Khi lâm vào thế khó, Donald Trump tự đưa mình ra khỏi rắc rối bằng cách tạo ra các tin tức mới để đánh lạc hướng chú ý của dư luận.
Những khoảng thời gian hỗn độn dưới thời Trump đi theo một khuôn mẫu quen thuộc: Khi những tin tức tiêu cực hoặc đáng xấu hổ xuất hiện, ông Trump sẽ tung ra vài dòng tweet hoặc đưa ra các cáo buộc gây nhiều nghi ngờ để thay đổi chiều hướng chú ý của công chúng, theo Guardian.
Tuyên bố về số người dự lễ nhậm chức và gian lận bầu cử
Trong những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump dường như ám ảnh về số người tham dự lễ nhậm chức của mình. Vào ngày làm việc đầu tiên, ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương (CIA) rằng 1 -1,5 triệu người đã tham gia, mâu thuẫn với các bức ảnh cho thấy nhiều không gian trống tại National Mall.
Ngày hôm sau, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lặp lại tuyên bố của ông Trump, nói với giới truyền thông rằng tân tổng thống đã thu hút được “lượng khán giả lớn nhất từng thấy trong lễ nhậm chức”. Tuyên bố của ông Spicer bị truyền thông nghi ngờ, nhất là khi so sánh với những bức ảnh chụp đám đông tại lễ nhậm chức của Barack Obama.
Các tuyên bố của chính quyền Trump và bằng chứng chống lại họ đã làm lu mờ bất kỳ công việc thực tế nào mà tổng thống thực hiện trong những ngày đầu nhiệm kỳ, theo Guardian. Ngoài ra, tranh cãi này cũng là cú giáng vào cái tôi của tổng thống – người rất để ý đến độ nổi tiếng của mình.
Tuy nhiên, ngay sau đó, truyền thông có đề tài mới để quan tâm khi ông Trump tuyên bố rằng hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp trong cuộc bầu cử, khiến ông thua bà Clinton về phiếu phổ thông. Tổng thống đã viết trên Twitter rằng ông “sẽ yêu cầu một cuộc điều tra lớn” vào điều mà ông gọi là gian lận cử tri.
Các chính trị gia từ cả hai đảng đều tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Trump, ít ai nghe thấy thêm điều gì về cuộc điều tra kể từ đó. Ngày 15/3, Politico đưa tin rằng các nghị sĩ Cộng hòa đã “thở phào nhẹ nhõm” khi ông Trump không theo đuổi cam kết điều tra của mình.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh và cuộc điện đàm với thủ tướng Australia
Trump ngày 27/1 ký sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo vào Mỹ trong 90 ngày và dừng nhận người tị nạn trong 120 ngày. Lệnh này gây ra hỗn loạn tại Mỹ khi nhiều người bị giữ ở sân bay. Sắc lệnh đối mặt hàng chục vụ kiện và bị chỉ trích bởi các đảng viên Dân chủ, tổ chức nhân quyền và thậm chí cả đảng viên Cộng hòa.
Cho dù có cố ý hay không, vào ngày 2/2, một cuộc tranh cãi mới nổi lên làm xao nhãng chú ý của công chúng.
Washington Post đưa tin rằng trong cuộc điện đàm dự kiến kéo dài một giờ với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Trump đã cúp máy khi hai người mới chỉ nói chuyện được 25 phút. Ông Trump đã thất vọng khi ông Turnbull nhắc đến một thỏa thuận trước đây giữa Mỹ và Australia rằng Mỹ sẽ chấp nhận 1.250 người tị nạn, Washington Post viết.
Câu chuyện giành bớt sự chú ý vốn tập trung vào sắc lệnh cấm nhập cảnh. Những người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump thì lại càng thích hình ảnh tổng thống mạnh mẽ sẵn sàng cứng rắn với lãnh đạo nước ngoài. Theo Sydney Morning Herald, tại Canberra có những suy đoán rằng chính chiến lược gia trưởng của Trump, Steve Bannon, đã làm rò rỉ cuộc gọi.
Cố vấn an ninh quốc gia từ chức và mít tinh cảm ơn cử tri
Ngày 13/2, Michael Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Một loạt thông tin rò rỉ tiết lộ ông đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga với đại sứ Nga tại Washington. Ông sau đó đã nói dối về những cuộc thảo luận đó, kể cả với Phó tổng thống Mike Pence. Điều này không tốt cho ông Trump, khi mối quan hệ của ông với Nga vẫn đang bị theo dõi kỹ lưỡng.
Phản ứng của ông Trump là tổ chức buổi mít tinh cảm ơn cử tri ở Melbourne, Florida. Ông công bố nó vào ngày 15/2 và ba ngày sau, 9.000 người đã tham gia sự kiện.
Tuy nhiên, vào đúng ngày Trump tổ chức sự kiện tại Florida, một vấn đề mới đã xuất hiện khi Andrew Puzder, người được chọn là bộ trưởng lao động, đột ngột xin rút.
Diễn biến này cùng với việc từ chức của ông Flynn khiến nhiều người đặt hỏi về đội ngũ của Trump.
Ông Trump sau đó tổ chức một cuộc họp báo kéo dài, trong đó ông bác bỏ mối quan hệ với Nga, tấn công truyền thông, tuyên bố rằng mình được nhiều người ủng hộ.
Ông Trump nhấn mạnh rằng ông “không huênh hoang và cằn nhằn vô căn cứ”. Ông nói rằng chính quyền đang “vận hành như một cỗ máy tinh chỉnh”, khiến các nhà bình luận có việc để bàn trong vài ngày.
Rắc rối của bộ trưởng tư pháp và cáo buộc Obama nghe lén
Chỉ 24 giờ sau khi có bài diễn văn nhận được nhiều lời khen trước quốc hội Mỹ ngày 28/2, có thông tin rằng Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã gặp đại sứ Nga Sergey Kislyak hai lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Đây là một vấn đề vì ông Sessions đã không nhắc đến cuộc đối thoại khi được yêu cầu nói về mối liên hệ giữa chiến dịch của Trump và Nga trong phiên điều trần trước thượng viện.
Ngày 2/3, ông Sessions rút khỏi cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử. Đây tiếp tục là điều bẽ bàng cho ông Trump vì ngay trước đó ông đã khuyên ông Sessions không nên làm vậy.
Hai ngày sau, ông Trump tung ra một đòn phân tâm có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 4/3, ông cáo buộc cựu tổng thống Barack Obama nghe lén tháp Trump trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump không đưa ra bất cứ bằng chứng nào vào thời điểm đó nhưng những lùm xùm xoay quanh vụ việc đã phần nào “che khuất” các câu hỏi về mối liên hệ giữa chiến dịch của ông và Nga.
“Trong hai tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump đã chứng tỏ mình là một bậc thầy về đánh lạc hướng”, cây bút Adam Gabbatt cua Guardian bình luận.
Nguồn VnExpress