Những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên hành trình đưa rước dâu do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan: do chính các hủ tục được gọi là truyền thống, tin vào những lời phán từ các thầy bói, thầy tướng số, phong thủy. Và, tai nạn rình rập trong cuộc chạy đua chỉ vì cố theo cho được “ngày lành, giờ tốt”, cung Hoàng đạo để đón rước dâu.
Lúc 2h35 ngày 30-7, trên QL1A đường tránh thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), thuộc xã Điện Minh, ô tô khách mang biển số 75B-000.25 chở gia đình nhà trai cùng chú rể từ xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vào Bình Định rước dâu. Khi tới đoạn đường trên, xe đón dâu đã đâm trực diện vào xe container biển số 51D-4111.21 kéo theo rờ-moóc số 51R-215.75 chạy ngược chiều. Vụ tai nạn thảm khốc đã tước đi tính mạng 13 người, trong đó có chú rể và 4 người khác bị thương rất nặng.
Một tai nạn thảm khốc khác đã từng xảy ra tại xã Hóa Qùy, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vào chiều ngày 24/1 cũng đã cướp đi sinh mạng 10 người và làm 4 người khác bị thương từ xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) ra TP Uông Bí (Quảng Ninh) dự đám cưới. Tại hiện trường vụ tai nạn, hai xe khách mất lái đâm chính diện vào nhau gây nên tai nạn thảm khốc…
Đã có rất nhiều vụ TNGT liên quan đến đưa đón dâu va chạm với ô tô, xe tải trên đường bộ, va chạm với tàu lửa tại đường ngang dân sinh, hoặc bị lật đèo, rơi xuống vực. Ngay cả việc rước đón dâu bằng xuồng ghe ở miền Tây Nam bộ cũng từng xảy ra tai nạn, dẫn đến chìm đò.
Cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn, lấy lời khai, xác minh những nạn nhân, nhân chứng đều cho thấy một số điểm chung khớp trùng nhau qua các vụ tai nạn giao thông: “điểm chết” thường rơi vào giờ khuya từ 1 đến 3 giờ sáng.
Đó là lúc hành khách đã ngủ yên, tài xế dễ ngủ gật khi đã cầm vô lăng quá nhiều giờ, căng thẳng thần kinh. Những cung đường là điểm đen tử thần trên QL1A tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận… thường rất rộng, tài xế tranh thủ phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường với tốc độ rất lớn, nên khi tai nạn xảy ra phương tiện va chạm cực mạnh, biến dạng khiến nhiều người chết và cháy nổ.
Yếu tố mê tín dị đoan luôn bao trùm lên những vụ tai nạn thảm khốc, mà trong đó ý thức chủ quan của con người đã có những tác động trực tiếp đến. Ngày đại hỉ biến thành ngày đại tang hầu hết đều có mặt bởi sự tin tưởng mù quáng vào các thầy tướng số phán “ngày tốt, giờ lành”.
Nhà trai muốn đón rước dâu, phải có đủ các mâm lễ do nhà gái yêu cầu, giờ tốt nhà trai đến, giờ lành rước dâu đi tất thảy đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo lời của một “thầy bà” nào đó coi. Có đám đón dâu nhà trai đến sớm cả tiếng đồng hồ, phải ngồi vất vưởng ngoài đường hoặc bờ bụi nào đó đợi đến giờ tốt mới vào cổng vu qui nhà gái. Có đám rước dâu do tuổi tác không hợp nhau, hoặc cô dâu “lỡ có bầu” phải đón lúc rạng đông.
Trở lại vụ TNGT thảm khốc của xe đón dâu tại Quảng Nam. Tài xế Lê Ngọc Cường do trước lúc xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên, đã phải chạy xe liên tục chở một đoàn khách vào Đà Nẵng dự đám cưới rồi chở về Huế. Chưa kịp chợp mắt nghỉ ngơi, lúc 23h cùng ngày 19-7 tài xế tiếp tục chở gia đình nhà trai từ Quảng Trị vào Bình Định đón dâu. Như vậy, do áp lực chạy xe quá căng thẳng hơn 12h liên tục, nên tài xế có khả năng ngủ gật.
Lưỡi hái của thần chết luôn rập rình trên những chuyến xe định mệnh, có lỗi từ người lái xe quá tham lam công việc, bất chấp luật lệ, sức khỏe và sự tỉnh táo cần phải có, quên trách nhiệm sau tay lái là hàng chục sinh mạng con người. Lỗi cũng không thể bỏ qua từ những người cha mẹ quá mụ mị tin vào những lời mê tín dị đoan khiến cho gia đình bên kia vội vã, khắc nghiệt hơn với tính mạng, bản thân.
Chia sẻ với câu chuyện bất hạnh này, ông Phạm Đăng Vinh, một lão nông ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) kể, cả gia đình ông đã suýt mất mạng vì TNGT khi lên Tây Nguyên đón dâu. Sợ trễ giờ lành bên nhà gái yêu cầu nên tài xế chạy quá nhanh khi qua đèo… Xe tuột thắng lao vào vách núi. May mà khi đó chớm đổ dốc, tài xế đã giảm ga tốc độ không cao.
Nhiều gia đình không nghĩ đến việc đơn giản, có thể đưa rước dâu “đi trước” một hôm, nếu hai gia đình quá xa nhau. Bà Lê Thu Nhẫn, ngụ Thủ Đức kể chuyện: Con gái bà lấy chồng dưới Năm Căn (Cà Mau). Ngày hôm trước, gia đình đi 8-9 tiếng đồng hồ đến Năm Căn, thuê khách sạn nghỉ ngơi, tham quan sông nước. Trưa hôm sau nhà trai tổ chức tiệc cưới, dự xong đến 2-3 giờ chiều ung dung về thành phố. Lái xe cũng là khách dự tiệc cưới, khỏe khoắn, đi và về tay lái đều vững vàng, cứ tà tà mà chạy, không vội vã.
Chạy đua với thời gian để kịp đến giờ đón dâu rình rang là kiểu thường thấy của nhiều đám cưới ngày nay. Đây không phải là cách chọn lựa thông minh, an toàn mà hầu như rất nguy hiểm, mệt mỏi nhiều hơn. Chỉ vì mù quáng, mê tín dị đoan cả tin vào những lời “thầy bà” phán ấn định ngày lành, giờ tốt hoặc coi tuổi tác, năm Kim Lâu, tướng số cô dâu chú rể có thể mang những ảnh hưởng bất lợi khiến tính mạng cha mẹ, gia sản, sự nghiệp tan nát… Nhiều gia đình vẫn mê muội tin vào yếu tố tâm linh đó, bắt buộc khi đón rước dâu, nhập gia đều phải đúng giờ, cho dù giờ được ấn định rất trái khoáy.
Đừng chỉ nghĩ đến việc chạy đua cho kịp “ngày lành, giờ tốt” mà không nghĩ tới tai nạn thảm khốc có thể cướp đi toàn bộ sinh mạng người thân trong khi đón rước dâu.