Đông xác (cryonics) là kỹ thuật đông lạnh sâu những cơ thể mới chết (hoặc chỉ là đông lạnh phần não của một người nào đó mới chết), với hy vọng họ sẽ được rã đông và làm hồi sinh lại trong tương lai.
Nhiều người đang kỳ vọng kỹ thuật đông xác sẽ giúp hồi sinh người thân của họ trong tương lai – Ảnh: South China Morning Post |
Đông xác là chủ đề của nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đồng thời cũng mang màu sắc thần thoại và hư cấu.
Những nhân vật như Iceman trong bộ phim Batman, hay gần đây nhất là tin đồn về việc ông Walt Disney bị đông xác đã làm dấy lên nhiều sự nghi ngờ và khiến người ta lo ngại về chủ đề này.
Bảo toàn sự sống thông qua đông xác
Vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một người phụ nữ đã được đông xác.
Cô Zhan Wenlian qua đời ở tuổi 49 vì căn bệnh ung thư phổi và chồng cô, anh Gui Junmin, đã tình nguyện hiến xác vợ mình cho khoa học. Cả anh và cô đều muốn hiến xác của cô cho khoa học vì lợi ích cộng đồng.
Anh chia sẻ với tờ Mirror UK rằng anh chợt “lóe lên” ý tưởng về đông xác khi muốn “bảo toàn sự sống trong tương lai cho vợ”.
Quá trình này được thực hiện tại Viện Nghiên cứu sinh học Yinfeng ở tỉnh Tế Nam, bắt đầu bằng việc đưa thi thể cô Wenlian vô một bình chứa 2.000 lít ni tơ lỏng.
Dự án này là nỗ lực hợp tác giữa Viện nghiên cứu sinh học Yinfeng, Đại học Shandong thuộc bệnh viên Qilu dưới sự tư vấn của Tổ chức Bảo toàn sự sống Alcor, một công ty đông xác phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.
Tuy nhiều người tỏ ra lạc quan với kỹ thuật này, vẫn có một câu hỏi đặt ra: độ tin cậy về mặt khoa học của kỹ thuật này là như thế nào?
Đây có phải chỉ là một thí nghiệm để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giải phẫu cơ thể người hay không? Hay đông xác sẽ trở thành một hình thức bảo toàn sự sống phổ biến trong tương lai?
Cái chết trong tương lai
Thi thể bà Zhan đang trong quá trình đông xác sau khi được xử lý – Ảnh: AsiaWire |
Đông xác cần phải đúng lúc. Khi một người mới qua đời, cơ thể của họ sẽ được đông xác ngay lập tức khi trái tim ngừng đập. Nó không hẳn là “đông lạnh”, vì kỹ thuật đông xác cần phải hạn chế tối đa việc hình thành băng đá – nhân tố chính làm tổn hại tới tế bào.
Kỹ thuật làm mát nhanh, thay vì “đông” nhanh, có vẻ sẽ miêu tả chính xác hơn quá trình này.
Hỗn hợp hóa học gồm glycerol và propandiol, thêm một chút chất chống đông, là thành phần hay được sử dụng để ngăn thi thể bị thối rữa, đồng thời hạn chế việc nó bị tổn thương vì được lưu trữ trong môi trường nhiệt độ thấp, trong một thời gian khá là dài.
Sau đó, thi thể được chăm sóc theo một cách đặc biệt. Mục đích của việc bảo toàn sự sống bằng phương pháp đông xác là hy vọng một ngày nào đó trong tương lai người ấy sẽ được rã đông và hồi sinh ở mức tế bào – và từ đó sống lại.
Với kiến thức và công nghệ hiện tại của chúng ta, quá trình đảo ngược cái chết hoàn toàn có vẻ là không khả thi. Kỹ thuật tốt nhất trong hiện tại để hồi sinh một người là sau khi người ấy chết lâm sàng và bác sĩ sử dụng máy khử rung tim để hồi sinh họ.
Kỹ thuật đông xác cũng được sử dụng trong quá trình lâm sàng ngắn ngủi này, nhưng với niềm tin rằng cái chết chỉ là tạm thời, chứ không phải là vĩnh viễn.
Hiện tại dù các nhà khoa học chưa thể hồi sinh con người, chúng ta không nên nghĩ rằng kỹ thuật đông xác là không quan trọng hoặc không cần thiết. Trường hợp đông xác đầu tiên ở Trung Quốc là một bước tiến lớn nhằm giúp mọi người hiểu thêm về lĩnh vực này.
Liệu con người có thể đảo ngược số mệnh ông trời đã sắp đặt? Câu trả lời là có thể trong tương lai, đặc biệt là khi công nghệ phát triển như bây giờ.
Dù chúng ta có sống để chiêm ngưỡng được thành quả ấy hay không, thì trong hiện tại, sự kiện này chắc chắn là một điều đáng mừng.
Theo tuoitre