Các cô gái, vào ngày Phụ nữ Việt Nam, trước khi nói chuyện “nữ quyền”, “bình quyền”, “chị em vùng lên”, hoàn toàn có thể chủ động mua hoa tặng cho chính mình.
Nguyễn Trần Mỹ Hạnh (26 tuổi, cựu du học sinh Pháp) sau gần 7 năm vừa học vừa làm tại nước ngoài, quyết định trở về Việt Nam. Nửa năm lang thang du lịch và thất bại khi tìm công việc hài lòng tại Hà Nội, cô xách vali vào Sài Gòn đầu quân cho một công ty quảng cáo.
Với vỏn vẹn 10 triệu trong tay, cô bỏ 3 triệu đặt cọc nhà, 3 triệu mua sắm đồ dùng cho nơi ở mới và 4 triệu để dành phòng thân.
Sống một mình. Xem phim một mình. Du lịch một mình. Chủ động tài chính. Tự giải quyết những rắc rối của cuộc đời. Không mè nheo, không dựa dẫm, không nhờ vả ai. Cứng rắn, quyết đoán, dứt khoát và mạnh mẽ.
Thỉnh thoảng vào buổi tối, Hạnh và cha mẹ gọi điện thoại video. Hai bậc phụ huynh luôn hỏi cô:
– Bao giờ con về? Thân con gái sao phải khổ thế? Gia đình có để con thiếu gì đâu…
– Dạ, tại con thích thế!
Bằng tuổi của Hạnh, bạn bè xung quanh người đã lập gia đình, hoặc chí ít, đều có “gấu”.
Hạnh từng có vài mối tình. Nhưng bằng cách này hay cách khác, những tình yêu đó đều tan vỡ.
Tất nhiên, cô biết không phải ai cũng “may mắn” gặp được tình đầu cũng là tình cuối. Chữ may mắn được đặt trong ngoặc kép, vì đó không hẳn do hên xui, đôi khi còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Thế nhưng, Hạnh không sợ không lấy được chồng, không sợ thất tình, không sợ những ngày tháng giận hờn vu vơ, không sợ ai đó làm ngơ, không sợ yêu xa, hay bất cứ thứ gì thuộc về tình yêu nữa.
Nỗi sợ của cô thực tế hơn: sợ mùi cơm áo gạo tiền, sợ những ngày cuối tháng ví kẹp lép không còn một đồng, sợ việc làm lương thấp, sợ công việc chán ngắt, sợ vài năm đi làm không có một số vốn dắt lưng, sợ chậm chân hơn so với đồng nghiệp, sợ sếp không nhìn nhận được sự cố gắng của mình và sợ nhất nhìn những người bạn tầm tuổi thăng tiến vèo vèo trên con đường sự nghiệp.
Nhìn xung quanh, Hạnh thầm ghen tỵ với Huyền Trang. Bằng tuổi cô, Trang đã mua căn hộ trả góp được 2 năm, đầu năm 2018 sẽ lấy nhà ở quận 7.
Cô thấy chị Huỳnh, hiện là sếp trực tiếp, chỉ hơn cô một tuổi. Hay Ngọc Như, em họ cô, cũng làm trong ngành quảng cáo, đang được cất nhắc trở thành Strategic Planning Director (tạm dịch: giám đốc hoạch định chiến lược) khi tuổi đời còn rất trẻ.
Hạnh làm việc bất chấp, học thêm từ đồng nghiệp, đến sớm hơn người đi làm sớm nhất, chưa rời công ty nếu sếp chưa về, mang việc về nhà khi cần, sẵn sàng “cày bừa” vào cuối tuần. Có thể Hạnh đã vi phạm cái luật lao động nào đó, hoặc bỏ lỡ lời khuyên làm việc 8 tiếng/ngày của vị bác sĩ tâm lý nào đó. Nhưng không quan trọng, cô sợ thất nghiệp.
Với những cô gái chưa tới 30, nhưng đã bỏ xa cái mốc 20, không trẻ trung để nói rằng bản thân còn ngây thơ, xốc nổi hay mơ mộng, cũng chưa đủ trải nghiệm để vỗ ngực nói rằng tôi đây đã biết hết cuộc đời, cuộc sống hiện tại chính là gia đình và công việc.
Rồi hơn cả nỗi sợ hãi trong sự nghiệp, những cô gái hiện đại còn sợ xấu. Ai cũng biết cái đẹp đến từ việc chăm sóc, yêu thương cơ thể mỗi ngày.
Nếu xinh sẵn thì phải cố giữ gìn nhan sắc, còn không xinh càng phải chăm sóc bản thân nhiều hơn. Không có người phụ nữ nào xấu cả, chỉ có người phụ nữ không biết trang điểm, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, ăn mặc, giảm cân… mà thôi.
Sự chỉn chu, trau chuốt bề ngoài là một trong những chiếc chìa khóa giúp phái đẹp thành công. Dù tất nhiên, không thể chỉ đánh giá bề ngoài để phán xét một người phụ nữ.
Ai dám tự tin mang một gương mặt lấm tấm mụn trứng cá đi nói chuyện với nhà tuyển dụng, rồi ra sức giải thích rằng tôi là người tài giỏi, ngoại hình không đẹp nhưng năng lực thì tràn trề?
Con gái ngày nay thừa hiểu không thể đưa “tâm hồn” ra để lý giải cho việc ngoại hình thiếu chăm chút. Cuộc sống hiện đại cần người biết chăm sóc bản thân, biết cách rạng rỡ tỏa sáng, dù vẻ ngoài thiếu sắc sảo, biết nỗ lực hoàn thiện bản thân chứ không chấp nhận nhan sắc “xấu lạ” như sự sắp đặt tất yếu của số phận.
‘Trong truyện cổ tích chỉ nói rằng từ đó trở đi, cô bé Lọ Lem cùng hoàng tử tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, nhưng chưa từng có ai tìm hiểu sâu xa xem cái hạnh phúc ấy hèn mọn biết bao nhiêu, chưa từng có ai hỏi cô bé Lọ Lem có đồng ý hay không, cũng chưa từng có ai hỏi xem cô có yêu hoàng tử hay không.
Dường như chỉ cần bàn chân cô ướm vừa chiếc giày thủy tinh thì cứ phải đúng lý mà cảm động rớt nước mắt theo hoàng tử hồi cung, sau đó vĩnh viễn nơm nớp lo sợ trong cảnh hạnh phúc rằng nếu không có chàng cứu vớt, nàng đến lúc này vẫn còn đang giặt quần áo bên bờ sông lạnh lẽo…”.
Đây là trích đoạn trong cuốn Hóa ra anh vẫn ở đây từng một thời làm “đảo điên” mạng xã hội.
Khi còn nhỏ, các cô gái thường được dạy trở thành công chúa, rằng chỉ cần xinh đẹp (Rapunzel), chăm chỉ (Lọ Lem), hiền lành (Sleeping Beauty), tài năng (Ariel) sẽ luôn có một chàng hoàng tử xuất hiện.
Con gái lớn lên, phát hiện ra cuộc sống thực không hề màu hồng giống câu chuyện của những cô búp bê Barbie tóc vàng mắt xanh, có làn da trắng muốt. Việc bếp núc nhà cửa khác xa bộ đồ hàng màu hồng của tuổi thơ, hay đấu đá chốn công sở chẳng có gì giống với những bộ phim hoạt hình hay truyện cổ Grim.
Bài học ấu thơ với những nàng công chúa bỗng là áp lực vô hình, rằng con gái phải ngoan ngoãn, dịu dàng, nết na, dễ bảo thì mới có chàng hoàng tử xa lạ tới, bỏ qua các bước tán tỉnh, quên cả cách nói lời yêu, cứ vậy dắt nàng về dinh, tôn làm hoàng hậu, sinh con đẻ cái và hạnh phúc suốt đời.
Khi tiến gần tới tuổi 30, nếu vẫn chưa có mảnh tình nào vắt vai hoặc đang không trong một mối quan hệ nào, con gái thường bị hỏi rất nhiều về hôn nhân: Người yêu đâu? Bao giờ lấy chồng?
Trong xã hội Việt Nam, tình yêu là phương tiện để đạt được một đám cưới hoặc cuộc đời “hạnh phúc và bền vững”. Thế nhưng hôn nhận thật sự không phải “cứ cầu là được”. Bạn đời không phải “cứ yêu là tới”.
Dương Vũ Hoàng Anh (27 tuổi, chuyên viên tổ chức tiệc cưới) từng viết trên blog cá nhân:
“Trong những hình dung về cuộc sống 10 năm sau, trong một căn nhà riêng rộng rãi có bếp sạch sẽ và một chiếc xe hơi cỡ nhỏ, không hề có bóng dáng của người chồng, chỉ có tôi và con cái thơ thẩn đùa vui trên sàn nhà, ngoài sân chơi. Người chồng có lẽ đi làm hoặc đi công tác hoặc không có mặt trong căn nhà đó.
Đó là sự thật, không phải nỗi thất vọng lớn lao hoặc một nỗi buồn ủy mị không tin vào tình yêu hay hôn nhân. Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào tình yêu, sẽ không bao giờ ngừng yêu, luôn thích dựa dẫm vào bạn trai hoặc người đàn ông của mình.
Tôi luôn nói rằng hôn nhân mang đến nỗi buồn, nếu từ chối thì sẽ buồn ngay lập tức, nếu đồng ý thì sẽ buồn suốt đời. Xin đừng nghĩ rằng tôi sợ hãi, e dè với hôn nhân. Sớm hay muộn tôi sẽ kết hôn với một ai đó, yêu tôi nhiều hoặc không yêu tôi lắm, tôi yêu hoặc không yêu lắm, chưa biết được.
Tôi nhìn thấy cách bố đưa tay cho mẹ vịn mỗi khi mẹ xuống cầu thang nhưng cũng nhìn thấy bố mẹ cãi nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống, công việc. Thế nên tôi không đánh đồng kết hôn và hôn nhân, vì hôn nhân giống như phần hai của một bộ phim. Mà thường các phần hai không bao giờ hay như phần một”.
Hôn nhân là món quà, con gái có thể kết hôn nếu muốn, nhưng không phải nếu độc thân thì cuộc đời sẽ chẳng đi tới đâu. Có những người có cuộc sống hôn nhân sớm, có những người mãi mãi không tìm thấy “người Ấy”. Chẳng có ai đúng ai sai, chỉ có việc lựa chọn cách sống nào phù hợp với bản thân.
Tình yêu, hôn nhân không phải chiếc đũa phép của bà tiên. Bạn đời không thể hô biến là xuất hiện. Tờ đăng ký kết hôn không phải cỗ xe bí ngô đưa cô gái nghèo tới lâu đài của hoàng tử và chỉ sau đêm vũ hội là có thể đổi đời.
Rốt cuộc, phụ nữ cần xinh đẹp và dịu dàng, giàu có và cá tính, tài năng và biết kiếm tiền, không phải chỉ để tìm kiếm một cuộc hôn nhân, hay “triệu hồi” một người đàn ông. Thật ra, nàng Lọ Lem thời hiện đại sẽ vừa tự giải thoát bản thân, vừa đi tìm hoàng tử của chính mình.
Có một điều không thể phủ nhận đó là phái yếu luôn muốn kiếm cho mình một người làm chỗ dựa. Nhưng thực tế, lịch sử thế giới đã chứng minh phụ nữ có thể chết vì bệnh tật, tuổi tác, tai nạn… chứ chưa có trường hợp nào không sống được vì thiếu đàn ông.
Trên đời này, người đàn ông yêu thương con gái nhất, sẵn sàng chi trả mọi thứ mà không chi ly tính toán đã cưới mẹ của bạn. Và người phụ nữ tuyệt vời nhất, lo lắng chăm chút cho bạn cũng đã lấy cha của bạn.
Tạ Nhã Quyên (26 tuổi, thủ khoa đầu ra ĐH Kinh tế TP.HCM, á khôi cuộc thi Nữ sinh tài năng của trường, từng được nhận giấy khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có một công việc trong ngành tài chính lương 5x triệu.
Thế nhưng những thành tích này cũng không giúp cô có cuộc hôn nhân viên mãn. Ly dị, nhận nuôi con gái sau hơn một năm lấy chồng, Quyên là bà mẹ đơn thân điển hình.
“Bản chất của phụ nữ là mềm yếu nên dù có độc lập và cá tính, tự tin có thể đạp lên dư luận để sống. Nhưng người mẹ đơn thân không thể phủ nhận những áp lực dư luận áp đặt cho khi nuôi con một mình”, Nhã Quyên lặng lẽ viết dòng chữ này bên cạnh bức ảnh cô con gái 2 tuổi trên Instagram.
Thành đạt, xinh đẹp, bản lĩnh, xung quanh Quyên không thiếu những người đàn ông có tiền tài địa vị, song cuối cùng cô vẫn chọn cho mình một con đường là lặng lẽ làm việc, nuôi con và sống cuộc đời tự do của mình.
Thế nhưng, mỗi lần ai hỏi chuyện chồng con của Quyên, mẹ cô lại khóc, coi đó là nỗi bất hạnh. Còn cha lại thường so sánh Quyên với người chị họ “có phúc lấy được chồng gia đình khá giả, không phải vất vả bươn chải, cô đơn giữa cuộc đời, khiến con cái không có sự chăm sóc của cha”.
“Nhưng họ không nhìn thấy nỗi khổ của chị ấy khi phải nhận tiền hàng tháng của ông anh rể, hoặc những giọt nước mắt vì ghen tuông, nghi kỵ, mất lòng tin vì cuộc hôn nhân đó.
Tôi muốn tự tạo phúc cho mình, làm việc chăm chỉ, chăm sóc con, tiết kiệm cho con sau này. Tôi tự đóng đinh, khoan tường, đi chợ, nấu nướng. Tôi không cần những người xung quanh nhìn bằng cặp mắt thương hại: Tội nghiệp, con nhỏ không chồng”, cô viết.
Cô tự mình gánh lấy hai trách nhiệm, nhu mì như một người mẹ, cứng rắn như một người cha.
Quyên còn trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Cô vẫn là công chúa và cũng là hoàng tử của chính mình.
Hãy thử nhìn quanh, những người phụ nữ hiện đại, sành điệu, xinh đẹp, thành đạt không thiếu. Họ trẻ trung, giỏi giang, xinh đẹp và khí chất. Có khó không để họ đạt được sự thành công đó?
Vũ Đình Linh Chi là quản lý nhân sự một công ty ở tuổi 27. Cô thường thức dậy lúc 6h30, kết thúc công việc vào 18h.
Một tuần ba buổi, cô dạy yoga tại trung tâm thể hình. Buổi tối, cô đi học tại lớp tiếng Hàn, chỉ vì thích tiếng Hàn Quốc và vì niềm đam mê các thần tượng xứ sở kim chi từ ngày còn bé.
Trò chuyện với Linh Chi, dễ dàng nhận thấy niềm vui, sự nồng nhiệt, hào hứng toát ra từ đôi mắt, nụ cười và cách trò chuyện nhiệt huyết, truyền cảm hứng. 9X ngoài sở thích du lịch, đam mê leo núi, các hoạt động thể chất, hiện còn là beauty blogger, sở hữu kênh YouTube hướng dẫn làm đẹp, trang điểm, life-style có tiếng.
Chi thừa nhận mình bận rộn, vì công việc, vì xê dịch, vì các mối quan hệ, vì học thêm, vì dạy yoga, vì giúp các cô gái khác làm đẹp. Chi không chờ đợi ai chăm lo cho mình, kể cả cha mẹ hay bạn trai.
“Tôi biết lái xe, nấu ăn ngon, từng học lắp bóng đèn, thỉnh thoảng tự sửa điện, tiền tự kiếm được. Còn người yêu? À anh ấy nhận nhiệm vụ rửa bát”, cô cho biết.
Phụ nữ hiện đại nên có tình yêu, cũng có thể không. Nhưng việc gì phái mạnh làm được thì phụ nữ cũng làm được, thậm chí còn phải làm tốt hơn. Cố gắng kiếm tiền, chăm sóc cha mẹ, nâng niu bản thân, nỗ lực giảm cân, chăm sóc da mặt, học cách phối quần áo thật đẹp.
“Bạn đam mê cái gì, hãy làm công việc đó. Khi bạn vừa gầy, vừa xinh đẹp, lại ăn mặc có gu, trong ví là tiền tự kiếm được, bạn chẳng còn thời gian mà suy tính thiệt hơn, hay phải đi tò mò, ghen tỵ về chuyện của người khác.
Còn chuyện tình của bạn mãi mãi là thế cân bằng, là sự cố gắng trân trọng từ cả hai phía. Bạn yêu anh ấy, nhưng cũng yêu bản thân”, Linh Chi kết luận.
Con người sinh ra có 3 điều không được lựa chọn: thân thế gia đình, cha mẹ, và giới tính, nhưng hoàn toàn được chọn cách sống một đời sung sướng.
Nhà báo Trương Anh Ngọc, trong một bức thư gửi con gái, đã dặn: “Hãy học đi, hãy lớn lên và rồi vỗ cánh bay đi, bằng tri thức, sự khao khát hiểu biết và tính thiện của bản thân”.
“Người phụ nữ có những giá trị của riêng mình. Họ như thế nào trong cuộc sống và xã hội là từ những giá trị và phẩm chất ấy, chứ không thể là “file attach” của một người đàn ông nào đó.
Họ cũng không trở nên sang trọng, quý phái hay bần hàn, nhếch nhác chỉ vì một người đàn ông. Hạnh phúc của con là tri thức, là những phương trời xa, là những gì con thích và con đang làm. Cứ dong buồm lên. Bố mẹ sẽ lướt sóng cùng với con”, trích Thư gửi con gái.
Còn các cô gái, vào ngày Phụ nữ Việt Nam, trước khi nói chuyện “nữ quyền”, “bình quyền”, “chị em vùng lên”, hoàn toàn có thể tự mua hoa tặng cho chính mình.
À không, hãy mua hoa, hoặc bất cứ thứ gì tặng chính mình, vào mỗi ngày. Bởi phụ nữ sinh ra là để yêu thương, xinh đẹp và hạnh phúc.