhận ra được thì sẽ sẵn sàng đứng lên. “Còn anh sai mà không nhận thức được mức kỷ luật thì suốt ngày cúi mặt xuống đất mà đi, lòng tin sẽ mất. Quan điểm của Ban thường vụ là khách quan, tạo mọi điều kiện cho các đồng chí của mình nhận khuyết điểm và khắc phục”, ông Nghĩa nói.
Nhắc lại việc xử lý kỷ luật đối với một số lãnh đạo, ông Nghĩa cho rằng đó là những quyết định rất khó khăn của Trung ương. “Vì một vết thương không chữa kịp thì không còn là vết đau mà dẫn tới tử vong chứ không đơn giản”, ông Nghĩa chốt lại.
Theo Trí thức trực tuyến