CEO – CUỘC CHƠI CỦA TRÍ TUỆ VÀ BẢN LĨNH

Nhiều người ví CEO như thuyền trưởng hoặc một vị tướng. Tuy nhiên, bất kỳ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng, bởi CEO mang nét đặc thù riêng, một công việc nhiều thách thức và áp lực rất cao. Mỗi CEO đều phải mang trong mình một sứ mạng, không chỉ với doanh nghiệp mình điều hành mà còn đối với cả đất nước. Điều này đòi hỏi ở CEO một trí tuệ, một bản lĩnh mạnh mẽ khi tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.

PHẢI THẲNG THẮN NHÌN NHẬN CHÚNG TA CÒN YẾU

Ngày nay, nhiều đường biên đôi khi bị xóa nhòa và một số quy luật không còn bất biến. Một công ty non trẻ với những bước đi sáng tạo và linh hoạt có thể đe dọa sự tồn vong của cả một tập đoàn hùng mạnh. Một công ty chưa có tên tuổi có thể xâm nhập thành công vào một thị trường truyền thống, là sân nhà của những doanh nghiệp “lão làng” trên thương trường. Tất cả phụ thuộc phần lớn vào trí tuệ của một số thành viên lãnh đạo, trong đó có CEO.

Sẽ hết sức chủ quan và sai lầm nếu cho rằng chúng ta đã đủ tầm cho một cuộc chơi lớn. Phần lớn CEO Việt chưa đủ bản lĩnh và năng lực trí tuệ cần thiết so với yêu cầu. Nhận xét này có thể làm cho một số CEO phật lòng, tuy nhiên chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến từng doanh nghiệp mà còn liên quan đến sự hùng cường của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tư duy chiến lược của CEO liên quan chặt chẽ đến việc nhận thức một cách rõ ràng về khách hàng, về nguồn lực có thể huy động, về chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và việc dự báo sự thay đổi trong tương lai để ra quyết định.

DỒN SỨC CHO CUỘC ĐUA ĐƯỜNG TRƯỜNG

Khó khăn hiện nay của các CEO và doanh nghiệp là phải vừa tích lũy nguồn lực ngắn hạn, vừa phải đáp ứng được nhu cầu dài hạn. Rất nhiều công ty Việt Nam đang tranh thủ cơ hội hiện tại để đầu tư vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như bất động sản, đầu tư vào cổ phiếu, viễn thông, điện lực… Tuy nhiên, việc rút nguồn lực ở những lĩnh vực mang tính chiến lược của công ty để dồn vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận trước mắt chính là sự sai lầm chiến lược, là sự chủ quan và cũng thể hiện sự thiếu tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, điều hành công ty.

Có thể các cổ đông rất vui mừng trước sự tăng trưởng của giá trị cổ phiếu và cổ tức được chia trong một vài năm tới. Nhưng rồi cũng có thể chính các cổ đông này sẽ ngậm ngùi tiếc nuối khi sự tăng trưởng không còn ổn định trong những năm sau. Trường hợp xấu nhất là phải bán đổ bán tháo cổ phiếu khi công ty trên đà phá sản. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở, vì kinh doanh thực sự là một cuộc đua đường dài. Khi các đối thủ đã dồn phần lớn sức lực cho những vòng đua đầu để rồi không còn nhiều nguồn lực dự trữ cho những vòng đua sau, lúc đó, thất bại là có thể thấy được. Sự thỏa mãn nhất thời là một trong những nguyên nhân chính “giết chết” CEO và doanh nghiệp.

KHÔNG CÓ CHỖ CHO NGƯỜI THIẾU BẢN LĨNH

Vậy làm thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu ngắn hạn, vừa phải đáp ứng được sự thay đổi của môi trường trong dài hạn? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Thực tế của những doanh nghiệp thành công trên thương trường quốc tế cho thấy, vấn đề là phải tỉnh táo trước những cám dỗ trong hiện tại để tranh thủ tìm kiếm lợi nhuận nhằm tích lũy nguồn lực dồn vào những yếu tố và lĩnh vực then chốt của công ty trong tương lai.

Những yếu tố và lĩnh vực then chốt của công ty trong tương lai là gì? Đây cũng lại là một câu hỏi khó, bởi không có một kịch bản chung để giải quyết mọi vấn đề. Tư duy chiến lược giúp từng CEO tìm được câu trả lời hợp lý cho từng doanh nghiệp cụ thể. Để làm được điều này, chúng ta rất cần những CEO có đủ bản lĩnh, biết nhìn xa trông rộng, nhạy cảm và có đủ sức mạnh tư duy sáng tạo cần thiết để chèo lái con thuyền doanh nghiệp.

Ở đây, vấn đề tư duy chiến lược cũng nên đặt ra một cách nghiêm túc đối với cả hội đồng quản trị công ty. Sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh, nói cho cùng là cuộc chơi của trí tuệ, sẽ không có chỗ cho những ai thiếu bản lĩnh và không đủ tầm.

NGUỒN : SAGA TỔNG HỢP & BIÊN TẬP
SHARE