Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Tiếng dân tộc thiểu số được bổ sung vào danh sách môn học tự chọn từ cấp một đến hết bậc THPT.
Chiều 14/2, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Khác với chương trình cũ, chương trình mới sẽ phân hóa thành các bộ môn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc. Chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019.
Trong đó, môn học bắt buộc có phân hóa nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun). Một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh. Một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.
Học sinh phải chọn môn học tự chọn bắt buộc trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.
Thời gian thực hiện các môn học trong một năm (tương đương 37 tuần) bao gồm 35 tuần thực học dành cho những môn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc. Hai tuần học dành cho môn tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc là Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.
Các môn học bắt buộc có phân hóa là Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cấp tiểu học còn có Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học 2 buổi/ngày, với sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Lớp 10 bắt đầu được coi là lớp định hướng nghề nghiệp, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12 là giai đoạn phân hóa sâu của việc định hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Các môn học bắt buộc có phân hoá: Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Các môn học tự chọn bắt buộc: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.
Học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn học và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc phù hợp nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
GS Nguyễn Minh thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết theo kế hoạch, đến tháng 9/2017, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Tiến độ có khả năng được thực hiện đúng như Quốc hội đã đề ra: Đầu năm học 2018-2019, sẽ triển khai bộ sách giáo khoa lớp một, thực nghiệm các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Toàn bộ việc triển khai chương trình mới sẽ hoàn thành vào năm học 2022-2023.
(Nguồn: Zing)