Để cải thiện cuộc sống khó khăn thời bao cấp, cuộc sống ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều kiểu “làm kinh tế”. Phong trào đan len, dệt len, nuôi lợn, nuôi chim cút… đua nở cùng phong trào nuôi chó cảnh dạo ấy.
Làm kinh tế từ chó cảnh
Thời bao cấp, nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên ở Hà Nội đã cải tiến cách nuôi lợn. Vốn chuồng trại dưới mặt đất, lợn bỗng lên tới tầng 4 tầng 5, phòng ngủ nhiều nhà được “ưu tiên” thành chuồng lợn. Hầu hết các khu tập thể đều có tiếng lợn kêu eng éc đòi ăn. Người ta chấp nhận ăn, ngủ bên cạnh lợn, chấp nhận mùi hôi nồng nặc, cốt sao khi bán đi có một món tiền để lo các việc lớn của gia đình. Nhưng nuôi chó cảnh thì khác.
“Muốn đi Dream thì nuôi chó Nhật”, đã là thành ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong quán bia hơi vỉa hè Hà Nội đầu thập niên 1990. Thực ra trước đổi mới, một vài gia đình ở Hà Nội đã nuôi chó cảnh, họ nuôi vì thích, nuôi chơi nhưng lén lút vì ở các đô thị có lệnh cấm chó, sợ bệnh dại, dịch dại. Thế nên mỗi khi thấy chủ về, những chú cẩu lông trắng muốt mà sủa nhặng xị là chủ nhà tái mặt, cán bộ phường mà biết thì họ sẽ cho nó đi…Văn Điển.
Những năm 1990, nhiều người muốn có xe Dream nên đầu tư vào nuôi chó cảnh
Năm 1989, chó cảnh nhập về chủ yếu từ Liên Xô. Mỗi chuyến bay của hãng không Aeroflot từ Matxcova về sân bay Nội Bài chở năm bảy chục chú chó là chuyện thường xuyên. Về Hà Nội, dù là giống gì ở vùng nào trên thế giới thì tất cả đều được gọi là chó Nhật, chỉ có chó Nhật mới có giá.
Chó cảnh một năm đẻ 2 lứa và nếu may mắn chỉ cần 1 lứa đẻ 3 con cái thì đủ tiền mua được xe máy Honda Dream (giá hơn 3 cây vàng thời bấy giờ). Vì thế có nhà dẹp bỏ phòng khách lấy chỗ nuôi chó. Báo Hà Nội mới số ra ngày 15-7-1990 đăng tin, chỉ tính riêng huyện Từ Liêm có 700 gia đình nuôi chó, trong đó một nửa là gia đình các văn nghệ sỹ ở khu văn công Mai Dịch.
Không chỉ giới văn nghệ, nhiều giảng viên đại học ở khu tập thể Đồng Xa (gần khu văn công Mai Dịch) cũng tham gia phong trào. Đầu năm 1991, một người bạn đã dẫn tôi đến nhà thầy anh ở phố Hàng Khay nhờ xem Dịch vì thầy nổi tiếng Hà Nội về môn này. Chúng tôi ngồi uống nước trà chờ khá lâu vì thầy đang chăm đàn chó mới đẻ.
Nhiều nhà kinh doanh chó cảnh giàu lên, thế là người nọ truyền tai người kia khiến nuôi chó cảnh trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng khắp Hà Nội.
Thầy làm tiến sỹ về vật lý nguyên tử ở Liên Xô, về nước giảng dạy ở Khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tổng biên tập một tờ báo lớn trên đất Hà Nội cũng nuôi chó cảnh, ông khoe mỗi lứa chó con bán được khá tiền. Bạn tôi làm nhạc công ở một đoàn ca múa nhờ nuôi chó đã mua đàn violon tử tế hơn.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Nuôi chó kinh doanh có nhiều kiểu, có nhà chuyên nuôi chó đực cho phối giống, những con đực lông trắng khỏe mạnh được chăm chút và bồi dưỡng hàng ngày. Có chủ sòng phẳng, phối xong lấy tiền ngay dù chó cái có chửa hay không họ không cần biết. Song cũng có chủ không lấy tiền nếu chó cái “không có gì”, còn khi chó mà “có gì” và đẻ được thì họ bắt một con cái đẹp nhất, luật là thế, nhiều nhà phải chấp nhận.
Chó cảnh ở Hà Nội thời bấy giờ chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Những con đầu to, mặt gẫy, mắt lồi, mõm ngắn, lông trên trán dài, trùm kín mắt càng tốt và trắng tuyền giá bán tới vài nghìn đô la. Cánh buôn còn mò đến nhà đặt cọc. Con nào có vết vá trên mặt mà vá lệch thì đắt hơn vá đối xứng và vá mầu vàng đắt hơn vá đen. Nhiều nhà kinh doanh chó cảnh giàu lên, thế là người nọ truyền tai người kia khiến nuôi chó cảnh trở thành phong trào lan rộng khắp Hà Nội.
Năm 1992, có nhiều “đại gia chó”, ông K ở phố Bà Triệu thuê nhà nơi khác ở dành hẳn nhà 2 tầng thênh thang cho chó. Ông nuôi 15 con cái đẻ và 6 con đực phối giống, nhà ông trở thành trại chó, người đến mua giống, người mang chó đến phối từ sáng đến tối. Một người khác cũng rất nổi tiếng Hà Nội, đó là bác sỹ thú y Hoàng Triều ở đường Trường Chinh.
Ông nuôi 12 con chó gây giống và căn phòng ở tầng 4 nhà ông lúc nào cũng có các “bệnh nhân” chờ khám và điều trị, “ca” nặng thì phải nằm lại. Có lẽ đây là “bệnh viện” chó đầu tiên ở Hà Nội vì “bệnh nhân” được lập bệnh án, theo dõi và điều trị theo chuyên khoa.
Chó ăn phở, người ăn cơm nguội
Nuôi chó cảnh dễ lúc nó khỏe nhưng khó khi nó bỏ ăn, ốm đau thì chủ nhà cũng ốm theo. Giá khám, tiền thuốc, công chích bác sĩ thú y đưa ra, bao nhiêu cũng phải chấp nhận vì đó là tài sản lớn và cũng là tương lai của gia đình. Chuyện “chó ốm lo hơn người ốm”, “sáng chó ăn phở người ăn cơm nguội” không phải là giai thoại mà là thật.
Cuối năm 1992, là đỉnh điểm của phong trào, giá chó giống cao gấp đôi năm 1991 đã tạo ra cơn sốt “nhà nhà, phố phố nuôi chó”. Báo Hà Nội mới số 2-11-1992 dẫn lời của Chi cục trưởng Thú y Hà Nội: “Ước tính cả thành phố có khoảng 4 vạn chó cảnh”. Giá một con chó cái đẹp khoảng 20 triệu đồng.
Nhiều người không có vốn “sốt ruột” vay mượn bạn bè, họ hàng, vay các quỹ tín dụng mua chó giống. Và từ khi bắt về nhà đến khi nó có thể phối được lúc nào cũng lo lắng, nếu con cái đó lấy giống mấy lần vẫn không chửa tức là nó bị “tịt” thì mất toi cây vàng và công chăm sóc, chiều chuộng. Mỗi năm chó đẻ 2 lứa, may mắn mỗi lứa mấy con cái thì lãi to, còn nếu chó đực nhiều hơn coi như thất bại, chờ lứa sau.
Khi thuốc nhuộm tóc từ Thái Lan tràn qua, từ châu Âu đưa về nhiều chủ bịp bợm người mua không có kinh nghiệm bằng cách nhuộm vết vá đen thành vàng. Mang chó về nhà tắm vài lần, thuốc nhuộm bị xà phòng tẩy lòi ra màu đen, người mua trả chó họ bảo, chó con lông đổi màu liên tục đành phải uất ức mang về.
Cuối năm 1993, phong trào đột ngột đi xuống vì phía Trung Quốc thị trường lớn nhất không còn chuộng. Giá rớt thê thảm, đầu năm giá chó cái giống tuy giảm nhưng vẫn ở mức 5 đến 7 triệu đồng con đẹp thì nay chỉ còn 1 triệu, thậm chí con xấu cho không ai lấy. Trước không chủ nào dám cho chó ra ngoài đường sợ bị bắt trộm thì lúc ấy nhiều nhà thả rông, cũng chả thèm tắm nên lông bê bết bẩn thỉu. Cùng năm đó, “Liên hiệp thịt chó Nhật Tân” xuất hiện, nhiều người sành ăn phát hiện trong món rựa mận và chả có cả… thịt chó cảnh. Những con chó trước đây giá bằng cả một cái nhà.
Theo An ninh Thủ đô