Đông dược trộn tân dược: Nguy hiểm khó lường

Lợi dụng tâm lý nhiều người dân tin dùng các loại thuốc Đông dược, một số cơ sở sản xuất thuốc Đông y vẫn lén lút trộn thuốc tân dược vào, gây tác hại khó lường cho người sử dụng.

 

Vậy hậu quả của những loại thuốc này như thế nào? Đứng trước thực tế này, người bệnh nên làm gì?

Người bệnh không thể phát hiện được

Không ít người dân “sính” dùng thuốc Đông y để chữa các bệnh mạn tính như đau nhức xương khớp hay muốn bồi bổ cơ thể. Đối với những người có tuổi lại thường hay mắc các bệnh mạn tính nên chỉ cần một người đi khám ở đâu đó rồi mua thuốc về uống có hiệu quả là mách nhau tới đó, thậm chí cách xa hàng trăm cây số. Người bệnh chỉ nghĩ đơn giản, có bệnh uống thuốc vào hiệu quả ngay thì nghĩ đó là thầy hay, thuốc tốt hay còn gọi là “gặp thầy gặp thuốc”. Uống thuốc vào là thấy giảm đau ngay, thậm chí xảy ra tai biến người bệnh cũng không nghĩ tới nguyên do là tại thuốc mình uống vì người ta nghĩ thuốc Đông y là an toàn, ít hại. Trong khi đó, tân dược có thể được tán thành bột, trộn vào Đông dược rồi chế thành thành phẩm ở dạng viên, dạng cao lỏng… vì thế, nhìn bằng mắt thường, người dân không thể phát hiện các loại thuốc Đông dược này có trộn thêm thuốc tân dược hay không.

Bệnh nhân bị hội chứng Cushing và mọc râu do lạm dụng corticoid.

Bệnh nhân bị hội chứng Cushing và mọc râu do lạm dụng corticoid.

Những hậu quả khó lường

Các thuốc Đông y trộn tân dược thường liên quan đến việc chữa các triệu chứng đau của các bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp. Vì vậy, các dược chất được trộn vào đông dược chủ yếu là các thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, paracetamol, corticoid như dexamethazon, betamethazon…

Mục đích của người sản xuất đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh. Khi người bệnh đang bị đau, uống thuốc này thấy giảm và hết ngay các triệu chứng đau nên bệnh nhân rất thích. Thậm chí khi thấy ăn được, ngủ được, béo lên (do tác dụng phụ của thuốc nhóm corticoid), người bệnh cứ tưởng đông dược trá hình này là thần dược. Thế nhưng họ có biết đâu rằng, những nguy cơ từ những đông dược này là vô cùng nguy hiểm. Ví dụ: aspirin có thể gây tác hại đến dạ dày (loét dạ dày tá tràng) nếu dùng không đúng chỉ định. Paracetamol nếu dùng quá liều sẽ gây độc cho gan. Nếu người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất này khi uống sẽ càng nguy hiểm. Khi một bệnh nhân đang được thầy thuốc điều trị bệnh trên cơ sở kết hợp đông – tây y mà trong thành phần thuốc tây được kê đơn đã có paracetamol thì rất có thể bị ngộ độc khi uống thêm loại thuốc Đông y này.

Các thuốc thuốc nhóm corticoid có chỉ định dùng trong điều trị chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nhưng sử dụng không đúng có thể gây loét dạ dày, tăng huyết áp, làm loãng xương, đái tháo đường, gây rối loạn chuyển hóa, suy giảm miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng… Đối với người cao tuổi, những tác dụng phụ này lại càng trầm trọng và nặng nề hơn. Thực tế cũng cho thấy, nhiều bệnh nhân dùng thuốc đông dược đã phải đi cấp cứu vì chảy máu dạ dày…

Đông y trộn tân dược sẽ rất trầm trọng và khó lường trước được những mối nguy hiểm, vì người bệnh cứ tin chắc rằng đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu nên an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi bị những tác dụng có hại gây ra rất trầm trọng mới đến bệnh viện thì nhiều khi đã muộn.

Vì vậy, khi uống thuốc đông dược mà người bệnh thấy giảm đau nhanh chóng, bên cạnh đó lại thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác như phù, giữ nước, tăng huyết áp, đau bụng, thượng vị, dạ dày có thể nghĩ tới khả năng trong thuốc có trộn tân dược. Cần ngừng thuốc, đi khám và điều trị kịp thời

.Cảnh giác với thuốc viên tễ không rõ nguồn gốc.

Cảnh giác với thuốc viên tễ không rõ nguồn gốc.

Dùng thuốc, rất cần sự thông thái

Phải khẳng định ngay rằng, việc cho tân dược vào đông dược là việc làm bất hợp pháp và vi phạm pháp luật và sản phẩm thuốc đó trở thành hàng giả, không được phép lưu hành, sử dụng cho người bệnh.

Đối với những công ty đã được Bộ Y tế cho phép sản xuất, đặc biệt là những công ty có thương hiệu thì dứt khoát phải sản xuất theo đúng quy trình. Từ dược liệu đầu vào phải được kiểm soát về chất lượng, đạt tiêu chuẩn mới đưa vào sản xuất. Quy trình về sản xuất thuốc ở đây rất chặt chẽ trong đó có việc đo lường rất chuẩn. Nồng độ các hoạt chất chỉ cần sai lệch một chút là đã phải hủy sản phẩm. Trong quá trình sản xuất phải tuân theo nhiều tiêu chí khác nữa như đảm bảo độ vô khuẩn, độ rã, độ hòa tan… để đảm bảo sự hấp thu tốt của thuốc và có sự kiểm duyệt chặt chẽ về chất lượng mới được đưa ra thị trường. Thuốc có nhãn mác, có ghi lô sản xuất, hạn dùng, nơi sản xuất…

Thực tế cho thấy, các sản phẩm Đông dược trộn tân dược phần lớn là của các ông lang, bà mế nhưng lại được dân chấp nhận, thậm chí có trường hợp biết là có thuốc tân dược nhưng vẫn uống. Đối với những thuốc loại này thường sản xuất thủ công (vê bằng tay tạo ra những viên hoàn, viên tễ) dễ bị nhiễm khuẩn, chia viên không đều. Nhiều khi thuốc vê quá chặt không hòa tan được khiến cho người bệnh đi ngoài ra cả thuốc.

Đối với thuốc đông y, có tốt đến mấy thì cũng không thể tiến triển nhanh như thuốc tây được, nó cần phải có thời gian có thể từ 3 – 5 ngày mới có tác dụng. Vì thế khi uống thuốc Đông y, người bệnh không nên nôn nóng và cần cảnh giác với những thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, bao bì… Khi có bệnh, nên đến khám ở những cơ sở y tế hợp pháp và dùng thuốc có nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Suckhoedoisong

SHARE