Cơ thể bị nhiễm độc là nguyên nhân gây ra ốm đau và các tác hại lớn đối với sức khỏe. Hiểu được nguyên nhân gây độc và cách thải độc đúng sẽ giúp bạn cải thiện và bảo vệ sức khỏe.
Thời tiết, không khí, gió bụi, các vật thể kim loại nặng, rác môi trường hay thực phẩm thiếu an toàn đều là những yếu tố gây nhiễm độc cho cơ thể ở những mức độ khác nhau.
Thông qua việc hít thở, tiếp xúc và ăn uống, những chất độc này đi vào cơ thể hàng ngày làm tổn hại lớn đến các cơ quan nội tạng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và bài tiết cũng như hoạt động liên hoàn của cơ thể.
Độc tố vào cơ thể sẽ ảnh hưởng ra sao?
1. Khi chất độc tồn lưu trong hệ thống hô hấp, chúng sẽ làm cho bạn bị cảm lạnh thường xuyên, ho, nhạy cảm đường hô hấp, hen suyễn.
2. Khi chất độc tồn lưu trong hệ thống tiêu hóa, chúng sẽ gây ra hơi thở hôi, thỉnh thoảng táo bón, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
3. Khi chất độc tồn lưu trên da, chúng sẽ làm cho làn da xuất hiện các đốm, nám, dị ứng, nổi mụn trứng cá và các vấn đề viêm nhiễm.
4. Khi chất độc tồn lưu trong xương, chúng sẽ làm cho cơ thể xuất hiện các chứng đau lưng, cột sống, đau các khớp.
5. Khi chất độc tồn dư trong não, chúng sẽ gây ra mất ngủ, lo âu, trầm cảm, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh và các vấn đề khác.
Chúng ta nên giải độc các cơ quan nội tạng thế nào?
1. Thải độc phổi
Phổi là một trong những cơ quan bị tích lũy chất độc hại nên dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể. Mỗi ngày chúng ta hít khoảng 8.000 lít không khí vào phổi, các chất độc trôi nổi trong không khí như vi khuẩn, virus, bụi và các chất có hại khác cũng theo đó mà được nhập vào phổi một cách tự nhiên.
Có 2 cách để bạn tự thải độc cho phổi của mình chính là tập các bài hít thở (hoặc ho) chủ động và ăn mộc nhĩ đen.
1. Ho hay thở chủ động là một dạng bài tập thể dục. Bạn có thể tìm nơi có không khí trong lành hoặc khoảng thời gian sau các cơn mưa, hít thở sâu, sau đó ho liên tục mấy tiếng để các độc tố có thể bị loại bỏ khỏi phổi.
Cách đơn giản nhất là bạn hít thở thật sâu sau đó ho mạnh ra hết sức.
2. Mộc nhĩ có chứa một thành phần gọi là chất kết dính giống như kẹo cao su. Các chất chứa trong mộc nhĩ đen có thể giúp làm sạch phổi, sạch huyết quản. Mỗi gia đình nên cho món ăn này vào thực đơn trong tuần để tăng cường hiệu quả thanh lọc phổi, loại bỏ các chất gây ô nhiễm phổi.
2. Thải độc thận
Bản thân thận là một cơ quan thải độc quan trọng đặc biệt của cơ thể. Trong đó thông qua quá trình lọc máu, các chất thải trong máu và protein phân hủy trong quá trình thận làm việc sẽ bài tiết qua đường nước tiểu.
Để hỗ trợ quá trình thải độc thận, bạn cần ghi nhớ 3 việc sau đây.
1. Đừng bao giờ nhịn tiểu. Chúng ta đều biết rằng, có rất nhiều độc tố trong nước tiểu, nếu không kịp thời thải ra khi chúng ta cảm thấy buồn tiểu, thì số độc tố này sẽ được tái hấp thu vào máu, gây nguy hiểm cho sức khỏe nói chung.
2. Uống nước đầy đủ. Nước là công cụ kỳ diệu không chỉ có thể pha loãng nồng độ các chất độc, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển hóa các chất qua thận, từ đó giúp cho thận có điều kiện để đẩy nhiều chất độc thải ra ngoài.
Đặc biệt khuyến khích mỗi người nên tạo thói quen hàng ngày uống một cốc nước ấm khi bụng rỗng lúc vừa ngủ dậy vào buổi sáng.
3. Ăn nhiều trái cây và rau quả. Dưa chuột, anh đào và loại rau quả khác góp phần giải độc thận rất tốt. Thực đơn hàng ngày không thể thiếu rau củ quả.
3. Thải độc đại tràng
Thực phẩm sau khi tiêu hóa, phần tồn dư độc hại sẽ hình thành và đẩy xuống đại tràng, dưới tác động của quá trình lên men tự nhiên sẽ hình thành ra phân và gây mùi. Trong quá trình này xuất hiện nhiều các chất độc hại đối với cơ thể.
Chúng ta liên tục ăn uống và quá trình tiêu hóa liên tục phải hoạt động, vì thế chất thải cần được đẩy ra ngoài càng sớm càng tốt. Để giải độc đại tràng, bạn nên ghi nhớ 2 yêu cầu quan trọng nhất sau đây.
1. Thường xuyên đi đại tiện hàng ngày. Hãy luôn nhớ rằng chất thải đi xuống đại tràng là cần phải xử lý ngay và rút ngắn thời gian chúng lưu lại trong ruột, làm giảm sự hấp thu ngược trở lại các chất độc. Thời gian tốt nhất thiết lập thói quen đại tiện là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
2. Ăn đủ trái cây và rau quả. Rau và các loại trái cây chứa nhiều vitamin và chất xơ, dễ dàng hấp thụ, có thể thúc đẩy nhu động đường ruột, đào thải chất độc có trong đại tràng ra ngoài.
4. Thải độc da
Da thường bị nhiễm độc từ bên trong nhiều hơn là bệnh ngoài với những biểu hiện rõ ràng. Vì thế, việc thải độc da là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Cách tốt nhất là thông qua việc ra mồ hôi để loại bỏ các chất độc trên da một cách nhanh nhất.
Có nhiều cách để bạn làm cho ra mồ hôi, hoặc là tập thể dục, tắm hơi hay bất kỳ việc gì có thể làm cho đổ mồ hôi.
Tập thể dục có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất, giúp giải độc cho cả da và phổi. Nếu không thể làm hàng ngày, hàng tuần bạn nên tập thể dục để ra mồ hôi ít nhất một lần, cách làm này giúp bạn thải độc da hiệu quả nhất.
Theo Trí Thức Trẻ