Công nghệ mới có thể khiến não bộ giống một máy tính trong tương lai

Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX là Elon Musk đã thành lập một công ty có tên Neuralink để thực hiện tham vọng làm cho con người thông minh và mạnh mẽ hơn khi kết hợp với máy tính bằng một công đoạn đơn giản, an toàn và nhanh gọn như dùng laser mổ mắt.

Công nghệ như phim giả tưởng

Neuralink là công ty “lặng lẽ” đăng ký hoạt động từ tháng 7 năm ngoái tại bang California ở dạng công ty “nghiên cứu y học” với mục tiêu đeo đuổi cái mà tỉ phú Musk gọi là dải băng thần kinh. Tuy nhiên mới đây người ta mới biết nhiều hơn về hoạt động của công ty này.

Mô phỏng công nghệ mới của công ty Neuralink.

Tối thứ Ba theo giờ địa phương, công ty Neuralink – doanh nghiệp được Musk đầu tư vào 100 triệu USD – công bố những công đoạn đầu tiên để đạt được mục tiêu nêu trên. Neuralink mô tả một hệ thống robot có thể đặt những đường dẫn siêu mỏng sâu vào trong não bộ con người. Theo lộ trình phát triển, họ sẽ có thử nghiệm trên người đầu tiên vào Quý hai năm 2020.

Neuralink tuyên bố hệ thống có thể đọc và ghi được một lượng dữ liệu khổng lồ. Một hệ thống kết nối trực tiếp não bộ với máy tính sẽ cho phép người sử dụng tăng tốc độ tương tác giữa người và máy tính, mở ra những khả năng mới cho con người.

Neuralink cũng thừa nhận chặng đường phía trước họ còn rất dài. Vì Neuralink đang cố gắng tiến hóa con người, bằng cách kết hợp hài hòa não bộ với một cỗ máy. Trong buổi họp báo, họ tuyên bố sẵn sàng bàn luận công khai vấn đề này. Elon Musk không xuất hiện tại buổi gặp mặt báo giới, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy những cố gắng của ông trong ngành này.

Musk vẫn tìm cách giải quyết những giới hạn công nghệ mà Neuralink gặp phải, theo lời kể của Shivon ZIlis, giám đốc dự án tại Neuralink. Hiện tại, Neuralink đã nhận về 158 triệu USD tiền vốn đầu tư và đang có 90 nhân viên. Giao diện não bộ – máy tính có thể vẫn còn hơi xa vời, nhưng tiềm năng y học của nó đã lộ diện. Một ngày nào đó, những người khuyết tật sẽ có thể tìm lại những khả năng mình đã mất, hoặc sinh ra đã thiếu.

Một cỗ máy gắn thẳng lên não bộ người dùng sẽ cho phép người khiếm thị nhìn lại được, người khiếm thính nghe được âm thanh và người khiếm thanh tìm lại tiếng nói; khi suy rộng ra, ba khả năng nghe – nhìn – nói của người thường sẽ có thể được cường hóa nhờ hệ thống của Neuralink. Neuralink nói rằng họ có thể sẽ phải khoan một lỗ trên hộp sọ để cài cắm được dây siêu mỏng vào não.

Nhưng trong tương lai, họ mong muốn hệ thống laser có thể khoan những lỗ cực nhỏ trên hộp sọ, để đưa dây dẫn vào một cách dễ dàng và không đau đớn. Dự kiến, Neuralink sẽ làm việc với các nhà phẫu thuật não tại Đại học Stanford, nhiều khả năng là với những viện nghiên cứu khác nữa, để tiến hành thử nghiệm. Jaimie Henderson, giáo sư ngành giải phẫu não tại Stanford, chuyên gia chữa trị động kinh và có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa trị bệnh bằng hệ thống Giả lập Não Sâu, là cố vấn chính của Neuralink.

Trong một thử nghiệm diễn ra hôm thứ Hai, Neuralink công bố một hệ thống kết nối với não bộ chuột bạch, có khả năng đọc thông tin từ 1.500 điện cực – tức là tốt hơn 15 lần hệ thống hiện đang áp dụng trên người. Từng đó là đủ để nghiên cứu khoa học hoặc áp dụng cho ngành y tế. Tuy vậy, thành công trên chuột không thể là lời khẳng định thay cho thử nghiệm trên người.

Neuralink phải có được kết quả nghiên cứu trên người thì mới thuyết phục được thế giới. Hiện tại, công ty Imec của Bỉ với công nghệ Neuropixels là người đi đầu ngành, bằng thiết bị có khả năng lấy dữ liệu từ hàng ngàn tế bào não khác nhau.

Trí tuệ nhân tạo trong não

Công nghệ nổi tiếng nhất của Neuralink là họ có thể đặt những đường dẫn gần với neuron thần kinh – những tế bào nhỏ xíu xây dựng nên bộ não. Khả năng nắm bắt thông tin từ một lượng tế bào khổng lồ để chuyển về máy tính cho mục đích phân tích sẽ là bước quan trọng để ta tự hiểu được bộ não con người.

Bằng những cái kim cực nhỏ và một hệ thống quan sát bằng máy tính, những sợi dây dẫn truyền thông tin sẽ được đặt vào não một cách khéo léo, tránh được những mạch máu có trên bề mặt não bộ. Kỹ thuật Neuralink đang sử dụng sẽ là đặt một loạt những dây dẫn vào não, một dây có kích cỡ ¼ đường kính sợi tóc người.

Những sợi dây là dây dẫn kẹp giữa một lớp vật chất giống cellophane, nối một chuỗi những điện cực với nhau. Có thể tưởng tượng nó như một chuỗi ngọc trai siêu nhỏ được đưa vào não vậy. Neuralink sẽ đưa chúng và những địa điểm khác nhau trong não, với những độ sâu khác nhau, tùy thuộc vào thử nghiệm hay đặc tính cần có.

Tính linh hoạt của những sợi dây dẫn là một điểm cộng, tuy nhiên Neuralink vẫn cần chứng minh dây dẫn có thể tồn tại lâu trong não bộ. Neuralink không đơn độc trong cuộc đua này. Suốt thập kỷ vừa qua, Lầu Năm Góc đã cấp vốn cho một loạt các nghiên cứu não bộ cơ bản, bên cạnh đó phát triển những hệ thống cho phép điều khiển robot bằng não.

Cơ quan Các dự án Phòng thủ Tiên tiến DARPA đã có những sản phẩm đầu tiên: hệ thống cho phép điều khiển chi giả để thực hiện một số hành động cơ bản. Theo một bác sỹ phẫu thuật thần kinh thuộc Neuralink, mục tiêu lâu dài đó là có thể cho phép những người khỏe mạnh tăng cường trí thông minh của họ lên mức giống như bộ vi xử lý của một máy tính.

Chỉ có thế mới giúp con người tránh được việc bị trí tuệ nhân tạo bỏ lại phía sau trong tương lai gần. Hiện tại mục tiêu của nhóm nghiên cứu là để người dùng với những điện cực cấy trong não có thể điều khiển smartphone bằng ý nghĩ.

Nhưng sau này, công nghệ hướng tới sẽ là mở rộng tới các thiết bị khác như các cánh tay robot. Theo Neuralink, con chip sẽ liên lạc bằng công nghệ không dây với một tai nghe. Tai nghe này sẽ truyền tải thông tin tới một ứng dụng trên smartphone. “Điều này có vô số tiềm năng ứng dụng”, ông Musk nói. “Chúng tôi hi vọng sẽ thử nghiệm nó với một người bệnh trước thời điểm cuối năm sau”.

Và tiến tới là tạo được công nghệ cấy ghép điện cực an toàn, tin cậy và dễ dàng và trở thành một lựa chọn bình thường trong tương lai. Theo đó Neuralink nhắm tới mục tiêu có thể cấy các điện cực vào não người để đạt được kết quả cuối cùng là một ngày nào đó, con người có thể “tải lên” (upload) hoặc “tải xuống” (download) các ý nghĩ và kiến thức.

Theo đó, giải pháp mà tỉ phú Musk đề xuất là tạo ra một bề mặt vỏ não trực tiếp, một lớp trí tuệ nhân tạo bên trong não, giúp con người có thể đạt tới cấp độ năng lực cao hơn nhiều so với khả năng của “cấp độ người”. Trong những tuần qua, Neuralink đã tuyển dụng các chuyên gia học thuật hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn họ quan tâm.

Trong đó có kỹ sư chuyên về điện cực linh hoạt Vanessa Tolosa thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore; giáo sư Philip Sabes của Đại học California ở San Francisco chuyên về cử động kiểm soát não người; và giáo sư Timothy Gardner của Đại học Boston nổi tiếng về kỹ thuật cấy ghép điện cực trong não chim sẻ để nghiên cứu tiếng hót của chúng.

Chưa rõ công ty Neuralink có thể tạo ra sản phẩm gì, tuy nhiên nguồn tin từ những người đã trao đổi với công ty cho biết các sản phẩm đầu tiên có thể là những thiết bị có thể cấy ghép vào não để điều trị động kinh và trầm cảm – một thị trường hiện có giá trị nhiều tỉ USD.

Theo phapluatplus

SHARE